Elizabeth Yuko là trợ giảng tại Đại học Fordham (Mỹ), đồng thời là nhà báo tự do. Khi đang giảng bài giữa chừng, Elizabeth đột nhiên mất đi mạch suy nghĩ, nhìn chằm chằm vào bài thuyết trình PowerPoint trên máy tính xách tay. Cô im lặng hồi lâu cho tới khi sinh viên nhắc nhở qua Zoom.
Việc mất tập trung này đã trở thành "chuyện như cơm bữa" với Elizabeth sau khi mắc Covid-19. Cô gặp tình trạng hậu Covid-19 với một loạt triệu chứng trong suốt một năm sau âm tính. Elizabeth sống với sự mệt mỏi hàng ngày và gặp khó khăn trong việc tập trung, triệu chứng của sương mù não do Covid-19 gây ra. Nữ giảng viên còn phải vật lộn với chứng đau đầu dữ dội, các vấn đề về dạ dày và các triệu chứng khó hiểu như: đau mắt đỏ dai dẳng, rụng tóc, đau khớp và đau nhức cơ thể, khó đọc.
Elizabeth Yuko kể dấu hiệu đầu tiên của Covid-19 bắt đầu với biểu hiện đau họng, sớm dẫn đến khó thở, sốt và đổ mồ hôi ban đêm, ho khan dai dẳng, đau đầu, tiêu chảy và suy nhược, mệt mỏi trong gần một tháng. Đó là giai đoạn cao điểm của đại dịch ở New York, khi các bệnh viện của thành phố đang phải vật lộn để chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19. Cô thực hiện theo lời khuyên của các bác sĩ là ở nhà và tự chăm sóc bản thân trong căn nhà thoáng và rộng rãi.
"Tôi thực sự cảm thấy bản thân may mắn vì sống trong một không gian rộng rãi, điều đó giúp tôi thấy dễ chịu khi bước từ giường vào phòng tắm. Tuy nhiên, trong ngày, tôi cũng nhiều lần phải chiến đấu với những đợt khó thở và có thể ngã ngụy, có lúc, ngay cả việc rời khỏi chiếc ghế dài cũng thật khó khăn", Elizabeth nói.
Dù sau đó, Elizabeth có thể đi bộ xuống sảnh chung cư để lấy thư mà không gặp khó khăn nhưng cô vẫn thường xuyên mệt mỏi và chứng sương mù não kéo dài đã một năm. Những triệu chứng này không chỉ gây phiền toái hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới công việc. Thêm vào đó, sau 6 tháng âm tính với Covid-19, Elizabeth không chỉ bị chứng sương mù não mà còn liên tục mệt mỏi và gặp vấn đề về tiêu hóa.
Sau 9 tháng kể từ khi mắc Covid-19 lần đầu, nữ giảng viên tái nhiễm khi nhận kết quả dương tính với coronavirus lần hai. Cô quyết định giải quyết mọi vấn đề bằng cách tham gia vào cuộc nghiên cứu tại Đại học NewYork-Presbyterian và Đại học Columbia bằng cách liên hệ với các tình nguyện viên. Khi nghe câu chuyện của Elizabeth, tiến sĩ Lawrence Purpura, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về y học lâm sàng tại khoa Bệnh truyền nhiễm của Đại học Columbia, Cao đẳng Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Vagelos, đã đề nghị nhận cô làm bệnh nhân tại phòng khám Covid-19 kéo dài mới. Cứ sau vài tuần, cô lại được lấy mẫu thử khác nhau và trả lời các câu hỏi khảo sát chi tiết.
Ban đầu, dù tham gia vào một cuộc nghiên cứu và tới phòng chăm sóc hậu Covid-19 nhưng Elizabeth thừa nhận luôn cảm thấy buồn phiền vì tình trạng của mình. Cô gặp khó khăn khi trải lòng với bạn bè và người thân về các triệu chứng mà bản thân gặp phải. Nhưng sau đó, Elizabeth dần cảm thấy khá hơn khi được làm việc với một phòng khám chuyên khoa sau Covid-19. Cô khẳng định việc này giúp mình và các bệnh nhân khác vượt qua những căng thẳng diễn ra trong hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng và tiết kiệm thời gian. "Bạn không phải mất thời gian thuyết phục các bác sĩ lâm sàng rằng bạn bị bệnh, họ đã tin bạn và bạn có thể bắt đầu xác định các vấn đề, được đưa ra các giải pháp tiềm năng ngay lập tức". cô nói.
Elizabeth không phải là bệnh nhân duy nhất phải chiến đấu với các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Các nhà nghiên cứu ước tính 10% đến 30% những người bị nhiễm coronavirus trải qua các triệu chứng lâu dài và suy yếu dù một số người gặp triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng khi mới nhiễm bệnh.
Một nghiên cứu trên Tạp chí y khoa The Lancet chỉ ra vào thời điểm sáu tháng sau khi mắc Covid-19, hơn 60% bệnh nhân xuất viện cho biết họ mệt mỏi, hơn 25% khó ngủ và hơn 20% lo lắng hoặc trầm cảm. "Đó là những con số cao đáng kinh ngạc", tiến sĩ Lawrence Purpura cho biết.
Lawrence James Purpura, M.D., là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về y học lâm sàng tại Khoa Các bệnh Truyền nhiễm tại Trường Cao đẳng Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Vagelos thuộc Đại học Columbia. Ông là trợ lý bác sĩ chăm sóc sức khỏe và lãnh đạo một phòng khám COVID lâu dài tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học NewYork-Presbyterian / Đại học Columbia, thuộc Bộ phận Bệnh truyền nhiễm.
Tiến sĩ Purpura cùng các đồng nghiệp đã thu thập hàng loạt mẫu vật như: máu, nước bọt và mẫu phân; trong một số trường hợp là sữa mẹ hoặc tinh dịch, từ hơn 250 người tham gia để kiểm tra phản ứng miễn dịch của bệnh nhân, sự tồn tại của virus và các biến chứng lâu dài. Thử nghiệm PCR và giải trình tự gen của virus cũng được tiến hành. Tiến sĩ Purpura cho biết: "Chúng tôi muốn thu thập dữ liệu chất lượng và các mẫu sinh học để nghiên cứu cách virus SARS-CoV-2 tác động lên cơ thể và hệ thống miễn dịch, đặc biệt là theo thời gian".
Nhiều tháng sau khi nghiên cứu, các bác sĩ phát hiện 61% những người mắc Covid-19 nhẹ và 69% những trường hợp nặng báo cáo gặp ít nhất một triệu chứng Covid kéo dài. "Những con số cao đáng kinh ngạc" này đã truyền cảm hứng cho Tiến sĩ Purpura thành lập một phòng khám Covid-19 kéo dài toàn diện tại Đại học NewYork-Presbyterian và Đại học Columbia để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho những người đang phải đối phó với tình trạng này. Phòng khám đánh giá bệnh nhân bằng cách kiểm tra toàn bộ với xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ và các xét nghiệm khác. Phòng khám cũng kết nối với các chuyên gia như bác sĩ tim mạch, bác sĩ tâm thần và thần kinh để điều trị các triệu chứng cụ thể cũng như hợp tác chăm sóc bệnh nhân.
Tiến sĩ Purpura tiết lộ ông muốn cung cấp sự chăm sóc tốt nhất có thể cho những bệnh nhân đang gặp phải những triệu chứng Covid-19 kéo dài. Phòng khám đã được thành lập, hoạt động từ tháng Giêng và đang khám cho các bệnh nhân, bao gồm cả Elizabeth, người có các cuộc hẹn khám sức khỏe từ xa định kỳ và đang gặp bác sĩ thần kinh. Giống như Elizabeth, hầu hết bệnh nhân của phòng khám và những người trong nghiên cứu báo cáo các triệu chứng Covid-19 kéo dài dù họ không phải nhập viện khi mắc bệnh. "Nhiều người tương đối trẻ, khỏe mạnh, không phải nhập viện và tự hồi phục tại nhà. Rõ ràng là có một tỷ lệ rất cao các biến chứng của bệnh nhân và những người tham gia nghiên cứu dù họ mắc bệnh nhẹ", ông nói.
Theo tiến sĩ Lawrence Purpura, các biến chứng xảy ra sau khi nhiễm virus không phải là mới, người bệnh có thể gặp phải sau khi mắc một số bệnh nhiễm virus nhất định. Triệu chứng Covid-19 kéo dài phổ biến nhất là mệt mỏi. Nhiều người báo cáo gặp các vấn đề thần kinh như: sương mù não, khó thở, ho, sốt từng cơn, đau khớp, đau ngực, tiêu chảy và các vấn đề về đường tiêu hóa, phát ban trên da, cùng với lo lắng và trầm cảm, đau ngực cũng như các bệnh liên quan tới tim. Trong số đó, bệnh cơ tim và viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim đã được mô tả rõ ràng trong giai đoạn cấp tính của Covid-19. Mặc dù hiếm gặp, những vấn đề này có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, đặc biệt, nếu bệnh nhân tiến triển thành suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Nhịp tim nhanh là một triệu chứng tim khác mà một số bệnh nhân gặp phải. "Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể dẫn đến nhịp tim nhanh, choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu trong những trường hợp rất nặng", ông cho biết.
Mặc dù không có phương pháp điều trị Covid-19 kéo dài nhưng những thói quen lành mạnh có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng. Ví dụ như thiết lập thói quen ngủ đều đặn có thể giúp chữa chứng mất ngủ - một triệu chứng được biết đến là làm trầm trọng thêm các triệu chứng khác như mệt mỏi mãn tính và cảm giác không khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng tim phổi và thần kinh bất thường hơn, tiến sĩ Purpura cho biết cần phải nghiên cứu thêm để đưa ra cách điều trị hiệu quả.
Điều khiến Covid-19 kéo dài phức tạp là bởi nó còn quá mới mẻ, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu vẫn đang phải tích cực làm việc để hiểu về nó. Khi bắt đầu đại dịch, các bác sĩ và y tá chỉ cố gắng điều trị cho lượng bệnh nhân tăng vọt. Sau hơn hai năm, cộng đồng y tế đang phải vật lộn với số lượng ngày càng tăng của những người mắc Covid-19 kéo dài và tìm ra cách chăm sóc tốt nhất cho họ. Nhiều nghiên cứu giống như nghiên cứu tại Đại học NewYork-Presbyterian và Đại học Columbia cũng đang được tiến hành để tìm ra điều gì thúc đẩy các triệu chứng Covid-19 kéo dài và tại sao một số người lại dễ bị hơn những người khác.
Nhiều bệnh nhân của tiến sĩ Purpura chia sẻ có cảm giác xấu hổ trước những người thân, bạn bè, thậm chí cả những nhà cung cấp dịch vụ y tế. "Rất nhiều bệnh nhân của tôi nói rằng mọi người nghĩ họ điên rồ khi nói bản thân vẫn sống chung với các triệu chứng Covid-19, cho dù đó là vài tuần hay vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Những gì chúng tôi có thể cung cấp tại phòng khám của mình là xác thực cho mọi người để cho họ biết rằng họ không đơn độc và không nên cảm thấy bị kỳ thị", ông nói.
Tiến sĩ Purpura rất hy vọng không phải ai cũng có những triệu chứng này trong một thời gian dài và chắc chắn không phải trong suốt phần đời còn lại của họ. Từ bằng chứng có được từ các bệnh nhiễm virus khác, ông thấy một số tỷ lệ bệnh nhân sẽ có các triệu chứng lâu dài, có thể từ một đến ba tháng; một số bệnh nhân sẽ tiếp tục gặp các triệu chứng lâu hơn, lên tới sáu đến chín tháng; và một tỷ lệ nhỏ hơn sẽ có các triệu chứng kéo dài hơn 12 tháng. Đó là lý do tại sao những nghiên cứu rất quan trọng để trả lời cho vấn đề này.
Ngoài việc nghiên cứu các yếu tố góp phần gây ra những triệu chứng kéo dài, nhóm của tiến sĩ Lawrence Purpura còn phải xác định nguy cơ tái nhiễm và hiểu cách vaccine Covid-19 tác động đến quá trình lâm sàng và miễn dịch trên những bệnh nhân gặp tình trạng Covid-19 kéo dài này.
Tiến sĩ Purpura lạc quan rằng các câu trả lời và phương pháp điều trị tốt hơn đang ở phía trước. "Bây giờ người ta chú ý nhiều hơn đến Covid-19 kéo dài, sẽ có nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn để trả lời câu hỏi tại sao điều này lại xảy ra và cuối cùng là cách chăm sóc và điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân này", ông khẳng định.
Hải My (Theo Health Matters)