Sự tấn công của SARS-CoV-2 không chỉ giới hạn ở đường hô hấp. Các tác động tiêu cực của virus ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, dạ dày và thận... Trong đó, gan là một trong những cơ quan phải đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn do virus gây ra.
Điều này do virus kết nối với thụ thể Angiotensin Converting Enzyme 2 (ACE2) có trên tế bào của người. Sự tồn tại của các tế bào thụ thể này trong đường mật và ống mật gan tạo điều kiện cho virus xâm nhập và lây lan. Virus này tiếp tục nhân lên trong cơ thể dẫn đến rối loạn điều hòa chức năng gan.
Trong quá trình mắc Covid-19, mức độ của một số enzym trong gan tăng cao. Theo một số nghiên cứu, tổn thương gan liên quan đến Covid-19 được định nghĩa là Alanine amino transaminase (ALT) hoặc Aspartate amino transaminase (AST) vượt quá 3 lần giới hạn trên của giá trị bình thường. Đồng thời, xét nghiệm các chỉ số ALP, γ-Glutamyl transpeptidase hoặc tổng số bilirubin của các enzym AST và ALT giúp phân biệt tổn thương tế bào gan với suy giảm bài tiết mật.
Ngoài ra, những người bị bệnh gan mãn tính có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tấn công của virus. Với các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng đã có trong cơ thể, hệ thống miễn dịch vốn bị tổn thương nên không thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của SARS-CoV-2 dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tăng lên. Bên cạnh đó, các loại thuốc được sử dụng để điều trị Covid-19 cũng có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe của gan.
Đồng thời, tỷ lệ mức độ nghiêm trọng ở gan do Covid-19 cũng có liên quan đến các bệnh đi kèm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra một tình trạng chung ở gan của các bệnh nhân mắc Covid-19 là gan nhiễm mỡ. Đây là tình trạng tích tụ quá nhiều chất béo trong gan. Gan nhiễm mỡ phần lớn liên quan đến hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, béo phì và tăng huyết áp.
Trong giai đoạn mắc Covid-19, chỉ một phần nhỏ bệnh nhân gặp các triệu chứng nghiêm trong. Tuy nhiên, hầu hết người lại gặp các triệu chứng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Để gan sớm phục hồi, bệnh nhân không nên làm cho gan phải hoạt động quá sức và cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cụ thể, về dinh dưỡng, nên đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, hạn chế chất béo, đường, tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước. Về nhóm chất béo, nên ưu tiên các thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa (trái bơ, dầu thực vật, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều...) thay vì các chất béo bão hòa (mỡ và thịt động vật, các loại bơ, sữa...).
Sau khi mắc Covid, gan và hệ tiêu hóa chưa hồi phục hoàn toàn nên hạn chế các thực phẩm chế biến theo kiểu nướng, chiên, đồ ăn cay nóng, đặc biệt là các đồ uống có chứa nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tập thể dục đều đặn cũng là cách để giúp lá gan khỏe mạnh. Đặc biệt không nên sử dụng các thuốc khi không thật sự cần thiết, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc và thành phần để bồi bổ cơ thể hay giảm cân.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nên thực hiện kiểm tra gan hậu Covid-19 và chức năng gan khi xuất hiện triệu chứng bất thường liên quan đến tiêu hóa và gan.
Hồng Thảo (theo Times of India)