Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các chuyên gia hiếm khi phát hiện những trường hợp tái nhiễm Covid-19 lần thứ hai. Dưới 1% tổng số trường hợp được ghi nhận ở Anh trước tháng 11/2021 là tái nhiễm. Tuy nhiên, kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện lần đầu vào cuối tháng 11/2021, điều đó đã thay đổi. Tỷ lệ tái nhiễm trong năm nay cao hơn khoảng 10 lần so với trước đó.
Theo các chuyên gia, cấu trúc khác biệt của Omicron cho phép biến chủng này có cơ hội vượt qua các "hệ thống phòng thủ" ban đầu của cơ thể được xây dựng dựa trên các chủng Covid-19 trước đó. Hiện tại, tỷ lệ ca nhiễm mới tăng lên phần lớn là do tái nhiễm. Nhưng việc bị Covid-19 trong một khoảng thời gian ngắn vẫn khá khó xảy ra và với hầu hết mọi người, lần nhiễm trùng thứ hai cũng ít có khả năng khiến họ bị bệnh nặng.
Chủng Omicron BA.2 đã đẩy các ca nhiễm ở Anh trở lại mức kỷ lục. Văn phòng Thống kê quốc gia cho biết, khoảng một trong số 13 người ở Anh mắc Covid-19 trong tuần từ ngày 27/3 tới 2/4; con số này giảm xuống khoảng 1/15 vào tuần kế tiếp (từ ngày 3/4 tới 9/4) và giảm xuống khoảng 1/17 vào tuần từ ngày 10/4 tới 16/4.
Omicron BA.2 dễ lây lan hơn BA.1 nhưng một người bị mắc chủng Omicron trong vài tháng qua đã tạo miễn dịch để có thể chống lại sự tái nhiễm lần thứ hai. Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia, đến nay, trường hợp tái nhiễm Omicron là "hiếm nhưng có thể xảy ra" ở những người trẻ hơn và những người chưa được tiêm chủng.
Từ tháng 1, khoảng 4,5 triệu người Anh đã được tiêm liều tăng cường Covid-19, 2 triệu người khác tiêm liều thứ hai và hàng chục triệu người được bảo vệ khỏi một đợt lây nhiễm thời gian gần đây. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng sự kết hợp giữa việc từng bị nhiễm Omicron và tiêm chủng có thể giúp cơ thể chống lại một đợt nhiễm trùng mới.
Theo Giáo sư Miễn dịch học Eleanor Riley, phần lớn các xét nghiệm dương tính lần thứ hai trong khoảng thời gian ngắn thường là do nhiễm trùng kéo dài chứ không hẳn là tái nhiễm. "Ngay cả khi bạn nhận kết quả dương tính một lần nữa, điều đó không phải bạn tái nhiễm Covid-19, nó chỉ có nghĩa là virus vẫn tồn tại trong mũi và cổ họng của bạn", Giáo sư Eleanor Riley nói.
Riley cho rằng nếu một người xét nghiệm dương tính trở lại nhưng cảm thấy khỏe, mối quan tâm chính của họ là liệu bản thân có thể truyền nhiễm cho môt người nào đó có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh nặng hay không. Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến một số người phải nhập viện, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch kém hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, không ít người vừa khỏi bệnh một vài tuần, lo lắng nên liên tục test nhanh hay PCR, kết quả đều dương tính. Trường hợp dương tính quá gần thời gian nhiễm lần trước như thế này, bác sĩ Khanh cho là "tái dương tính do xác virus chưa kịp đào thải". "Xác virus vẫn còn tàn lưu trong cơ thể cho kết quả xét nghiệm dương tính giả. Thực tế rất hiếm khi mới hết bệnh vài tuần đã tái nhiễm ngay vì cơ thể đã có miễn dịch", ông nói.
Theo bác sĩ Khanh, cả xét nghiệm PCR lẫn test nhanh kháng nguyên, về bản chất là tìm vật liệu di truyền của virus, không phân biệt virus sống hay xác. Do đó, người đã khỏi nhưng còn tồn lưu xác virus, kết quả xét nghiệm vẫn cho kết quả dương. Trường hợp tái dương tính đã được các nhà khoa học chứng minh là không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác, không ảnh hưởng sức khỏe. Như vậy, trường hợp xét nghiệm dương tính trong khoảng thời gian gần, ví dụ một tháng, không có triệu chứng thì nhiều khả năng là tái dương tính. Còn tái nhiễm là khi mắc chủng khác với triệu chứng rõ rệt (hoặc giải trình tự gene virus thấy rõ chủng virus); nhiễm sau 1-2 tháng kể từ lần nhiễm trước.
Dù số lượng ca nhiễm trùng Covid-19 vẫn tăng cao nhưng hiện tại, ít người phải nhập viện hơn so với trước đây nhờ đã được tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh trước đó. Trong thời gian cao điểm của tháng 1, khoảng 55% số người Anh nhập viện để điều trị Covid-19. Số liệu ngày 5/4 vừa qua ghi nhận con số đã giảm xuống dưới 45%. Tổng số người nhập viện chỉ gần bằng một nửa so với tháng 1/2021.
Chính phủ hy vọng việc triển khai vaccine tăng cường sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch cho những người dễ bị tổn thương và khiến Omicron khó gây ra bệnh nghiêm trọng hơn cho dù nó xảy ra một lần hay hai lần.
Để ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều quốc gia triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm.
Hải My (Theo BBC News)