Một nghiên cứu được công bố chỉ ra, tỷ lệ tắc tĩnh mạch võng mạc tăng lên trong vòng 6 tháng sau khi khỏi Covid-19. Tắc tĩnh mạch võng mạc xảy ra khi cục máu đông làm tắc tĩnh mạch có thể gây suy giảm, thậm chí mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
Theo tiến sĩ Sameer Kaushal, Trưởng khoa Nhãn khoa, Bệnh viện Artemis Gurgaon (Ấn Độ), Covid-19 làm tăng tỷ lệ tắc nghẽn mạch máu trong cơ thể. Bên cạnh nguy cơ đối mặt với đau tim và đột quỵ, bệnh nhân Covid-19 cũng gặp hiện tượng tắc nghẽn mạch máu võng mạc gây giảm thị lực.
Giải thích thêm về chứng rối loạn này, tiến sĩ S. Natarajan, Bệnh viện Mắt Aditya Jyot cho biết: "Tắc tĩnh mạch võng mạc (RVO) là nguyên nhân phổ biến gây mất thị lực ở những người lớn tuổi, phổ biến thứ hai sau bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh này thường thấy ở bệnh nhân trên 55 tuổi và các yếu tố nguy cơ bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tăng lipid máu".
Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo các về mắt thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chúng chỉ gây ra những rối loạn và mất thị giác khi chuyển sang giai đoạn nặng.
Ngoài ra, người bệnh mắc Covid-19 còn phải đối mặt với các nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác như viêm kết mạc, nấm niêm mạc quỹ đạo (nấm đen), bệnh thần kinh thị giác, rối loạn mạch máu võng mạc, viêm màng bồ đào và các rối loạn nhãn khoa thần kinh.
Cũng theo các chuyên gia, không có loại thuốc phòng ngừa đặc biệt nào được khuyến nghị để điều trị các rối loạn về mắt vì tỷ lệ các biểu hiện nghiêm trọng về mắt này vẫn chưa đáng kể. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời vẫn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề về mắt do Covid-19 gây ra.
Hồng Thảo (theo Hindustan Times)