Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Nguy cơ béo phì do Covid-19

Bên cạnh chế độ ăn uống và tập thể dục, tâm lý căng thẳng, lo lắng cũng khiến tình trạng béo phì nghiêm trọng hơn.

Trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, gần 30% bệnh nhân béo phì tăng hơn 5% trọng lượng cơ thể và hơn 14% người tăng 10%. Chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục là các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm dẫn đến việc tăng cân, theo các nhà nghiên cứu UT Southwestern.

Lượng người béo phì đang tiếp tục tăng cân trong đại dịch. Ảnh: Getty Images

Lượng người béo phì đang tiếp tục tăng cân trong đại dịch. Ảnh: Getty Images

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 42% người trưởng thành bị béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao, tiểu đường loại 2 và nhiều bệnh ung thư. Trong thời gian đầu của đại dịch, các bác sĩ điều trị bệnh béo phì nhận định tình trạng giãn cách xã hội, khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thay đổi nguồn thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều bệnh nhân.

Năm 2020, Tiến sĩ Almandoz và các đồng nghiệp của ông tại Chương trình Sức khỏe Cân nặng Tây Nam của UT và Trung tâm Sức khỏe Dân số Trẻ em UT Health là những người đầu tiên công bố về tác động của giãn cách xã hội đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần ở những người mắc bệnh béo phì. Họ báo cáo gần 70% bệnh nhân cho biết mục tiêu giảm cân của họ khó đạt được hơn trong đại dịch, gần 50% trong số đó tập thể dục ít hơn và 61% thừa nhận căng thẳng trong việc ăn uống. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ người béo phì sử dụng rượu và chất kích thích cũng đang tăng lên.

Mới đây, nhóm cũng đã khảo sát 404 người trong đợt dịch biến chủng Delta từ tháng 3-11/2021. Tất cả người tham gia được điều trị béo phì tại 3 phòng khám ở Dallas trong hai năm trước và có chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất 30.

Trung bình, những người được khảo sát cho biết tăng 4,3% trọng lượng cơ thể trong thời gian đại dịch. Gần 1/3 số người này tăng hơn 5%, một số người tăng hơn 25% hoặc lên đến hơn 36kg. Tiến sĩ Almandoz cho biết: "Những người tham gia vào các chương trình quản lý cân nặng thường giảm cân. Nếu họ đang gặp các thách thức trong đại dịch, những căng thẳng này có khả năng nghiêm trọng hơn".

Khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố liên quan đến việc tăng cân, họ phát hiện những người ăn uống kém lành mạnh hoặc ngủ ít, tập thể dục ít có xu hướng tăng cân hơn. Tuy nhiên, các yếu tố sức khỏe tâm thần cũng có mối tương quan cao. Cụ thể, những người tăng cân nhiều nhất cho biết mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cao nhất ngay cả khi các yếu tố khác được kiểm soát.

"Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh sự phức tạp của bệnh béo phì. Đây không chỉ là khuyến nghị mọi người ăn ít hơn và vận động nhiều hơn, còn phải chú trọng vào sức khỏe tâm thần", Tiến sĩ Almandoz cho biết. Ông cũng hy vọng những phát hiện mới sẽ giúp các bác sĩ sàng lọc bệnh nhân tốt hơn về mặt sức khỏe tâm thần khi họ có biểu hiện tăng cân.

Thanh Thư (theo Medical News Today)