Nghiên cứu được thực hiện trên 1.500 người đã được xét nghiệm nCoV. Theo đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus có nguy cơ bị đau, tê hoặc ngứa ran ở tay, chân cao hơn khoảng ba lần so với những người không nhiễm bệnh. Các phát hiện được công bố trên tạp chí Pain vào ngày 24/3
Tiến sĩ Simon Haroutounian, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Washington, (đồng thời là phó giáo sư gây mê và giám đốc Bộ phận Nghiên cứu lâm sàng và Dịch thuật của khoa) cùng các cộng sự, nhận thấy gần 30% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 gặp các vấn đề về bệnh ở dây thần kinh tại thời điểm chẩn đoán. 6% đến 7% trong số họ vẫn gặp các triệu chứng trong ít nhất hai tuần và có thể lên đến ba tháng. Điều này cho thấy Covid-19 có tác động kéo dài trên các dây thần kinh ngoại vi.
Một số bệnh nhân đã tìm cách điều trị tại Trung tâm Pain của Đại học Washington ngay khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh thần kinh do mắc Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đều báo cáo các vấn đề được đánh giá là nhẹ hoặc trung bình nên họ không cần tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia về đau thần kinh.
Theo tiến sĩ Simon Haroutounian, một số bệnh nhiễm trùng do virus như HIV và zona có liên quan bệnh thần kinh ngoại biên do virus tấn công và làm tổn thương dây thần kinh. "Điều quan trọng là phải hiểu liệu nhiễm virus có liên quan việc tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh hay không. Với các ca nhiễm HIV, chúng tôi không nhận thấy điều này sau vài năm đại dịch AIDS xuất hiện. Do đó, nhiều người không được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh và cũng không được điều trị cho những cơn đau liên quan vấn đề này", ông nói.
Các thông tin trên cũng có thể đúng với F0 bị bệnh liên quan tới dây thần kinh sau khi mắc Covid-19. Hiện tại, chưa có bất kỳ chẩn đoán xác định về bệnh thần kinh liên quan Covid-19. Song, TS Simon giải thích bất kể nguyên nhân là gì, các phương pháp điều trị bệnh thần kinh hiện tại khá giống nhau. Khi người bệnh bị đau, tê bì, ngứa ran bàn tay, bàn chân, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để điều trị bệnh thần kinh ngoại biên, bất kể họ có từng bị tiểu đường, HIV hay bệnh khác không.
Vì nghiên cứu được thực hiện tại một trung tâm duy nhất, tiến sĩ Haroutounian cho biết sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để nhân rộng kết quả. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân tham gia nghiên cứu được đánh giá dựa trên phản hồi của họ qua một cuộc khảo sát thay vì phỏng vấn trực tiếp và khám sức khỏe.
"Chúng tôi đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu của mình trước khi việc tiêm chủng trở nên phổ biến và trước khi các biến thể Delta hoặc Omicron xuất hiện. Vì vậy, chúng tôi muốn theo dõi một số bệnh nhân có các triệu chứng dây thần kinh kéo dài và tìm hiểu về nguyên nhân gây ra cơn đau của họ để có thể chẩn đoán và điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân này trong tương lai", vị chuyên gia tiết lộ.
Hệ thần kinh ngoại biên hay còn gọi là hệ thần kinh ngoại vi là một phần của hệ thần kinh, bao gồm các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống. Chức năng chính của hệ thần kinh ngoại biên là liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và cơ quan. Không giống như hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi xương sống và hộp sọ hoặc bởi hàng rào máu não nên nó dễ bị tác động của độc tố và tổn thương cơ học từ bên ngoài.
Bệnh của hệ thần kinh ngoại biên gây rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não và cơ, da, nội tạng và mạch máu, gây ra các triệu chứng tổn thương dây thần kinh cảm giác như đau, tê bì, cảm giác kiến bò, yếu cơ, bỏng rát hoặc mất cảm giác. Những triệu chứng này thường bắt đầu từ từ. Ở một số người, triệu chứng có thể rất nhẹ và không nhận thấy. Ở một số khác, triệu chứng trở nên dai dẳng và gần như không thể chịu đựng nổi, nhất là về ban đêm.
Nếu dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị yếu hoặc liệt các cơ do dây thần kinh đó kiểm soát. Nếu tổn thương xảy ra ở các dây thần kinh thuộc hệ thần kinh tự động, bệnh nhân có thể bị rối loạn đại tiểu tiện, giảm tiết mồ hôi hoặc liệt dương, tụt huyết áp khi đứng gây choáng ngất.
Hải My (Theo Washington University School of Medicine)