Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Chào chị,
Tình trạng ngứa khắp người có nhiều nguyên nhân, như dị ứng, thay đổi thời tiết, do virus hoặc do có bệnh lý về gan, thận, da liễu... và rối loạn nội tiết tố gây ra. Trường hợp của chị và cháu, tôi chưa thể xác định được nguyên nhân vì thông tin ít và không có hình ảnh da.
Thông thường, nguyên nhân gây ngứa phổ biến nhất là khô da, viêm da tiếp xúc làm cho hàng rào bảo vệ da kém hiệu quả.
Da bị tổn thương do Covid-19 thì có nhiều cơ chế. Trong đó, chủ yếu do virus Sars-CoV-2 hoạt hóa cơ chế miễn dịch, làm xáo trộn hệ miễn dịch của cơ thể và đi theo vào đường máu, tác động lên thụ thể ACA2 ở ngay dưới da, làm da tổn thương.
Ngoài ra, cũng không loại trừ các nguyên nhân khác như môi trường chỗ ở có nhiều bụi bẩn và các tác nhân gây hại tích tụ trên da (như ở gần khu công trình xây dựng, nhà máy..) lâu ngày dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu.
Thời tiết thay đổi cũng khiến cơ thể bị ngứa ngáy, do da chưa kịp thích ứng. Nếu chị và cháu không thuộc nhóm người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng thì bỏ qua nguyên nhân này.
Bên cạnh đó, căng thẳng và lo lắng có thể khiến một số bệnh về da trở nên nặng hơn. Nhiều bệnh nhân bị rối loạn lo âu hậu Covid-19, là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe, trong đó có tình trạng ngứa da.
Trong giai đoạn này, bệnh nhân tạm thời kiêng ăn những thực phẩm có chứa nhiều histamine như cá biển và dừng ăn trứng cho đến khi da khỏe mạnh trở lại, đồng thời, uống nhiều nước để cấp đủ nước cho da, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bổ sung vitamin. Chị có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng không kê đơn như thuốc kháng histamine.
Chị và cháu nên tránh các chất xúc tác như xà phòng, mỹ phẩm, bột giặt, chất tẩy rửa..., dùng xà phòng, sữa tắm dầu gội nguồn gốc thảo dược, hữu cơ hoặc các đun loại lá như trà xanh, trầu không để tắm rửa nhằm giảm kích ứng. Dù ngứa đến mấy bệnh nhân cũng không được kỳ cọ mạnh, gãi nhiều khiến da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, còn có các biện pháp tại chỗ khác để giảm triệu chứng ngứa như: mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, tránh tắm nước nóng, dưỡng ẩm hàng ngày bằng các sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, không có mùi, nghỉ ngơi, tránh làm việc căng thẳng...
Nếu trên da xuất hiện các vệt đỏ, nổi hồng ban, nốt sần, xuất huyết dưới da hoặc tình trạng ngứa da kéo dài quá hai tuần thì chị và cháu cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và kê đơn thuốc uống, thuốc bôi phù hợp.
Chúc chị và gia đình khỏe!
BSCK II Phạm Hồng Ánh
Phó trưởng khoa Tiêu hóa và bệnh máu - Bệnh viện Quân y 354