Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác về đối tượng dễ gặp tình trạng Covid-19 kéo dài nhưng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Press cho biết, 4 yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Đó là tải lượng virus cao; sự có mặt của một số kháng thể tấn công nhầm vào các mô của cơ thể; sự kích hoạt lại virus Epstein-Barr (EBV, còn được gọi là herpesvirus 4, là một trong tám loại virus gây bệnh herpes của con người trong họ herpes, và là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người); người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Sheffield và Đại học Stanford ở Mỹ đã chỉ ra, gene của con người cũng có thể liên quan đến việc đối tượng nào có khả năng mắc Covid-19 kéo dài. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên liên kết các gene liên quan đến Covid-19 với các chức năng sinh học cụ thể. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có những chỉ số di truyền cụ thể ở những người trải qua Covid-19 kéo dài.
Các nhà khoa học sử dụng công nghệ học máy và phát hiện hơn 1.000 gene có liên quan đến sự phát triển của các trường hợp Covid-19 nghiêm trọng cần can thiệp y tế mạnh mẽ hoặc gây tử vong.
"Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra cấu trúc di truyền cơ bản của việc nhiễm coronavirus và nhận thấy 1.000 gene này chiếm 3/4 nguyên nhân di truyền gây ra Covid-19 nghiêm trọng. Điều này có ý nghĩa trong việc hiểu nguyên do một số người lại có các triệu chứng nghiêm trọng hơn", Tiến sĩ Johnathan Cooper-Knock, Giảng viên Lâm sàng NIHR tại khoa Khoa học thần kinh tại Đại học Sheffield và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Các tác giả đã sử dụng nhiều bộ dữ liệu lớn để giải mã di truyền đằng sau nhiễm trùng Covid-19 nghiêm trọng. Theo bộ dữ liệu đầu tiên chứa thông tin di truyền từ mô phổi khỏe mạnh của con người, có sự biểu hiện liên quan tới gene ở 19 loại tế bào phổi khác nhau, bao gồm các tế bào biểu mô lót ở đường hô hấp và là bức tường đầu tiên bảo vệ, chống lại nhiễm trùng.
Họ cũng xem xét các dữ liệu khác giúp xác định các manh mối di truyền, đột biến DNA, được gọi là đa hình đơn nucleotide (single-nucleotide polymorphism - SNP, là loại biến thể di truyền phổ biến nhất ở mọi người). Theo các nhà khoa học, điều này có thể chỉ ra đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn hay không. Họ tiếp tục theo dõi các đột biến và kết luận các biến thể, tức là các đột biến tiếp tục xuất hiện hoặc không ở những người bị nhiễm trùng nặng. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Tuy nhiên, các đột biến gene khó tự giải thích, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu chọn cách chồng chúng lên các bộ gene cụ thể của tế bào. Điều này giúp họ xác định gene nào bị rối loạn chức năng và loại tế bào nào. Kết quả, Covid-19 nghiêm trọng phần lớn liên quan đến phản ứng suy yếu từ hai tế bào miễn dịch nổi tiếng là tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và tế bào T.
"Tế bào NK là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng, được biết đến với khả năng tiêu diệt virus và tế bào ung thư. Tế bào NK cũng giúp sản xuất một loạt các protein của hệ thống miễn dịch được gọi là cytokine. Một cytokine, interferon gamma, là chất kích hoạt chính của các tế bào miễn dịch. Hoạt động cùng với interferon gamma, tế bào NK gắn kết sự phòng thủ ngay lập tức để bảo vệ cơ thể", bác sĩ Cooper-Knock cho biết.
Theo ông, tế bào NK giống như những vị tướng chỉ đạo cuộc chiến. NK huy động các tế bào miễn dịch khác, cho chúng biết phải đi đâu và làm gì. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những người bị nhiễm coronavirus nặng, các gene quan trọng trong tế bào NK được biểu hiện ít hơn,
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Michael P Snyder từ Đại học Stanford ghi nhận sự tương đồng giữa gene nguy cơ Covid-19 và các biến thể có hại của gene BRCA (được phát hiện có liên quan đến khả năng mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ).
Giáo sư Snyder khẳng định: "Phát hiện của chúng tôi đặt nền tảng cho một bài kiểm tra di truyền có thể dự đoán ai có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Hãy tưởng tượng có 1.000 thay đổi trong DNA liên quan đến Covid-19 nghiêm trọng. Nếu bạn có 585 trong số những thay đổi này, điều đó có nghĩa bạn khá nhạy cảm và bạn cần phải thực hiện tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết".
WHO định nghĩa Covid-19 kéo dài là những triệu chứng trong giai đoạn Covid cấp tính vẫn kéo dài sau khi khỏi đến 3 tháng. Các triệu chứng bao gồm: từ mệt mỏi, ho, đau cơ đến mất khứu giác và vị giác... Ban đầu, các nhà khoa học cho biết tình trạng này phổ biến nhất ở những người nhiễm Covid-19 từ trung bình đến nặng nhưng nghiên cứu sau đó đã chỉ ra những người có các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể mắc Covid-19 kéo dài.
Nhật Linh (Theo Times of India)