Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Trả lời
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Sau 2 đến 6 tuần khỏi Covid-19, nếu con sốt hơn 38,5 độ, kéo dài trên 3 ngày không rõ căn nguyên; đi ngoài, nôn hoặc trớ nhiều; phát ban, viêm kết mạc mắt, lưỡi đỏ gai, nổi hạch dưới hàm; phù tay chân, cha mẹ cần nghĩ ngay tới MIS-C và đưa con đi khám.
Khi tới viện, các con sẽ được khám và xét nghiệm công thức máu gồm: đánh giá bạch cầu, nếu tăng cao hoặc giảm thấp thì nghĩ đến khả năng nhiễm khuẩn; đánh giá Lympho (một loại tế bào bạch cầu chính trong hệ miễn dịch của cơ thể, có chức năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm).
Tiếp theo là xét nghiệm sinh hóa máu. Trong đó, CRP (xét nghiệm protein phản ứng C hay C-reactive protein để xác định và đánh giá tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng), LDH (xét nghiệm xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của các rối loạn gây tổn thương mô trong cơ thể), Ferritin (giúp bác sĩ biết được lượng sắt cơ thể lưu trữ được bao nhiêu) giúp bác sĩ đánh giá nhiễm khuẩn và viêm hệ thống (chỉ số tăng không đồng nghĩa Mis-C vì nhiễm khuẩn cũng làm tăng và tỷ lệ này là chủ yếu, ít khi nghĩ tới MIS-C). Các chỉ số Troponin I, BNP, CK-TP, CK-MB đánh giá chức năng và viêm cơ tim do MIS-C. Bên cạnh đó, bác sĩ còn đánh giá yếu tố đông máu do hậu Covid. Nhiều trường hợp, con tăng đông máu nhưng sau đó bé về lại bình thường.
Cuối cùng là chẩn đoán hình ảnh. Trẻ sẽ được siêu âm tim và mạch vành để đánh giá chức năng tim, vận động thành tim, sức co bóp cơ tim và hình thái mạch vành. Chụp X-quang phổi để đánh giá tổn thương phổi vì nhiều bé ho kéo dài; xét nghiệm nước tiểu xem protein niệu để đánh giá chức năng thận.
Trên thực tế, đa phần các bé nhiễm Covid-19 đều ở thể nhẹ, chỉ cần điều trị theo dõi và bổ trợ sức đề kháng nên các cha mẹ không nên quá lo lắng, căng thẳng.
Bác sĩ Nhi Nguyễn Mạnh Cường