Theo các nghiên cứu, triệu chứng Covid-19 kéo dài cũng không phụ thuộc vào độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Ngay cả những người gặp các triệu chứng nhẹ cũng có thể đối mặt với Covid-19 kéo dài. Một trong những triệu chứng Covid-19 kéo dài thường không được chẩn đoán sớm là hội chứng nhịp tim nhanh tư thế (PoTS).
Nhịp tim nhanh tư thế là một hội chứng phổ biến của Covid-19 kéo dài. Nhịp tim của bạn có thể tăng lên ít nhất 30 nhịp mỗi phút sau khi chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang đứng. Điều này có thể không xảy ra ngay lập tức, tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt thậm chí 10 phút sau khi thay đổi tư thế. Điều này tạo nên thách thức đối với bệnh nhân vì cơ thể của họ không thể điều chỉnh theo trọng lực.
PoTS xảy ra khi hệ thống thần kinh tự chủ của cơ thể không kiểm soát được mức huyết áp và nhịp tim để bù đắp cho sự thay đổi tư thế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhịp tim nhanh tư thế, tuy nhiên, theo các nhà khoa học, Sars-CoV-2 hoặc các vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch bị lỗi tấn công nhầm các mô của cơ thể cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng nhịp tim nhanh hậu tư thế.
Sars-CoV-2 có thể dẫn đến PoTS ở một người đã hồi phục sau mắc Covid-19 kèm một số triệu chứng khác, gồm: nhịp tim nhanh hơn kèm theo tăng nhẹ hoạt động, sương mù não, choáng váng, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và mệt mỏi mãn tính nghiêm trọng. Bất kỳ ai mắc Covid-19 đều có thể bị nhiễm PoTS không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Song, những người có tiền sử trước khi mắc Covid-19 xuất hiện các biểu hiện như chóng mặt, choáng váng, đánh trống ngực có nhiều nguy cơ gặp hội chứng nhịp tim nhanh tư thế hơn.
Khi người bệnh cảm thấy choáng váng hay chóng mặt, hãy duy trì tư thế ngồi hoặc nằm. Nếu muốn đứng dậy, hãy làm việc này từ từ và cẩn thận để cơ thể có đủ thời gian thích nghi. Đồng thời, người bệnh có thể bổ sung thêm nước và muối trong chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng nhịp tim nhanh tư thế.
Thời gian phục hồi Covid-19 khác nhau ở mỗi người. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các triệu chứng của Covid-19 có thể tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí vài năm. Ngoài ra, sự tấn công của SARS-CoV-2 không chỉ dừng lại ở đừng tiêu hóa, Covid-19 có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho phổi, tim, não và làm gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe lâu dài.
Ngoài hội chứng nhịp tim nhanh tư thế, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng Covid-19 kéo dài khác gồm: khó thở, ho, đau khớp, đau ngực, khó tập trung, đau cơ, đau đầu, trầm cảm, lo lắng và sốt. Nếu gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần duy trì một chế độ dinh dưỡng và tập luyện lành mạnh, đồng thời, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ và khoa học.
Hồng Thảo (theo Times of India)