Covid-19 kéo dài được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả là các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính, kéo dài khoảng 3 tháng sau khi khỏi. Hầu hết người nhiễm virus có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình, có thể hồi phục không cần nhập viện.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm, tác động nghiêm trọng đến hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống. Do đó, nhiều người nảy sinh tâm lý bất an, nóng lòng muốn điều trị dứt điểm các triệu chứng nên đã tự mua kháng sinh về khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.
30 ngày sau khi nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, các triệu chứng ho, hụt hơi và mất ngủ của chị Hà Trang (24 tuổi, Hà Nam) vẫn dai dẳng. Lo ngại các triệu chứng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mãn tính nên theo thói quen, chị Trang ra hiệu thuốc gần nhà mua kháng sinh về tự điều trị. Tuy nhiên, khi các triệu chứng Covid-19 còn chưa giảm, chị Trang lại nhận thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể như đau dạ dày hay nước tiểu có màu lạ.
Lý giải về biểu hiện sức khỏe bất thường của Trang, bác sĩ Lê Văn Thuận, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và vi khuẩn tốt trong hệ tiêu hóa nên người bệnh sử dụng kháng sinh có nguy cơ làm mất cân bằng hệ thống vi sinh vật và dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Đây là một tác dụng phụ của kháng sinh có thể sẽ hết khi ngưng dùng thuốc".
Theo bác sĩ Thuận, tâm lý sốt ruột khi triệu chứng chưa dứt hẳn khiến nhiều người quan niệm phải dùng kháng sinh mới có thể điều trị dứt điểm. Điều này dẫn đến việc người bệnh nôn nóng tự mua kháng sinh về điều trị khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ.
Trong điều trị Covid-19, thuốc kháng sinh chỉ dành cho những đối tượng nhất định theo chỉ dẫn của bác sĩ. Do không có tác dụng với virus nên kháng sinh được chỉ định trong những trường hợp bội nhiễm, nhiễm trùng cơ hội. Việc tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định trong thời gian dài có thể gây ra các tổn thương về gan, suy giảm chức năng thận hay làm cơ thể mệt mỏi.
Trước đó, tháng 2/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo các nguy cơ khi sử dụng kháng sinh trong điều trị Covid-19. Việc lạm dụng kháng sinh làm tăng tốc độ kháng kháng sinh và gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, phát ban, buồn nôn hay tiêu chảy.
"Bệnh nhân cần căn cứ theo giai đoạn, các triệu chứng và kết quả xét nghiệm để có phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng", bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Thuận cho rằng, người dân không nên mua thuốc theo kinh nghiệm khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi thuốc là loại hàng hóa đặc biệt.
Tại Việt Nam, theo thống kê của CDC, ở hầu hết bệnh nhân, sau khi mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và các triệu chứng sẽ khỏi trong khoảng một tuần, thông thường bệnh nhân sẽ hồi phục tại nhà, khoảng 10% vẫn còn triệu chứng vào tuần thứ hai. Nếu các triệu chứng càng kéo dài, nguy cơ tiến triển bệnh nặng càng cao hơn, đòi hỏi phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn.
Người bệnh cũng cần phân biệt các triệu chứng Covid-19 kéo dài với hội chứng hậu Covid-19. Theo WHO, hậu Covid thường xảy ra ở những người nhiễm bệnh được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng, không lý giải được bằng các chẩn đoán khác.
Sau khi khỏi Covid-19, nếu thường xuyên bị khó thở, người bệnh nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế, nhất là những bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, có tiền sử bệnh mãn tính. Thông qua kiểm tra, bác sĩ xác định những tổn thương nếu có và đưa ra phương pháp điều trị dự phòng.
Phương pháp điều trị cho người bệnh mệt mỏi kéo dài chủ yếu tăng cường thể thao vận động, bổ sung dinh dưỡng, làm việc nhẹ nhàng, tăng cường thời gian thư giãn để cơ thể phục hồi.
Để khắc phục các triệu chứng, người bệnh nên thực hiện các bài tập thở, đi bộ 30 phút mỗi ngày để phục hồi chức năng phổi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Hồng Thảo