Trong bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết hơn 2/3 dân số thế giới có mức kháng thể Covid-19 đồng nghĩa người dân đã nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng.
Cụ thể, tỷ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỷ lệ này hiện nay thậm chí còn có thể cao hơn.
Tổng hợp của WHO đưa ra bức tranh tổng quát về việc tăng cường sức đề kháng trong đại dịch. Trong điều kiện vaccine chỉ có mức độ bảo vệ nhất định với sự lây lan của biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ tiêm chung, đặc biệt với nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bởi tiêm chủng có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng hơn so với việc không được tiêm vaccine.
Trước đó, hầu hết các nghiên cứu chỉ ra, người nhiễm Covid-19 được tiêm phòng đầy đủ có khả năng bảo vệ tốt hơn khỏi tình trạng nghiên trọng, song, kết quả này chưa được kiểm chứng với các biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy mức độ kháng thể thấp hơn ở trẻ em dưới 9 tuổi và những người trên 60 so với những người trong độ tuổi 20. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do từng mắc Covid-19 hơn là nhờ tiêm chủng.
Cơ quan y tế cho biết, mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian và khả năng miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, cần thực hiện các nghiên cứu chuyển sâu để xác định khả năng phòng ngừa của vaccine.
Hồng Thảo (theo Bloomberg)