Các nhà nghiên cứu từ Đại học Anglia Ruskin (Cambridge, Anh), cùng các đồng nghiệp tại Đại học Brown và Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Providence ở Rhode Island, Mỹ lần đầu tiên xác định các thụ thể vị đắng thường thấy ở lưỡi, được gọi là T2R cũng có trong thành mạch máu phổi. Các thụ thể vị đắng trong phổi này được kích thích, giúp để bảo vệ lớp niêm mạc của mạch máu, được gọi là nội mô.
Nghiên cứu này do Tiến sĩ Zsuzsanna Kertesz và Tiến sĩ Havovi Chichger thuộc Đại học Anglia Ruskin dẫn đầu, được công bố trên tạp chí Frontiers in Physiology.
"Điều thú vị nhất là khi kích thích các protein này, chúng sẽ chống lại sự rò rỉ chất lỏng. Họ protein mới trong mạch máu có thể cung cấp một phương pháp mới để giảm sự rò rỉ chất lỏng vào phổi. Do đó, chúng sẽ giúp chúng ta trong quá trình điều trị bệnh nhân suy hô hấp, trong đó có bệnh nhân Covid-19", Tiến sĩ Havovi Chichger, Đại học Anglia Ruskin cho biết.
Hiện nay, hơn 10% bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn thế giới bị hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), có tỷ lệ tử vong gần 40%. Những bệnh nhân ARDS phải thông khí do viêm phổi, đại phẫu, chấn thương, nhiễm trùng huyết và gần đây là Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra, các hợp chất phenylthiocarbamide và denatonium, các chất đắng nhất được nhắc đến trong nghiên cứu trên, tương ứng hoạt động trên các thụ thể vị đắng T2R38 và T2R10. Sau khi được kích thích, các thụ thể vị đắng sẽ cung cấp cơ chế bảo vệ thành mạch máu, ngăn chặn sự phá vỡ và ngăn chất lỏng đi qua.
ARDS liên quan đến sự gia tăng quá mức tính thấm thành mạch phổi, cho phép protein và chất lỏng đi vào phổi khiến phù phổi, thường được gọi là "nước trong phổi".
Thanh Thư (theo Medical News)