Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Chứng sa sút trí tuệ chia thành nhiều loại như sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu, sa sút trí tuệ sau chấn thương, sa sút trí tuệ trước tuổi già, sa sút trí tuệ tuổi già, bệnh Alzheimer...
Các chứng sa sút trí tuệ không làm tăng nguy cơ mắc Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân bị sa sút trí tuệ nhiều khi không hiểu, hoặc không thể nhớ đầy đủ các cách giữ an toàn cho bản thân khỏi dịch bệnh hay tự thực hiện các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị khác để tránh lây nhiễm.
Vì vậy, F0 có bệnh nền rối loạn thần kinh nhận thức, sa sút trí tuệ đang được điều trị tại nhà cần có sự theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ, hướng dẫn tự chăm sóc của người thân hoặc có người chăm sóc riêng. Đặc biệt trong bối cảnh phải đóng cửa, thực hiện cách ly dễ làm cho tinh thần người sa sút trí tuệ trở nên tồi tệ hơn với các triệu chứng tâm thần kinh và rối loạn hành vi nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân cần được hướng dẫn tập luyện thường xuyên các bài vận động nhẹ nhàng trong nhà, hỏi han, trò chuyện nhiều hơn để giảm bớt các triệu chứng rối loạn thần kinh.
Nếu F0 trên nền bệnh lý sa sút trí tuệ có biểu hiện lú lẫn gia tăng nhanh chóng hoặc có những thay đổi đột ngột khác về hành vi, người nhà cần sớm liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc cơ sở y tế để được tư vấn.
Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer, có những bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể khiến diễn tiến nặng hơn chứng mất trí nhớ đối với bệnh nhân trên nền bệnh lý rối loạn thần kinh, sa sút trí tuệ. Nguyên nhân là virus xâm nhập vào não và phá hủy nhiều tế bào thần kinh ở vỏ não, vỏ tiểu não. Trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài sẽ dẫn đến các triệu chứng nặng như mê sảng, rối loạn nghiêm trọng về năng lực trí tuệ và giảm khả năng nhận thức về môi trường xung quanh.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có thêm khoảng 7,7 triệu người mắc chưng sa sút trí tuệ, trong đó 58% ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khả năng thiếu hụt nhận thức xảy ra ở bệnh nhân Covid-19 và nguy cơ phát triển thành bệnh Alzheimer như một hậu quả lâu dài sau đại dịch. Đây là một gánh nặng cho gia đình người bệnh và toàn xã hội.
Do đó, mắc chứng rối loạn thần kinh nhận thức, đặc biệt là người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ cần được quan tâm nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Vaccine ngừa Covid-19 là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của những mắc các chứng sa sút trí tuệ khác hoặc bị Alzheimer, cũng như những người chăm sóc họ. Tiêm ít nhất hai liều vaccine góp phần chống lại các biến thể (chủng) virus mới đối với mọi người, đặc biệt những người không biết tự bảo vệ bản thân với bệnh lý rối loạn thần kinh nhận thức, sa sút trí tuệ.
Thủy Nguyễn (Theo Alzheimer’s Association)