Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Dinh dưỡng cho trẻ Covid-19 mắc bệnh đái tháo đường

Trẻ em hay thanh thiếu niên có tiền sử bệnh đái tháo đường và lại mắc Covid-19, cần được chăm sóc cũng như có chế độ ăn uống lành mạnh.

Đái tháo đường ở trẻ em vừa có thể là típ 1 và típ 2 nên cần điều trị dinh dưỡng với mục đích:

- Cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để duy trì sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe tốt.
- Đạt được và duy trì mức BMI bình thường.
- Cân bằng giữa cung cấp dinh dưỡng, tình trạng chuyển hóa và việc dùng insulin liều lượng thích hợp để đạt mức đường huyết lý tưởng.
- Giảm nguy cơ biến chứng do mạch máu nhỏ và mạch máu lớn, đặc biệt biến chứng tim mạch.

Trẻ nhiễm Covid-19 kèm bệnh đái tháo đường cần cung cấp năng lượng phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: Healio

Trẻ nhiễm Covid-19 kèm bệnh đái tháo đường cần cung cấp năng lượng phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: Healio

Nguyên tắc:

- Cung cấp 3 bữa ăn, bữa phụ nếu cần.
- Cần cung cấp đủ năng lượng phù hợp lứa tuổi, tốc độ tăng trưởng, hoạt động thể chất để duy trì tăng trưởng và phát triển.
- Phân bổ năng lượng trong khẩu phần: glucid chiếm 45% - 50% (nên hạn chế dùng sucrose - loại đường được lấy từ củ cải đường hoặc mía đường. Trái cây và rau quả cũng chứa sucrose tự nhiên); lipid chiếm 30% - 35% (chất béo bão hòa và béo trans <10% tổng năng lượng), protid 15% - 20%. Đối với trẻ vị thành niên thừa cân, béo phì, glucid có thể chiếm 40% và protid 25%.
- Tránh dùng chế độ nghèo glucid (carbohydrate) ở trẻ đái tháo đường típ 1 vì ảnh hưởng đến tăng trưởng, tăng biến chứng chuyển hóa liên quan bệnh tim mạch, hành vi ăn uống của trẻ và nguy cơ hạ đường huyết.
- Lượng chất xơ: 14g/1.000kcal cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi hoặc bằng số tuổi + 5 cho trẻ ≥ 2 tuổi.
- Natri:
+ Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 1.000mg/ngày (2,5g muối/ngày).
+ Từ 4 đến 8 tuổi: 1.200mg/ngày (3g muối/ngày).
+ Từ 9 tuổi trở lên: 1.500mg/ngày (3,8g muối/ngày).