Ngoài những biểu hiện ở đường hô hấp, dấu hiệu bất thường ở hệ tiêu hóa cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid-19. Trong nhóm "Tư vấn F0 tại nhà" với 200.000 thành viên trên mạng xã hội, tài khoản Phương Linh tâm sự: "Tôi đã xét nghiệm âm tính một tháng nhưng vẫn chán ăn, sụt cân, người gầy yếu hẳn đi". Rối loạn tiêu hóa, thường xuyên đau bụng hay có dấu hiệu trào ngược dạ dày là những triệu chứng Phương Linh gặp phải.
Lý giải triệu chứng này, BSCK.II Hoàng Thị Hương, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết virus SARS-CoV-2 tấn công đường tiêu hoá bằng cách gắn các gai của virus vào các tế bào của hệ thống men chuyển ACE 2. Khi virus tấn công ACE 2 sẽ khiến cơ thể giảm hấp thu các acid amin có lợi, gây loạn khuẩn đường tiêu hóa. Các triệu chứng bất thường về tiêu hóa như tiêu chảy, chán ăn, nôn và buồn nôn, rối loạn vi khuẩn... có thể xuất hiện cả khi người bệnh đang nhiễm virus hay trong thời kỳ hậu nhiễm.
Theo đó, khi mới xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 tấn công theo hai con đường. Thứ nhất, virus đi vào phổi qua đường hô hấp và biểu hiện bệnh Covid-19 ở phổi. Ngoài ra, virus cũng xâm nhập qua đường tiêu hóa, tấn công vào các men chuyển ACE 2 và gây ra triệu chứng bất thường.
"Sau khi khỏi Covid, một số người bệnh vẫn bị tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn có thể do niêm mạc đường tiêu hóa vẫn bị tổn thương kéo dài, chưa hồi phục. Bên cạnh đó, Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá gây rối loạn bài tiết men tiêu hoá, acid ở đường tiêu hoá dẫn đến loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hoá", bác sĩ Hương lý giải thêm.
Theo tạp chí Y khoa Lancet (Anh), hơn 60% bệnh nhân có các biến chứng đường tiêu hóa sau khi khỏi Covid-19. Một số thống kê chỉ ra, triệu chứng tiêu hóa ở bệnh nhân Covid-19 đang nhiễm và hậu nhiễm lên đến 79% và thường xuất hiện trước cả các biểu hiện hô hấp.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận tại một bệnh viện tại Hà Nội, nhu cầu các bệnh về tiêu hóa tăng vọt kể từ cao điểm dịch. Người bệnh đi khám với lo lắng các triệu chứng bất thường về tiêu hóa là cảnh báo về di chứng hậu Covid-19.
Trước tình trạng này, bác sĩ Hoàng Hương khuyên người bệnh cần bình tĩnh và lắng nghe cơ thể để biết các triệu chứng của mình là Covid-19 kéo dài, bệnh tiêu hóa thông thường hay di chứng hậu Covid-19.
Để cải thiện các triệu chứng về tiêu hóa khi mắc Covid-19 và cả sau khi khỏi bệnh, người bệnh cần ăn đủ các chất dinh dưỡng để tránh suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cần bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, hạn chế dầu mỡ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài chế dinh dưỡng, bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân cần hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, hạn chế stress, căng thẳng lo lắng không cần thiết. Thói quen trong ăn uống cũng góp phần giúp cải thiện tình trạng tổn thương của đường tiêu hóa sau thời gian điều trị Covid-19.
Người bệnh nên ăn nhiều bữa trong ngày, bữa tối cách giờ đi ngủ tối thiểu 3 tiếng để dạ dày được nghỉ ngơi. Ngoài ra, bệnh nhân không nên ăn quá nó hay để quá đói đồng thời ăn chậm, nhai kỹ.
Hệ thống tiêu hóa là một trong những cơ quan gánh chịu những tổn thương do Covid-19. Nếu gặp các triệu chứng buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế để được điều trị kịp thời.
Hồng Thảo