Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Mỹ trong năm 2021, Covid-19 kéo dài xảy ra ở 7-18% những người có triệu chứng khi nhiễm bệnh. Những di chứng sau Covid-19 được gọi là Covid kéo dài hoặc di chứng sau cấp tính của Covid-19 (PASC). PASC có thể từ nhẹ đến suy nhược, với các triệu chứng mới phát sinh hoặc tiến triển rất lâu sau lần nhiễm trùng đầu tiên.
Tiến sĩ Brett M. Elicker, MD, giáo sư lâm sàng tại khoa X quang và Hình ảnh Y sinh tại Đại học California, San Francisco, giải thích rằng, ảnh hưởng lâu dài của viêm phổi do Covid-19 phụ thuộc vào tổn thương trực tiếp mà virus gây ra và phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus.
Tổn thương phổi xảy ra theo hai dạng. Một là, viêm tiểu phế quản co thắt, hoặc bệnh đường dẫn khí nhỏ. Đây là tình trạng viêm trong tiểu phế quản - đường dẫn khí nhỏ và các khu vực xung quanh dẫn đến hẹp đường thở do sẹo hoặc xơ hóa. Hai là, tổn thương phế nang lan tỏa (DAD): xơ hóa phế nang - cấu trúc hình quả bóng nhỏ ở cuối tiểu phế quản có chức năng trao đổi khí trong phổi. Bộ phận này có thể cải thiện theo thời gian, nhưng thường vẫn để lại sẹo.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Iowa đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu tác động của Covid-19 kéo dài đối với chức năng phổi, phát hiện được công bố trên tạp chí Radiology. Nghiên cứu được thực hiện ở 100 người lớn bị nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi, vẫn có triệu chứng trong hơn 30 ngày sau khi được chẩn đoán, với một nhóm đối chứng gồm 106 người tham gia khỏe mạnh.
Tổng cộng, 67% người gặp di chứng sau cấp tính của Covid-19 không cần nhập viện. Ngoài ra, 17% cần nhập viện và 16% cần chăm sóc đặc biệt trong lần nhiễm trùng ban đầu. Các triệu chứng PASC dai dẳng phổ biến là khó thở (73%), mệt mỏi (56%), ho (34%).
Cùng với chụp CT ngực, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số bài kiểm tra chức năng phổi. Cụ thể, nghiên cứu kiểm tra các chỉ số FVC: tổng thể tích không khí mà một người thở ra trong quá trình thở ra tối đa; FEV1: thể tích không khí mà một cá nhân thở ra sau khi hít vào tối đa trong 1 giây; FEV1/FVC: tỷ lệ FVC mà một người thở ra trong 1 giây; TLC: thể tích không khí trong phổi ở mức lạm phát tối đa; RV: thể tích không khí trong phổi sau khi thở ra tối đa; DLCO: mức độ hiệu quả của oxy đi vào máu từ không khí.
Kết quả, những người nằm viện và điều trị tích cực có FVC, FEV1, TLC và DLCO thấp hơn đáng kể so với những người trong nhóm không cần nhập viện.
Những người tham gia còn được chụp CT ngực trong vòng trung bình 75 ngày kể từ ngày chẩn đoán. Tỷ lệ phần trăm trung bình của tổng số phổi bị ảnh hưởng bởi bẫy khí ở bệnh nhân cấp cứu (25,4%), nằm viện (34,6%) và ICU (27,3%) so với nhóm khỏe mạnh (7,2%). Ngoài ra, tỷ lệ trung bình của toàn bộ phổi có GGO (vùng xám phổ biến ở những người bị viêm phổi liên quan đến Covid-19) cao hơn đáng kể ở nhóm nhập viện (13,2%) và ICU (28,7%).
Tiến sĩ Comellas cho rằng, bệnh nhân mắc Covid-19 có thể gặp tổn thương đường thở nhiều tháng sau lần nhiễm SARS CoV-2 ban đầu. Ở một số người, tổn thương này kéo dài hơn 6 tháng kể từ lần lây nhiễm ban đầu. Đây chính là tình trạng Covid-19 kéo dài.
Tắc nghẽn đường thở và viêm phổi sau tổ chức hoặc xơ hóa phế nang lan tỏa (DAD) góp phần gây ra các triệu chứng dai dẳng sau nhiễm trùng SARS-CoV-2, Tiến sĩ Elicker giải thích thêm.
An Nhiên (theo Medical News Today)