Covid-19 được biết đến chủ yếu như một căn bệnh về đường hô hấp, nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy, coronavirus có thể lây nhiễm vào đường ruột trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. 1/7 bệnh nhân tham gia nghiên cứu tiếp tục thải tàn tích của virus trong phân ít nhất bốn tháng sau chẩn đoán ban đầu.
Theo đó, nhóm khoa học đã tận dụng một thử nghiệm lâm sàng ban đầu được triển khai vào tháng 5/2020 tại Stanford để thử nghiệm một phương pháp điều trị Covid nhẹ. Hơn 110 bệnh nhân được theo dõi sự tiến triển của các triệu chứng, và các mẫu phân của họ được thu thập thường xuyên để xem sự phát tán virus. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá sự hiện diện của RNA virus trong các mẫu chất thải được thu thập từ những người bị Covid từ nhẹ đến trung bình.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khoảng một nửa số bệnh nhân (49%) có Covid RNA sót lại trong chất thải trong tuần đầu tiên sau khi chẩn đoán. 4 tháng sau khi được chẩn đoán, khi không còn Covid trong phổi, gần 13% bệnh nhân tiếp tục thải RNA virus trong phân.
"Những người đã khỏi nhiễm trùng đường hô hấp vẫn tiếp tục thải SARS-CoV-2 RNA và những người này đặc biệt có tỷ lệ mắc các triệu chứng GI cao như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy", Tiến sĩ Ami Bhatt, Phó giáo sư y khoa và di truyền tại Đại học Stanford cho biết.
Bhatt và các đồng nghiệp cũng cho rằng, nhiễm trùng đường ruột trong thời gian dài cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng Covid kéo dài ở một số người.
Chuyên gia còn lưu ý, RNA cấu thành tàn dư di truyền của coronavirus không phải là virus sống thực sự, vì vậy chất thải này không có khả năng gây lây nhiễm. "Mặc dù đã có những báo cáo riêng biệt về việc mọi người có thể phân lập virus SARS-CoV-2 sống từ phân, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó ít phổ biến hơn so với khả năng phân lập virus sống từ đường hô hấp", bà nói.
![Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các tác động lâu dài của SARS-CoV-2 tới cơ thể người. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/05/17/Untitled-7855-1652760404.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0DoyaSoddaIMbifOjV7S9g)
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các tác động lâu dài của SARS-CoV-2 tới cơ thể người. Ảnh: Freepik
Theo Bhatt, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong ruột hoặc thậm chí các mô khác trong một khoảng thời gian dài hơn so với thời gian tồn tại trong đường hô hấp và ở đó nó có thể tiếp tục làm ảnh hưởng hệ thống miễn dịch.
Tiến sĩ William Schaffner, giám đốc y tế của Quỹ Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm, cho biết, Covid từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải đến mức nhiều trung tâm y tế lớn đã thành lập các phòng khám Covid dài hạn để tìm ra các triệu chứng và các phương pháp điều trị tiềm năng.
Schaffner nói: "Tỷ lệ lớn những người hồi phục sau Covid có các triệu chứng kéo dài, có thể liên quan đến loạt hệ thống cơ quan khác nhau. Nghiên cứu lần này cho thấy, bản thân các tế bào trong ruột có thể liên quan đến Covid-19 và là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, giống như đau ruột. Đó có thể là một khía cạnh của Covid kéo dài".
Những phát hiện này được đánh giá là có ý nghĩa đối với việc dự đoán các đợt bùng phát Covid đang nổi lên bằng cách kiểm tra nước thải của một khu vực để tìm bằng chứng về virus. "Nếu khoảng 4% số người vẫn đang bài tiết tàn dư virus sau 7-8 tháng nhiễm bệnh sẽ làm phức tạp thêm việc đánh giá mật độ các ca nhiễm mới trong một cộng đồng" Schaffner nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Amesh Adalja, một học giả cấp cao của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho rằng việc thải phân trong thời gian dài như vậy không ảnh hưởng đến độ chính xác của việc giám sát Covid nước thải.
Adalja nói: "Tôi không nghĩ rằng những phát hiện này làm thay đổi giá trị của việc giám sát nước thải. Điều có giá trị về giám sát nước thải là xu hướng tăng hoặc giảm, điều này không thực sự bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này"
Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hàng để đưa ra kết luận cụ thể hơn.
An Nhiên (theo MedicalXpress)