Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Trả lời:
Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người bệnh, đặc biệt là các trường hợp chuyển nặng phải trải qua thời gian nằm viện điều trị Covid-19 kéo dài có thể gặp phải tổn thương ở phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Người bệnh thường có các triệu chứng hô hấp kéo dài như ho, đau ngực, khó thở; triệu chứng mệt mỏi mạn tính; triệu chứng thần kinh như đau đầu, thay đổi khứu giác, vị giác, kém tập trung, rối loạn lo âu quá mức, trầm cảm, mất ngủ... Bên cạnh đó là triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, tiêu chảy; triệu chứng đau cơ khớp, sút cân...
Cơ thể người bệnh cần thời gian để hồi phục và trở lại trạng thái cũ. Việc tập luyện phục hồi chức năng sớm, dinh dưỡng tốt, thực hiện các biện pháp giúp người bệnh bảo toàn năng lượng, tránh bị mệt và khám chuyên khoa khi có các triệu chứng dai dẳng. Cụ thể, bệnh nhân cần chú ý các vấn đề sau:
1. Tập luyện thể lực
Bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vận động để tăng cường sức mạnh, sức bền của các cơ chi trên và chi dưới hàng ngày. Cần lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và sở thích. Cường độ tập nên từ nhẹ đến nặng, từ ít tới nhiều, tăng dần, không tăng cường độ quá nhanh để tránh gắng sức quá mức, khi cảm thấy khó thở thì ngừng lại.
Thời gian tập luyện của người bệnh khoảng 20-30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Cần khởi động, làm mát trước và sau khi tập luyện.
2. Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh cải thiện chức năng của cơ thể. Khẩu phần ăn cần đảm bảo giàu dinh dưỡng: nhiều năng lượng, chất đạm và các vi chất dinh dưỡng.
Lưu ý, bệnh nhân nên chia nhỏ 4-6 bữa mỗi ngày để tránh bị no quá mức có thể gây khó thở. Các món ăn cần được chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thụ. Người bệnh nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi món ăn thường xuyên để bữa ăn ngon miệng hơn.
Ngoài ra, người bệnh phải tăng cường bổ sung sữa, đặc biệt là sữa năng lượng cao và các sản phẩm của sữa vì thành phần dinh dưỡng cân đối, dễ tiêu hóa.
3. Thực hiện các biện pháp bảo toàn năng lượng
Bệnh nhân cần lên kế hoạch hoạt động cho ngày và tuần, chia nhỏ các hoạt động để làm, làm việc kết hợp nghỉ ngơi để tránh tình trạng mệt mỏi, có khoảng thời gian nghỉ giữa các hoạt động. Ngoài ra, người bệnh cũng cần xác định tốc độ và cường độ làm việc phù hợp, không vội vàng, tránh gắng sức. Nếu có thể, hãy nhờ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ khi cần.
Bạn nên xác định các hoạt động cần thực hiện trước, chỉ làm những việc thực sự cần thiết, không thực hiện những hoạt động không cần thiết, sắp xếp đồ vật sử dụng ở ngang tầm với
4. Khám chuyên khoa triệu chứng dai dẳng
Nếu sau 4 tuần mắc Covid-19, bạn vẫn gặp các triệu chứng trên, cần khám chuyên khoa để được chẩn đoán, loại trừ hội chứng hậu Covid hay bệnh lý khác. Tuỳ theo triệu chứng của người bệnh, các bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện một số thăm dò xét nghiệm chuyên khoa như: hô hấp, tim mạch, thần kinh, tâm thần, tiêu hóa, cơ xương khớp, phục hồi chức năng... để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
5. Các vấn đề khác
Ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân cần ngủ đủ giấc, cố gắng ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh sử dụng cà phê, rượu, thuốc lá, không sử dụng các thiết bị điện tử 1-2 giờ trước khi đi ngủ. Phòng ngủ cần yên tĩnh, thông khí tốt và có nhiệt độ phù hợp, tắt đèn khi ngủ.
Người bệnh cũng phải giữ tinh thần lạc quan, không lo lắng, tránh những suy nghĩ tiêu cực; cân bằng giữa ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và giải trí.
Chúc bạn sớm điều trị thành công tình trạng mỏi cơ!
ThS. BS Phạm Thị Lệ Quyên
Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai