Kẽm đóng vai trò quan trọng với hệ thống miễn dịch, giúp hồi phục tổn thương và xây dựng cấu trúc cơ thể. Nhiều phân tích cho biết kẽm giúp tế bào của cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Mặt khác, thiếu kẽm làm tăng các cytokine tiền viêm và giảm sản xuất kháng thể - một yếu tố quan trọng của quá trình miễn dịch.
Bác sĩ Nhi Nguyễn Mạnh Cường, thuộc Nhóm bác sĩ hỗ trợ F0 tại nhà cho biết, kẽm giúp tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của bé; là yếu tố enzym xúc tác các phản ứng tổng hợp hình thành cấu trúc cơ thể giúp bé phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ. Bởi việc tăng cảm giác ngon miệng; giúp các tế bào thần kinh phát triển và trao đổi chất tốt để bé phát triển trí tuệ toàn diện. Bên cạnh đó, kẽm là yếu tố quan trọng trong hệ thống miễn dịch của bé; giúp hồi phục khứu giác, vị giác; chữa lành những tổn thương; đóng vai trò quan trọng, giảm đi ngoài ở trẻ đang tiêu chảy, hồi phục niêm mạc tiêu hóa.
Biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ
Để nhận biết thiếu kẽm ở trẻ, cha mẹ cần đề ý các biểu hiện như: đề kháng của con yếu, thường hay ốm không rõ nguyên nhân; trẻ ngủ ít, ngủ không ngon giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, hay khóc về đêm; các vết thương lâu liền; giảm vị giác và khứu giác. Trẻ thiếu kẽm cũng có thể chậm lớn so với trẻ cùng lứa tuổi, giảm cân không rõ căn nguyên, chán ăn, biếng ăn, thấp còi, suy dinh dưỡng. Thiếu kẽm còn giảm các men đường ruột gây rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ thường đi ngoài.
Ngoài ra, kẽm chiếm nhiều trong não, đóng vai trò quan trọng trong học tập và ghi nhớ. Thiếu kẽm làm cản trở khả năng nhận thức và gây tổn thương thần kinh, thậm chí có thể gây chứng khó đọc. Kẽm còn là thành phần thiết yếu giúp duy trì chức năng hệ miễn dịch. Trẻ thiếu kẽm dễ bị nhiễm trùng như: viêm họng, cảm cúm, tiêu chảy... tái đi tái lại nhiều lần. Trẻ thiếu kẽm có thể bị khô da, viêm da, bong da, dày sừng, nổi mụn, tóc dễ gãy rụng.
Nguyên nhân trẻ thiếu kẽm
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho biết nhu cầu kẽm của trẻ thường rất cao vì đang trong thời kỳ phát triển mạnh nhưng lượng kẽm nhận vào lại chưa được đáp ứng đủ. Nguyên nhân trẻ thiếu kẽm là do bữa ăn của con chưa có các thực phẩm bổ sung chất này hoặc bổ sung không đúng cách.
Đối với những trẻ còn đang bú, nhiều mẹ mất sữa, không có thời gian cho con bú, vắt sữa để quá lâu cũng khiến trẻ thiếu kẽm. Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh cũng ảnh hưởng tới sự hấp thụ kẽm của con.
Bổ sung kẽm đúng cách
Trẻ trong độ tuổi bú thì sữa mẹ là nguồn cung cấp tốt nhất cho con nên mẹ cần bổ sung tốt. Nếu mẹ không có sữa, có thể cho con ăn sữa công thức và cần quan tâm hàm lượng kẽm cũng như chủ động bổ sung. Theo đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi là 2 mg nguyên tố một ngày; trẻ từ tháng thứ 7 đến 12 tháng tuổi là 3-5 mg nguyên tố một ngày; trẻ từ 1 đến 10 tuổi là 5-10mg nguyên tố một ngày. Cách đơn giản là uống chế phẩm chứa kẽm, tốt nhất là chọn loại kẽm dễ uống, vị hơi nhạt, không quá ngọt.
Nếu bé đi ngoài, mẹ cần bổ sung lượng kẽm lớn hơn. Theo đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy được khuyến cáo bổ sung 10 mg kẽm một ngày; trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi bổ sung 20 mg kẽm một ngày. Thời gian bổ sung viên kẽm cho trẻ là 14 ngày liên tiếp.
Mẹ nên bổ sung thuốc có chứa kẽm (kẽm gluconat hoặc kẽm sulfat) cho bé sau khi ăn khoảng 30 phút; không uống viên kẽm và sắt (hoặc canxi) cùng lúc, thay vào đó nên dùng cách nhau ít nhất 2 giờ. Để tối ưu hóa khả năng hấp thu kẽm của trẻ, thực đơn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, giảm các thực phẩm giàu chất xơ, đồng, sắt.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cần đa dạng hóa các loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn của trẻ, ưu tiên thực phẩm giàu kẽm như: thịt heo nạc, sữa, hạt khô, sò, củ cải, đậu hà lan, lòng đỏ trứng... Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng thêm các sản phẩm bổ sung kẽm như: bột mì, hạt nêm, bánh quy bổ sung kẽm, sữa, bột dinh dưỡng, cốm bổ sung kẽm... trong các bữa ăn hàng ngày.
Mẹ cũng cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như: rau xanh (súp lơ trắng, bông cải xanh, khoai tây...) và hoa quả (ổi, cam, dâu tây, đu đủ...). Để tăng sự hấp thu, khi bổ sung kẽm, cha mẹ nên đồng thời bổ sung vitamin A, B6, C và photpho (thường qua sữa mẹ và sữa công thức); bổ sung vi chất kẽm cho trẻ sơ sinh bằng cách cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến 24 tháng.
Lưu ý, tránh bổ sung kẽm dư thừa, dễ gây tác hại không mong muốn; không được bổ sung kẽm, sắt cùng lúc với canxi vì bé không hấp thu được kẽm và sắt.
Hải My