Chia sẻ câu chuyện tại đây
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Triệu Hùng, Trưởng Bộ môn Bệnh lý miệng & Phẫu thuật Hàm mặt - Viện Đào tạo răng hàm mặt - Đại học Y Hà Nội, khẳng định, đeo khẩu trang đúng cách giúp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 hiệu quả. Bản thân bác sĩ cũng từng có trải nghiệm đáng nhớ về tác dụng của việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với F0.
Bác sĩ Hùng tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai hồi tháng 7/2021, tính đến khi nhiễm bệnh đã gần 5 tháng, có thể lúc này, hiệu quả kháng thể bắt đầu suy giảm nên nguy cơ bị lây nhiễm cũng cao hơn. "Trước khi biết mình là F0, tôi đã được cảnh báo là F1 vì có tiếp xúc trong phòng mổ khoảng 4-5 tiếng với một học viên - bạn này mới nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của tôi sau khi tiếp xúc với bạn học viên này vẫn âm tính, cho thấy, không có nguy cơ lây nhiễm từ học viên, chưa kể, khi tiếp xúc trong phòng vô trùng, đeo khẩu trang y tế cẩn thận", bác sĩ kể.
Sau đó, bác sĩ Hùng tham gia chuyến công tác di chuyển bằng ôtô suốt hai tiếng từ Hà Nội về Thái Bình cùng hai đồng nghiệp khác một lái xe. Sau khi đi công tác về, bác sĩ thực hiện xét nghiệm PCR, lúc này, mới cho kết quả dương tính. Hai đồng nghiệp và lái xe trở thành F1.
PCR với nồng độ virus cao của bác sĩ Hùng cũng cho thấy, bác sĩ có thể bị nhiễm Covid-19 trong vòng 2 ngày trở lại, có khả năng lây nhiễm cao cho người khác. Tuy nhiên, một tuần sau khi bác sĩ Hùng có kết quả dương tính, những F1 vẫn âm tính và không có bất cứ dấu hiệu bị lây nhiễm nào. Ngoài ra, những người thân trong gia đình có tiếp xúc gần, sinh hoạt cùng bác sĩ Hùng cũng may mắn không bị lây nhiễm.
"Trong suốt quá trình đi công tác, tôi đều dùng khẩu trang N95. Tôi cho rằng, đây là một trong những yếu tố khiến những người đi cùng không bị lây nhiễm", bác sĩ giải thích về trường hợp của mình.
Về quá trình điều trị, bác sĩ Hùng cách ly tại nhà ngay sau khi nhận kết quả xét nghiệm, đồng thời khai báo y tế tại phường. "Để cách ly tại nhà, F0 cần đảm bảo có phòng riêng, cửa sổ thoáng khí, người nhà cũng phải được tiêm ít nhất hai mũi", bác sĩ chia sẻ. Khi có tình huống bắt buộc phải tiếp xúc với người nhà trong thời gian ngắn vài phút, bác sĩ chủ động sử dụng khẩu trang N95.
Dấu hiệu đầu tiên khi nhiễm Covid-19 của bác sĩ Hùng là ngạt mũi, tương tự như cảm cúm nên có thể không nhiều người để ý. Các triệu chứng tiến triển dần như sốt, cảm giác mệt mỏi, đau lưng, mỏi cơ, ngạt mũi, sổ mũi, hoa mắt, chóng mặt. Bác sĩ sốt liên tục trong ba ngày, thời điểm sốt cao khoảng 39,5 độ, sau khi uống hạ sốt thì giảm còn khoảng 38 độ chứ không cắt sốt hẳn. Chỉ số SPO2 được theo dõi thường xuyên, ổn định ở mức 95-97, huyết áp bình thường, nhịp thở trong giới hạn bình thường, không có dấu hiệu khó thở như nhiều F0 khác.
Ba ngày đầu cũng là giai đoạn các F0 thường mệt mỏi nhất. Dựa vào kinh nghiệm và kiến thức, bác sĩ Hùng đánh giá triệu chứng của mình ở thể trung bình. Theo đó, bác sĩ thường xuyên đun nước tỏi xông mũi, hàng ngày rửa mũi bằng nước muối sinh lý, súc họng, súc miệng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Những ngày sau đó, triệu chứng giảm dần.
Về dinh dưỡng, bác sĩ thực hiện chế độ được khuyến cáo với F0 điều trị tại nhà như tích cực uống nước, đảm bảo đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, bổ sung thêm nước cam, sữa, hoa quả, ăn nhiều rau xanh... "Không nhất thiết là người trẻ là có sức đề kháng tốt hơn. Những người có hệ miễn dịch đáp ứng hoặc tải lượng virus thấp hơn thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn và nhanh âm tính hơn", bác sĩ Hùng nói. Do đó, việc chú trọng bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng là quan trọng.
Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo, F0 không nên tự ý sử dụng thuốc Molnupiravir. "Bộ y tế ban hành thông tư cho phép dùng Molnupiravir điều trị cho thẻ nhẹ và trung bình nhưng dưới sự kiểm soát của bác sĩ. Thuốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên càng cẩn trọng", bác sĩ nhấn mạnh.
Song song với quá trình điều trị, việc chuẩn bị tâm lý cho F0 cũng như người thân là rất cần thiết, theo bác sĩ Đặng Triệu Hùng.
Quá trình tự điều trị của bác sĩ Hùng tập trung trong khoảng 3 ngày đầu nhiễm bệnh. 10 ngày sau đó, kết quả test nhanh đã âm tính. Hiện, bác sĩ đã trở lại công tác và sinh hoạt bình thường. Sau khi khỏi bệnh, bác sĩ vẫn còn có một số triệu chứng như ngạt mũi, mệt mỏi keó dài khoảng 2 tuần. Tuy nhiên do duy trì ngậm Strepsils, rửa mũi, vệ sinh họng miệng thường xuyên đến nay cơ thể trở về trạng thái khỏe mạnh bình thường.
Các nghiên cứu y tế cho thấy, khẩu trang là lá chắn đơn giản nhưng có vai trò rất quan trọng, giảm tỷ lệ lây nhiễm nCoV đến 79%. Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, từng khẳng định, khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng viêm phổi do virus nCoV. Khẩu trang cũng được đề cập đầu tiên trong nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân. Kể cả những người đã tiêm vaccine vẫn nên mang khẩu trang.
Các chuyên gia đều khuyến cáo, để hạn chế khả năng lây nhiễm Covid-19, mỗi người nên đeo khẩu trang vừa với khuôn mặt. HCDC lý giải, dù khẩu trang của bạn có lọc virus tốt đến đâu thì cũng không thể ngăn virus phát tán ra ngoài, thông qua bất kỳ khoảng trống nào, nếu bạn không mang khẩu trang vừa khít với khuôn mặt.