Thể dục là một trong những cách giúp cơ thể khỏe mạnh và phục hồi nhanh sau Covid-19. Tuy nhiên, việc tập luyện cần đúng cách và khoa học mới mang lại hiệu quả. Tiến sĩ Tod Olin, nhà nghiên cứu bệnh học chuyên về y học tập thể thao tại National Jewish Health Exercise và Performance Breathing Center (Mỹ) cho biết, những người từng nhiễm virus có nhiều khả năng bị hen suyễn hoặc gặp các dạng rối loạn chức năng thở khác. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc tập luyện thể dục trở lại gặp khó khăn.
Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể "khởi động" trở lại sau khi âm tính với Covid-19 từ 7 đến 10 ngày. Nếu các triệu chứng vẫn còn sau hai tuần, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra tim, phổi. Khi cơ thể ổn hơn, việc bắt đầu lại cần làm từ từ và nhẹ nhàng. Dưới đây là những tác động của Covid-19 trong quá trình tập luyện mà mọi người cần chú ý.
Mệt mỏi, kiệt sức
Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Olin phát hiện, virus SARS-CoV-2 làm cho các tế bào cơ kém hiệu quả hơn trong cách sản xuất và sử dụng năng lượng. Đây có thể là lý do nhiều người thấy mệt mỏi khi cố gắng tập thể dục dù họ cảm thấy sức khỏe ổn. Điều tốt nhất là hoạt động nhẹ nhàng, từ từ, nghỉ ngơi khi cần thiết.
Khó thở
Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi tập luyện quá mức cũng là triệu chứng phổ biến. "Nếu tình trạng này không thuyên giảm hoặc liên tục thở hổn hển, khò khè khi tập luyện, hãy đến gặp bác sĩ. Chúng tôi phát hiện nhiều người không có tiền sử hen suyễn nhưng đã phát triển tình trạng này sau khi khỏi Covid-19. May mắn là bệnh dễ chẩn đoán và điều trị", Tiến sĩ Olin nói.
Tức ngực
Tình trạng viêm do virus có thể gây ra viêm cơ tim dẫn tới đau ngực. Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim nên điều quan trọng là phải biết tiền sử bệnh của gia đình và cũng như tình tạng của cơ thể để nhận biết rõ các dấu hiệu của cơn đau tim.
Ngoài ra, Covid-19 cũng có thể làm tăng nhịp tim khi nghỉ ngơi hoặc khiến nhịp tim nhanh hơn khi tập thể dục. Nếu tình trạng này liên tục diễn ra sau khi đã khỏi bệnh, mọi người cần tới gặp bác sĩ để xem liệu bản thân có gặp chứng rối loạn chuyển hóa máu hoặc một vấn đề về tim do virus gây ra.
Ho khi tập thể dục
"Ho nhẹ, dai dẳng khá phổ biến sau Covid-19 nhưng nếu bạn cảm thấy những cơn ho không dứt hoặc cản trở việc tập luyện, thì đã đến lúc nói chuyện với bác sĩ", Tiến sĩ Olin nói. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, rối loạn chức năng thở hoặc tổn thương phổi.
Chóng mặt hoặc choáng váng
Một triệu chứng phổ biến khác mà một số người gặp phải khi tập thể dục sau mắc Covid-19 là cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng. Khả năng giữ thăng bằng giảm sút sẽ khiến một người không thể thực hiện các bài tập từng yêu thích như yoga. Tình trạng này sẽ dần thuyên giảm và cải thiện tốt hơn sau một thời gian nhưng trong quá trình chờ đợi phục hồi, mọi người nên tập những bài thể dục an toàn. Nếu tình trạng này kéo dài tới hai tuần, cần tới gặp bác sĩ.
Đau đầu
Cơn đau đầu do Covid-19 có thể trở nên dữ dội và trầm trọng hơn khi tập thể dục. Điều này xuất phát từ tình trạng viêm trong các mạch máu não và đầu hoặc do khó thở và tim đập nhanh. Nếu cơn đau đầu chỉ nhẹ, mọi người vẫn có thể tập thể dục nhẹ nhàng nhưng nếu tình trạng tăng nặng, cần nghỉ ngơi.
Trầm cảm
Tiến sĩ Olin giải thích cảm giác chán nản có thể khiến một người mất động lực để làm mọi việc, thậm chí cả việc tập thể dục và dẫn tới trầm cảm.
"Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, chán nản. Do đó, bạn nên tập trung vào việc chỉ làm những gì có thể, tập từng bước như em bé mới tập bò, tập đi... Hãy ăn mừng từng chiến thắng nhỏ và rủ ai đó cùng tập luyện với mình. Quan trọng là đừng ngại yêu cầu sự trợ giúp của chuyên gia nếu gặp khó khăn", ông nói.
Yến Nhi (theo The Healthy)