Covid-19 không chỉ tác động tới hệ hô hấp mà còn một số cơ quan khác trong cơ thể. Ngay cả sau khi khỏi bệnh, không ít người vẫn gặp phiền toái với các triệu chứng Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe lẫn đời sống sinh hoạt. Dưới đây là 4 triệu chứng Covid-19 phổ biến vẫn tiếp tục diễn tiến dù người nhiễm bệnh đã âm tính vài tuần, thậm chí vài tháng và cách khắc phục.
Khó thở
Khó thở là một trong những dấu hiệu đầu tiên khi nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu do coronavirus tác động trực tiếp lên hệ hô hấp. Trong những ngày đầu của đại dịch, khi coronavirus còn là loại virus mới, những bệnh nhân bị nhiễm bệnh được theo dõi liên tục về khả năng thở. Ngay cả khi biến thể Delta của Covid-19 "càn quét" toàn thế giới với làn sóng lây nhiễm thứ hai, khó thở vẫn là triệu chứng chính. Trong đợt lây nhiễm thứ ba của biến thể Omicron, mặc dù bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhẹ, những vấn đề liên quan đến hô hấp vẫn được báo cáo.
Sau khi xem xét phản ứng miễn dịch của cơ thể cũng như tải lượng virus, các nhà nghiên cứu nhận ra loại virus này có thể tạo ra di chứng (gây sẹo) lên quá trình hô hấp bình thường của người nhiễm bệnh ngay cả khi họ đã khỏi. Do đó, tình trạng khó thở còn kéo dài cả sau khi mọi người đã khỏi bệnh trong vài tuần, thậm chí là vài tháng.
Lời khuyên dành cho những người gặp triệu chứng này là nên tới gặp y, bác sĩ, các nhân viên y tế để được thăm khám. Tập thở theo hướng dẫn của y, bác sĩ cũng là biện pháp giúp kiểm soát nhịp thở, tăng độ bền và sức mạnh cơ hô hấp ở bệnh nhân hậu Covid.
Các vấn đề về tim
Ngoài hệ hô hấp, Covid-19 còn tác động đến các cơ quan khác của cơ thể và một trong số đó là hệ tim mạch. Covid-19 ảnh hưởng tới hệ tim mạch của không chỉ người lớn tuổi, người có bệnh lý nền mà còn cả những người trẻ. Một nghiên cứu mới từ Đại học São Paulo State (UNESP) ở Brazil chỉ ra rằng, những người mắc Covid-19 nhẹ đến trung bình có khả năng bị gián đoạn hoạt động cân bằng quan trọng của hệ thần kinh thực vật. Loại virus này có thể âm thầm gây ra các vấn đề về tim mạch mà mãi đến sau này mới phát hiện được. Sau khi bị nhiễm virus, nhiều bệnh nhân phàn nàn về tình trạng hồi hộp và tim đập nhanh.
Tiến sĩ Praveen P Sadarmin, chuyên gia tư vấn tim mạch, tại Narayana Health City, Bangalore, cho biết: "Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHF) từng tuyên bố Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới tim khi đại dịch mới xuất hiện. Coronavirus gây ra tình trạng tiền viêm và dẫn đến viêm tim có thể biểu hiện như: viêm cơ tim (viêm cơ tim) hoặc viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm túi chứa tim".
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là duy trì trọng lượng cơ thể, đặc biệt là lượng mỡ thấp, BMI dao động trong khoảng 18 - 24,99, cũng như cần giữ thói quen hoạt động thể chất như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, chạy, đi dạo... Lối sống này sẽ hỗ trợ mọi người giảm thiểu hậu quả của Covid-19.
Sương mù não
Trong thời gian phục hồi sau mắc Covid-19, người bệnh có thể gặp một số khó khăn liên quan đến khả năng suy nghĩ. Những khó khăn này bao gồm các vấn đề về trí nhớ, sự chú ý, khả năng xử lý thông tin, lập kế hoạch và tổ chức. Đây còn được gọi là tình trạng "sương mù não". Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi. Điều đó có nghĩa, khi càng mệt mỏi, bệnh nhân càng thấy khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của cá nhân và có khả năng gây thêm các biến chứng sức khỏe mới.
Bệnh nhân sau mắc Covid-19 có thể luyện tập các bài tập trí não, lập thời gian biểu, kế hoạch hoạt động... Ngoài ra, người bệnh cũng cần áp dụng các biện pháp nâng cao thể trạng và chiến lược làm giảm căng thẳng để cải thiện tình trạng sương mù não như: ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, có chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như: rượu, bia, chất kích thích...
Mất khứu giác và vị giác
Dấu hiệu Covid-19 xuất hiện chủ yếu ở những người nhiễm biến thể Delta. Nhiều người phàn nàn rằng họ không thể lấy lại được những giác quan đó hàng tuần hoặc hàng tháng sau âm tính. Thậm chí, một số ít người, khứu giác và vị giác vẫn chưa trở lại hoàn toàn cả một năm sau đó.
Để chữa mất mùi, người bệnh cần tập ngửi mùi. Đây là cách chữa trị phục hồi chức năng thần kinh khứu giác bằng các bài tập đơn giản, dùng trí nhớ não bộ kết hợp với các mùi quen thuộc giúp cơ thể học lại cách ngửi mùi. Đối với vị giác, người bệnh cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, tốt nhất là nước ấm, có thể pha với lát gừng mỏng. Mọi người cần duy trì các món ăn ấm nóng, tránh thức ăn lạnh, quá ngọt, cay, chua và mặn và tăng cường các món ăn quen thuộc, yêu thích.
Hải My (Theo Times of India)