Tim mạch VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Mỗi khi đói em thấy khó chịu ở vùng ngực và bị choáng, thi thoảng nằm sấp em cũng bị tình trạng tương tự. Không biết có phải do bị tim không thưa bác sĩ?

Nguyễn Tùng Hồng Mạnh, 34 tuổi, Tân Bình, HCM
BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em,

Khi đói, các biểu hiện em hỏi như khó chịu ở vùng ngực và bị choáng nhiều khả năng chính là cơn hạ đường huyết. Khi mức đường huyết thấp (<70mg/%) sẽ kích hoạt giải phóng epinephrine (adrenaline) gây các triệu chứng tim đập mạnh làm em khó chịu. Ở trường hợp nặng, mức đường huyết quá thấp có thể khiến não không nhận đủ glucose, ảnh hưởng đến các hoạt động của não gây choáng, hôn mê, thậm chí tử vong do hạ đường huyết.

Trong những tình huống như vậy, em có thể ngậm 2 hay 3 viên đường, uống 1/2 ly nước trái cây bất kỳ, 1/2 ly nước ngọt, 1 ly sữa. Nếu sau đó em thấy bớt mệt, bớt chóng mặt thì đây chính là cơn hạ đường huyết do mình ăn không đủ lượng đường cho cơ thể.

Chúc em sức khỏe! Thân mến!

Năm nay cháu 31 tuổi, đi bệnh viện kiểm tra thì bị hở van tim 3 lá và bị thoái hoá đĩa đệm cổ. Dạo này cháu thường xuyên bị đau hai bên bả vai và tức ngực, có lúc khó thở nhẹ. Vậy có phải do thoái hoá chèn ép dây thần kinh không?  

Trần Như Nguyên, 31 tuổi, Ninh Bình
BSNT Trương Hoài Lam

Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Triệu chứng đau 2 bả vai liên quan nhiều đến thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ. Các đĩa đệm này có thể thoát vị, lệch khỏi vị trí thông thường và chèn vào rễ thần kinh, gây đau dọc theo cổ sang hai vai. Ngoài ra, hở van 3 lá mức độ nhẹ có thể gặp ở người bình thường khỏe mạnh và hầu như không gây ảnh hưởng tới chức năng của tim.

Các triệu chứng tức ngực và có lúc khó thở nhẹ của bạn có khả năng là lành tính, liên quan đến sự căng giãn cơ hoặc vấn đề ở tim mạch. Để làm rõ việc này, bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Tôi thường có những cơn nhịp tim tăng cao có lúc lên tới 145 nhịp/phút, khi đó do bức xúc hoặc áp lực công việc. Tôi muốn hỏi phương án điều trị. Các chỉ số xét nghiệm có Trigricerit 3,5.

Tuấn Anh Hoàng, 57 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội
ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bác,

Nhịp tim sẽ dao động đáp ứng sinh lý phù hợp với tình trạng hoạt động, cảm xúc của cơ thể. Nhịp tim có thể đáp ứng sinh lý lên tới 180 nhịp/phút. Nhưng đôi khi, cơn nhịp nhanh tần số 140-150 nhịp/phút cũng có khả năng là bệnh lý liên quan đến các chuyên ngành như tim mạch, nội tiết... Điều quan trọng là khi nhịp tim bác lên tới 145 nhịp/phút, bác có triệu chứng khó chịu gì không: hồi hộp trống ngực, mệt, hoa mắt chóng mặt, choáng... Nếu nhịp tim tăng lên chỉ khi bác căng thẳng, bức xúc mà không có triệu chứng gì kèm theo, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì bác có thể theo dõi, điều chỉnh lối sống như tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần; ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ; hạn chế các chất kích thích, rượu bia; giảm áp lực công việc, tự điều tiết cảm xúc... Nếu sau một thời gian bác tự điều chỉnh lối sống mà vẫn còn thấy khó chịu thì có thể đến khám tại cơ sở y tế đa chuyên khoa. Bác sĩ sẽ có biện pháp giúp đánh giá tình trạng của bác thuộc bệnh lý tim mạch, tâm thần (liên quan đến stress, căng thẳng) hay nội tiết (liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp)... từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.

Còn về vấn đề xét nghiệm của bác thì chỉ với chỉ số Triglycerit 3.5 chưa đủ thông tin để chúng tôi tư vấn thêm cho bác. Bác nên cung cấp đầy đủ thông tin hoặc đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn. Trân trọng!

Tôi có hiện tượng nghẹn nghẹn ở tim, đi siêu âm Dopler tim và thực hiện điện tâm đồ, bác sĩ có bảo có hiện tượng hẹp van tim (dạng nhẹ), vôi hóa động mạnh. Bác sĩ không kê thuốc do đánh giá nhẹ.
Tuy nhiên tôi vẫn luôn có cảm giác nghẹn ở tim, khó thở. Vậy tôi có cách nào để khắc ...

Phạm Thị Hường, 40 tuổi, Long Biên, Hà Nội
ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Các biểu hiện nặng ngực, khó thở có thể liên quan đến bệnh lý tim mạch nhưng cũng có khả năng là triệu chứng thuộc bệnh lý của nhiều chuyên khoa khác như hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, tâm thần... Với mỗi bệnh lý, tính chất của từng triệu chứng sẽ có sự khác biệt như nặng ngực khó thở xảy ra khi nào, thành cơn hay liên tục, liên quan đến gắng sức không, liên quan đến bữa ăn không, xuất hiện vào thời điểm nào trong ngày, hoàn cảnh xuất hiện ra sao...

Chị nên đến cơ sở y tế đa chuyên khoa để được thăm khám, hỏi bệnh một cách cụ thể, định hướng nguyên nhân, thực hiện xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho chị về hướng điều trị, đồng thời tái đánh giá tình trạng hẹp các van tim của mình.

Tôi bị khó thở, tim đập nhanh, hay bị giật mình hồi hộp, lo lắng, cơ thể mệt mỏi và đau đầu thường xuyên. Không biết nguyên nhân là gì mong bác sĩ giải đáp giúp.

Nguyễn thanh thanh, 32 tuổi, Tổ39 thọ quang sơn trà đà nẵng
BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em,

Em có biểu hiện khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, lo lắng, mệt mỏi và đau đầu thường xuyên. Đây là những triệu chứng khá nguy hiểm, đặc biệt là đau đầu thường xuyên. Những nhóm nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng này bao gồm bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý tim mạch, thừa cân - béo phì, xơ phổi mô kẽ - một bệnh gây sẹo ở mô phổi, bệnh lý não. Chúng tôi khuyên em nên đến một bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa sâu để khám và tìm nguyên nhân bệnh của mình.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho em tốt nhất. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

Tôi hay bị đau buốt đầu, hết rồi lâu lâu lại đau, xin hỏi nguyên nhân và nên đi khám ở đâu, chuyên khoa nào?

Nguyễn Khoa, 48 tuổi, P3, TP. Vũng Tàu

Tôi thường bị đau tức ngực, (không có biểu hiện khó thở) khi thời tiết thay đổi, nhịp tim chậm. Tôi đã đi khám nhiều lần nhưng ko phát hiện bất thường. Bác sĩ tư vấn giúp.

ngoquangxuyen, 59 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội
ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bác,

Đau tức ngực là triệu chứng nằm trong bệnh cảnh của nhiều bệnh lý thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, cơ xương khớp, thần kinh... Tính chất của triệu chứng rất cần thiết để định hướng tới các nguyên nhân, chẳng hạn như bác đau ngực ở vị trí nào, hoàn cảnh xuất hiện ra sao? Đau cơn hay liên tục, có liên quan đến gắng sức hay bữa ăn không? Nhịp chậm của bác tần số trung bình là bao nhiêu? Chậm nhất bác từng ghi nhận được là bao nhiêu? Bác đã bao giờ có biểu hiện choáng, ngất chưa? Bác đã từng được đeo máy theo dõi nhịp tim 24-48 giờ chưa?...

Với thông tin bác cung cấp hiện tại, chúng tôi chưa thể tư vấn một cách trọn vẹn cho bác là bác bị gì, hướng điều trị như thế nào. Bác đã đi khám nhiều lần mà không phát hiện bất thường thì hi vọng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ là một lựa chọn cho bác đến thăm khám.

Trân trọng!

Tôi đi khám thì bác sĩ bảo bị hẹp van động mạch chủ. Hiện tại thì tôi cũng chưa thấy các biểu hiện như tức ngực khó thở. Vậy xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi đã phải mổ để thay van tim chưa?

Trần Văn Lộc, 66 tuổi, TP. Vinh, Nghệ An
ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bác,

Hiện tại với thông tin bác cung cấp, chúng tôi mới chỉ ghi nhận bác có tình trạng hẹp van động mạch chủ không triệu chứng. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hướng điều trị cho tình trạng của bác là sẽ điều trị nội khoa, can thiệp qua da hay phẫu thuật thì chúng tôi cần nhiều thông tin hơn, chẳng hạn như mức độ hẹp van động mạch chủ, thông số chức năng tim... Vì vậy, bác nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám, kiểm tra và tư vấn hướng điều trị chính xác nhất.

Tôi bị bệnh khó thở khi ngồi dậy, đi bệnh viện nằm hơn 5 ngày. Thời gian nằm đã siêu âm tim và CT scanner phổi, đồng thời thử máu kết quả đều tốt. Giờ đây, tôi không biết giải quyết thế nào thưa bác sĩ?

Anh Nguyễn, 75 tuổi, Mỹ

Tôi thường khám tổng quát mỗi năm một lần, vừa rồi kết quả khám có kết quả, mong bác sĩ tư vấn có nên uống thuốc không (tôi tập thể dụng đều hàng ngày, không hút thuốc, ít rượu bia, ăn uống cũng không nhiều thịt mỡ hay tinh bột, huyết áp tốt thường dưới 12), có những mục đánh dấu đậm gửi bác sĩ:

Trần Trấn Quốc, 53 tuổi, Q.8, HCM
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Chỉ số LDL - cholesterol (còn gọi là mỡ xấu) của anh tăng cao. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch xơ vữa bao gồm: bệnh mạch vành, bệnh mạch não, bệnh động mạch ngoại vi chi dưới. Thường chỉ số này cần dưới 1.8 mmol/L để phòng ngừa nguy cơ xơ vữa mạch máu.

Theo tôi, với chỉ số mỡ máu này, có thể anh cần dùng thuốc hạ mỡ máu, kết hợp với thay đổi lối sống như tập thể dục, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh (giảm thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán, thức ăn nhanh, chế biến sẵn...). Ngoài ra, khẩu phần ăn cần giảm lượng thịt đỏ như thịt bò, heo, dê, cừu... và nên dùng cá thường xuyên nhằm góp phần làm giảm lượng mỡ máu. Trân trọng!

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn