Thứ sáu, 4/4/2025

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp bác sĩ

Ba em 50 tuổi, vừa phát hiện hẹp van động mạch phổi bẩm sinh, chỉ định nong hẹp tĩnh mạch phổi. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn giúp em về kỹ thuật này được không? Có phải mổ mở ngực không? Nếu điều trị ở Bệnh viện Tâm Anh có được thanh toán bảo hiểm y tế không? Cảm ơn bác sĩ.

Linh Bùi, 25 tuổi, Tây Ninh

ThS.BS Văn Thị Thu Hương

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào chị,

Ba chị bị hẹp van động mạch phổi bẩm sinh và có chỉ định nong van động mạch phổi. Kỹ thuật nong van sẽ là thông tim, luồn dụng cụ (bóng sếp gọn) qua đường tĩnh mạch đùi đi lên tim bên phải và qua động mạch phổi. Bơm căng bóng ở vị trí van động mạch phổi để mở rộng lá van. Không cần phải mổ mở ngực.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai kỹ thuật nong van này, và có thanh toán BHYT. Chị có thể đưa ba đến đây để được tư vấn và can thiệp điều trị sớm, tránh biến chứng về sau. Thân mến!

Em năm nay 37 tuổi đang mang thai 22 tuần. Lúc thai 20 tuần em đi tầm soát bệnh tim mạch bào thai thì bác sĩ nói bé bị chuyển vị đại động mạch, động mạch chủ nối với tâm thất phải. Bác sĩ có tư vấn sau sinh con sẽ được bác sĩ tim can thiệp ngay. Trường hợp con em, tỷ lệ điều ...

Huỳnh Phương Nga, 37 tuổi, TP.HCM

BS Nguyễn Phạm Thùy Linh

Phó Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Chuyển vị đại động mạch là một tình trạng tim bẩm sinh nặng, thường cần can thiệp rất sớm sau sinh. Hiện nay, biện pháp phẫu thuật sửa chữa cho bệnh lý này đã đạt được nhiều kết quả khả quan nên chị đừng quá lo lắng. Chị nên sinh tại bệnh viện có đủ các chuyên khoa sản, sơ sinh, tim mạch để được theo dõi sát trước, trong và sau sinh, nhằm giúp em bé chào đời an toàn và được can thiệp điều trị sớm.

Do đây là bệnh lý phức tạp, khó có thể tư vấn đầy đủ qua vài dòng. Chị nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để kiểm tra. Trân trọng!

Bé nhà em 2 tuổi đã phẫu thuật Fallot 4 hơn một năm. Vừa rồi đi tái khám, bác sĩ bảo hở van 3 lá 1/4. Trường hợp con em có phải phẫu thuật lần 2 không hay tim sẽ tự hoàn thiện ạ? Mong bác sĩ tư vấn cách chăm sóc bé đã phẫu thuật tim để phòng bệnh tiến triển ạ.

Huỳnh Thanh Tuyền, 31 tuổi, Gia Lai

BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy

Trợ lý Giám đốc Trung tâm, Bác sĩ Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Trường hợp con bạn đã phẫu thuật tim, cần theo dõi suốt đời để đánh giá những biến chứng về sau. Sau phẫu thuật tứ chứng Fallot, các bác sĩ sẽ quan tâm đánh giá một số vấn đề tim mạch bao gồm còn hẹp phổi không, có hở van động mạch phổi kèm theo không, chức năng thất phải thế nào... Ở đây chưa nghe bạn đề cập đến những vấn đề này nên thật khó để tư vấn thêm. Việc theo dõi sát theo lịch hẹn với bác sĩ thăm khám cháu là một trong những biện pháp tốt để phòng bệnh và can thiệp kịp thời. Thân mến!

Bé nhà em 6 tháng tuổi, bị tứ chứng Fallot (thông liên thất 8mm, hẹp động mạch phổi trung bình) thì có thể phẫu thuật ít xâm lấn tại Bệnh viện Tâm Anh được không ạ? Trường hợp như bé nhà em thường phải phẫu thuật mấy lần? Sau phẫu thuật mà van động mạch phổi bị hẹp dần theo thời gian thì bé có ...

Phạm Thu Hoa, 29 tuổi, TP.HCM

ThS.BS Văn Thị Thu Hương

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào chị,

Tứ chứng Fallot là bệnh lý phức tạp, chưa thể phẫu thuật bằng biện pháp ít xâm lấn. Bé sẽ được phẫu thuật sửa chữa tất cả các bất thường trong một lần, bao gồm vá lỗ thông liên thất và mở rộng đường thoát thất phải, sửa van động mạch phổi. Đây là phẫu thuật tim hở, đường mở trước ngực thường dài từ 10-15cm. Sau phẫu thuật, bé cần được theo dõi suốt đời.

Hẹp hoặc hở van động mạch phổi là một trong những vấn đề cần theo dõi lâu dài sau mổ. Bé sẽ được đánh giá bằng thăm khám, đo điện tim, siêu âm tim, siêu âm tim 4 chiều và kể cả cộng hưởng từ tim khi cần. Nếu cần can thiệp thì bé có thể được phẫu thuật hoặc thông tim thay van động mạch phổi.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho bé tốt nhất.

Chào bác sĩ, em đang có thai ở tuần 20. Tuần 19 em đi siêu âm thì con em được chẩn đoán bị tim thai thiểu sản thất phải, hở van 3 lá. Xin hỏi bác sĩ bệnh của con em có nguy hiểm không? Bé có cần phẫu thuật ngay sau sinh không ạ? Nếu mổ ở Tâm Anh có được bảo hiểm y ...

Vương Xuân Lan, 27 tuổi, TP.HCM

BS Nguyễn Phạm Thùy Linh

Phó Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Thai của chị bị thiểu sản thất phải và hở van 3 lá. Đây là tình trạng tim thai bất thường cần được theo dõi sát sau sinh và có thể phải can thiệp sớm sau sinh. Để an toàn cho thai, cần sự phối hợp chăm sóc giữa chuyên khoa sản, sơ sinh và tim mạch nhi.

Chị có thể đến bệnh viện cho chuyên khoa Sản và Tim mạch để được theo dõi tình trạng tim thai và được tư vấn chi tiết về hướng can thiệp phù hợp. Trân trọng!

Bé nhà em bị thông liên thất phần màng, hở van tim 3 lá, giãn buồng bên phải. Xin hỏi bác sĩ sau phẫu thuật sức khỏe và sinh hoạt của bé có khỏe mạnh, đi học bình thường như các bạn khác được không ạ? Em đọc một số bài các cháu bị tim bẩm sinh phẫu thuật xong vẫn hay bị ngất trong ...

Huỳnh Ngọc Minh, 30 tuổi, Bình Dương

BS Lương Minh Thông

Bác sĩ khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh, có luồng thông giữa thất trái và thất phải, nên thất trái sẽ bị ảnh hưởng trước. Con bạn bị thông liên thất phần màng, hở van tim 3 lá, giãn buồng bên phải. Trường hợp này khá đặc biệt, có thể là dạng thông liên thất với luồng thông thất trái/nhĩ phải hoặc có bệnh kèm theo khác. Do đó, bạn nên cho cháu đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch Nhi để bác sĩ thăm khám, siêu âm tim và quyết định phẫu thuật (đúng bệnh, đúng chỉ định và đúng thời điểm).

Em đang bầu 36 tuần, nay siêu âm mới biết con bị tim bẩm sinh - thông liên thất dạng phễu 2mm. Nếu bé nhà em sinh ra thì có cần can thiệp luôn không hay phải đợi lớn ạ? Bệnh này có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của con sau này không? Nếu em đăng ký sinh ở Bệnh viện Tâm Anh ...

Phạm Như Phương, 28 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy

Trợ lý Giám đốc Trung tâm, Bác sĩ Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Thông liên thất là tổn thương tim có thể phát hiện từ giai đoạn bào thai. Sau sinh, bác sĩ sẽ phải đánh giá lại mức độ luồng máu qua thông liên thất, ảnh hưởng của luồng thông lên cấu trúc tim, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Nếu lỗ nhỏ, kể cả sau sinh, gần như ít ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Nếu bạn đăng ký khám thai và sinh ở BVĐK Tâm Anh thì sẽ được theo dõi, kiểm tra định kỳ, quyết định phương pháp và thời điểm phù hợp điều trị sau sinh. Thân mến!

Tôi năm nay 35 tuổi, công việc văn phòng, cao 1m81 nặng 75 kg, không hút thuốc và cà phê, duy chỉ có hay thức đêm (tầm 1h sáng mới vào giấc ngủ). Thỉnh thoảng tôi có cơn đau nhói ở vùng ngực trái (tim), tầm khoảng 3 giây là hết, 1-2 tháng lại có một cơn như vậy, xuất hiện cơn đau kiểu như ...

Nguyễn Văn Hưng, 34 tuổi, Cần Thơ

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,

Bạn khám sức khỏe, siêu âm tim có ghi nhận vách tâm thất hơi dày. Thành tim dày có thể đồng tâm, dày đều toàn bộ tim hay dày khu trú ở một vùng của cơ tim. Thành tim dày có khả năng do tăng huyết áp hoặc do bệnh cơ tim.

Huyết áp của bạn 110 -120/80 mmHg, nằm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể bị tăng huyết áp ẩn giấu, là dạng tăng huyết áp thường xảy ra ban đêm lúc ngủ, nên khó phát hiện khi đo huyết áp hàng ngày. Để chẩn đoán dạng tăng huyết áp này, bạn cần được đeo máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ, giúp ghi lại huyết áp của bạn mỗi 30-60 phút.

Tôi đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực mạn tình mỗi ngày, tôi muốn hỏi bác sĩ, thuốc này dùng lâu dài có tác dụng phụ gì nhiều không? Tôi thường hay bị vấn đề tiêu hóa như đầy hơi khó chịu ở vùng ngực.

Tạ Hoài Thanh, 31 tuổi, Châu Thành, Hậu Giang

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em!

Em đang dùng bisoprolo 2.5mg mỗi ngày, và em đang lo về tác dụng phụ của thuốc. Bisoprolol có một số tác dụng phụ như sau:
- Nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, viêm mũi, mệt mỏi, phù, hạ huyết áp tư thế, lạnh đầu chi: Đây là những tác dụng phụ thường xảy ra nhất trong quá trình sử dụng Bisoprolol. Chúng sẽ mất đi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, khi cơ thể của mình đã quen với thuốc. Nếu tình trạng kéo dài hơn thì nên báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.
- Tăng mỡ máu (triglyceride), khô miệng, rối loạn cương dương, hay ngủ mơ nhiều và mất ngủ: Chỉ một số ít bệnh nhân dùng thuốc Bisoprolol gặp các triệu chứng khó chịu này.
- Co thắt phế quản: Đây là lý do tại sao những người bị hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD không được khuyến khích dùng Bisoprolol.
Bên cạnh đó, thuốc Bisoprolol (Concor) còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm như:
- Dị ứng: phát ban đỏ trên da, ngứa, sưng mặt/môi/lưỡi.
- Thay đổi nhịp tim: tim đập chậm hoặc không đều, cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu.
- Vấn đề về tim mạch: khó thở, phù chân hoặc mắt cá chân, đau ngực, tăng suy tim.
- Đau, tê, lạnh, thay đổi màu da hoặc giảm độ nhạy cảm của ngón tay/ngón chân, đau nhức cơ bắp.
- Lú lẫn, đổ mồ hôi, run rẩy, nôn mửa.
Nếu có các dấu hiệu này, em cần gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Tất cả các loại thuốc ngoài mục tiêu điều trị đều có tác dụng phụ, kể cả thuốc bổ. Tuy nhiên, bác sĩ luôn cân nhắc mặt lợi và hại khi kê một loại thuốc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ theo dõi sát và cho làm xét nghiệm, siêu âm... định kỳ nhằm kiểm tra chức năng gan, thận... để phát hiện kịp thời những tác dụng không mong muốn xảy ra.

Điều may mắn là rất hiếm người sử dụng Bisoprolol gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng kể trên. Vì vậy, em cứ yên tâm, tin tưởng vào bác sĩ và kiên nhẫn điều trị em nhé!

Em hay bị đầy hơi, khó chịu vùng ngực, có thể em bị vấn đề đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm dạ dày.... Em nên khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, nội soi dạ dày thực quản và đại tràng nếu cần.

Do em có khó chịu vùng ngực nên ngoài vấn đề tiêu hóa, không loại trừ khả năng em có vấn đề tim mạch hoặc bệnh ở phổi kèm theo. Do đó, em nên đến bệnh viện để được thăm khám một cách toàn diện!

Chúc em sức khỏe! Thân mến!

Khi làm việc gì nặng nặng tay một chút thì ngày mai vùng ngực trái thỉnh thoảng nhói đau, khoảng hai ngày sau thấy hết. Siêu âm tim bác sĩ nói thiếu máu cơ tim nhưng không kê đơn điều trị, chỉ khuyên theo dõi. Xin hỏi trường hợp của tôi đau do vơ hay do mạch vành, xin cảm ơn bác sĩ!

luyen041958, 64 tuổi, Tỉnh Nam định

BSNT Trương Hoài Lam

Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bác,

Đau thắt ngực là triệu chứng của tình trạng tắc nghẽn động mạch vành. Khi cơ tim thiếu máu sẽ dẫn đến đau thắt ngực. Tuy nhiên, cần phân biệt đau thắt ngực với các triệu chứng đau ngực của những bệnh lý khác như: căn nguyên thành thành ngực, cơ liên sườn, màng phổi và phổi...

Về sự liên quan với hoạt động gắng sức, nếu có hẹp mạch vành thì cơ tim có thể bị thiếu máu trong khi hoạt động, dẫn đến đau ngực tại cùng thời điểm đó. Còn đau ngực xuất hiện một ngày sau khi làm việc nặng thì thường liên quan đến đau vùng cơ và dây chằng thành ngực nhiều hơn.

Bác có thể theo dõi thêm triệu chứng này, hoặc nếu muốn khảo sát thêm, bác hãy đến phòng khám chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được thăm khám và tư vấn chuyên sâu hơn về triệu chứng đau ngực của mình. Chúc bác sức khỏe! Trân trọng!

Mỗi khi đói em thấy khó chịu ở vùng ngực và bị choáng, thi thoảng nằm sấp em cũng bị tình trạng tương tự. Không biết có phải do bị tim không thưa bác sĩ?

Nguyễn Tùng Hồng Mạnh, 34 tuổi, Tân Bình, HCM

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em,

Khi đói, các biểu hiện em hỏi như khó chịu ở vùng ngực và bị choáng nhiều khả năng chính là cơn hạ đường huyết. Khi mức đường huyết thấp (<70mg/%) sẽ kích hoạt giải phóng epinephrine (adrenaline) gây các triệu chứng tim đập mạnh làm em khó chịu. Ở trường hợp nặng, mức đường huyết quá thấp có thể khiến não không nhận đủ glucose, ảnh hưởng đến các hoạt động của não gây choáng, hôn mê, thậm chí tử vong do hạ đường huyết.

Trong những tình huống như vậy, em có thể ngậm 2 hay 3 viên đường, uống 1/2 ly nước trái cây bất kỳ, 1/2 ly nước ngọt, 1 ly sữa. Nếu sau đó em thấy bớt mệt, bớt chóng mặt thì đây chính là cơn hạ đường huyết do mình ăn không đủ lượng đường cho cơ thể.

Chúc em sức khỏe! Thân mến!

Năm nay cháu 31 tuổi, đi bệnh viện kiểm tra thì bị hở van tim 3 lá và bị thoái hoá đĩa đệm cổ. Dạo này cháu thường xuyên bị đau hai bên bả vai và tức ngực, có lúc khó thở nhẹ. Vậy có phải do thoái hoá chèn ép dây thần kinh không?  

Trần Như Nguyên, 31 tuổi, Ninh Bình

BSNT Trương Hoài Lam

Bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Triệu chứng đau 2 bả vai liên quan nhiều đến thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ. Các đĩa đệm này có thể thoát vị, lệch khỏi vị trí thông thường và chèn vào rễ thần kinh, gây đau dọc theo cổ sang hai vai. Ngoài ra, hở van 3 lá mức độ nhẹ có thể gặp ở người bình thường khỏe mạnh và hầu như không gây ảnh hưởng tới chức năng của tim.

Các triệu chứng tức ngực và có lúc khó thở nhẹ của bạn có khả năng là lành tính, liên quan đến sự căng giãn cơ hoặc vấn đề ở tim mạch. Để làm rõ việc này, bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Tôi thường có những cơn nhịp tim tăng cao có lúc lên tới 145 nhịp/phút, khi đó do bức xúc hoặc áp lực công việc. Tôi muốn hỏi phương án điều trị. Các chỉ số xét nghiệm có Trigricerit 3,5.

Tuấn Anh Hoàng, 57 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội

ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bác,

Nhịp tim sẽ dao động đáp ứng sinh lý phù hợp với tình trạng hoạt động, cảm xúc của cơ thể. Nhịp tim có thể đáp ứng sinh lý lên tới 180 nhịp/phút. Nhưng đôi khi, cơn nhịp nhanh tần số 140-150 nhịp/phút cũng có khả năng là bệnh lý liên quan đến các chuyên ngành như tim mạch, nội tiết... Điều quan trọng là khi nhịp tim bác lên tới 145 nhịp/phút, bác có triệu chứng khó chịu gì không: hồi hộp trống ngực, mệt, hoa mắt chóng mặt, choáng... Nếu nhịp tim tăng lên chỉ khi bác căng thẳng, bức xúc mà không có triệu chứng gì kèm theo, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì bác có thể theo dõi, điều chỉnh lối sống như tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần; ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ; hạn chế các chất kích thích, rượu bia; giảm áp lực công việc, tự điều tiết cảm xúc... Nếu sau một thời gian bác tự điều chỉnh lối sống mà vẫn còn thấy khó chịu thì có thể đến khám tại cơ sở y tế đa chuyên khoa. Bác sĩ sẽ có biện pháp giúp đánh giá tình trạng của bác thuộc bệnh lý tim mạch, tâm thần (liên quan đến stress, căng thẳng) hay nội tiết (liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp)... từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.

Còn về vấn đề xét nghiệm của bác thì chỉ với chỉ số Triglycerit 3.5 chưa đủ thông tin để chúng tôi tư vấn thêm cho bác. Bác nên cung cấp đầy đủ thông tin hoặc đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn. Trân trọng!

Tôi có hiện tượng nghẹn nghẹn ở tim, đi siêu âm Dopler tim và thực hiện điện tâm đồ, bác sĩ có bảo có hiện tượng hẹp van tim (dạng nhẹ), vôi hóa động mạnh. Bác sĩ không kê thuốc do đánh giá nhẹ.
Tuy nhiên tôi vẫn luôn có cảm giác nghẹn ở tim, khó thở. Vậy tôi có cách nào để khắc ...

Phạm Thị Hường, 40 tuổi, Long Biên, Hà Nội

ThS.BS Lê Mạnh Tăng

Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Các biểu hiện nặng ngực, khó thở có thể liên quan đến bệnh lý tim mạch nhưng cũng có khả năng là triệu chứng thuộc bệnh lý của nhiều chuyên khoa khác như hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, tâm thần... Với mỗi bệnh lý, tính chất của từng triệu chứng sẽ có sự khác biệt như nặng ngực khó thở xảy ra khi nào, thành cơn hay liên tục, liên quan đến gắng sức không, liên quan đến bữa ăn không, xuất hiện vào thời điểm nào trong ngày, hoàn cảnh xuất hiện ra sao...

Chị nên đến cơ sở y tế đa chuyên khoa để được thăm khám, hỏi bệnh một cách cụ thể, định hướng nguyên nhân, thực hiện xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho chị về hướng điều trị, đồng thời tái đánh giá tình trạng hẹp các van tim của mình.

Tôi bị khó thở, tim đập nhanh, hay bị giật mình hồi hộp, lo lắng, cơ thể mệt mỏi và đau đầu thường xuyên. Không biết nguyên nhân là gì mong bác sĩ giải đáp giúp.

Nguyễn thanh thanh, 32 tuổi, Tổ39 thọ quang sơn trà đà nẵng

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào em,

Em có biểu hiện khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, lo lắng, mệt mỏi và đau đầu thường xuyên. Đây là những triệu chứng khá nguy hiểm, đặc biệt là đau đầu thường xuyên. Những nhóm nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng này bao gồm bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý tim mạch, thừa cân - béo phì, xơ phổi mô kẽ - một bệnh gây sẹo ở mô phổi, bệnh lý não. Chúng tôi khuyên em nên đến một bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa sâu để khám và tìm nguyên nhân bệnh của mình.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho em tốt nhất. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn