Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng
Chào anh,
Thoái hoá cổ chân ảnh hưởng đến hoạt động đi - đứng - chạy. Vì vậy, tuỳ vào mức độ thoái hoá khi thăm khám và lượng giá chức năng, bác sĩ phục hồi chức năng sẽ kê đơn tập luyện và tư vấn các hoạt động hàng ngày phù hợp. Đồng thời, nếu cần thiết, có thể chỉ định dùng thuốc điều trị và máy vật lý trị liệu như laser, từ trường... kèm theo.
Trường hợp của anh, nếu thoái hoá nhẹ, có thể chạy bộ đoạn đường ngắn, sao cho đau cổ chân không tăng lên khi chạy là được. Nếu chạy làm đau chân thì anh nên chuyển sang đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe đạp hoặc bơi lội.
Anh nên đến khám tại phòng khám phục hồi chức năng để bác sĩ đánh giá sớm vì gout là bệnh có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu đúng cách.
Trân trọng.
Bác sĩ Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh,
Đau sau vận động mạnh, cường độ cao; sau ngồi xổm, ngồi xếp bằng lâu có thể do nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng trực tiếp và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, những tư thế như ngồi xổm, ngồi xếp bằng, quỳ gối, leo cầu thang... cần được hạn chế vì có thể làm tổn thương những thành phần của khớp gối, thúc đẩy quá trình thoái hoá khớp gối diễn ra nhanh hơn.
Trân trọng.
Bác sĩ Nội cơ xương khớpTrung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh
Triệu chứng chưa loại trừ có những đợt cấp viêm khớp gout. Việc xét nghiệm acid uric ngay trong đợt đau có thể giảm giả, làm tưởng là không tăng. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp, anh nên đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp và làm thêm cận lâm sàng (nếu cần).
Trân trọng.
Bác sĩ Ngoại Cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn
Với những thông tin bạn cung cấp, có khả năng bạn đã bị chèn thần kinh nặng, tuy nhiên, chưa có hình ảnh các phim chụp chiếu nên bác sĩ chưa thể khẳng định. Do đó, bạn nên đi khám trực tiếp để bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên phù hợp hơn.
Nếu đúng là do chèn thần kinh từ cổ, đã điều trị bảo tồn trong 3 tháng nhưng không đỡ, thì bạn nên phẫu thuật thay đĩa đệm để giải áp thần kinh.
Đối với thực phẩm chức năng, nên sử dụng những sản phẩm có chứa canxi và các vitamin nhóm B.
Trân trọng.
Bác sĩ Ngoại Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Chơi đá bóng đau lưng là một tình trạng thường gặp. Va chạm khi tranh chấp bóng, hoặc ra sức rướn người đều có thể làm đau lưng căng cơ, đau co thắt. Thông thường, nghỉ ngơi thư giãn cơ, chơi nhẹ nhàng lại sẽ giúp cơ thể từ từ phục hồi.
Nếu tình trạng kéo dài liên tục hoặc tái đi tái lại thường xuyên, bạn nên đi khám và chụp X-quang, hoặc MRI để kiểm tra xem đĩa đệm, khớp có tổn thương không.
Trân trọng.
Bác sĩ Ngoại Cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Để đưa ra lời khuyên có cần phẫu thuật hay không, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp và chỉ định chụp phim. Đối với trường hợp bố bạn, tạm thời có thể tập vật lý trị liệu để làm chậm quá trình phát triển bệnh.
Trân trọng.
Bác sĩ khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Ngồi lâu bị mỏi là hiện tượng rất thường gặp, đặc biệt khi cơ đã yếu không đủ sức hỗ trợ đỡ xương khớp trong thời gian dài. Do đó, bạn nên đến các phòng khám phục hồi chức năng để bác sĩ cho chỉ định tập luyện cơ vùng cột sống khoẻ lên, giúp duy trì được tư thế ngồi lâu hơn. Các bài tập sẽ tăng mức độ khó dần lên, khi đề kháng càng mạnh, cơ càng khoẻ, duy trì tư thế ngồi sẽ càng lâu.
Mặc dù tập luyện là quan trọng nhất nhưng việc chọn ghế ngồi đúng, vừa vặn cũng rất cần thiết. Ghế văn phòng không nên quá lún, tựa lưng phải vừa sát. Nếu người bệnh không thể tựa sát lưng vào lưng ghế, hãy chèn thêm 1 chiếc gối nhỏ ở sau lưng, để giúp cột sống tựa sát và thoải mái, nâng đỡ phần ưỡn của thắt lưng.
Khi ngồi nên thay đổi tư thế nhiều lần, từ thẳng lưng đến tựa ngả ra sau. Tuy nhiên, cần hạn chế cúi chồm người về trước bàn làm việc vì tư thế này tăng áp lực nhiều lên đĩa đệm.
Cách để tránh chồm người: bạn có thể kéo ghế sát vào bàn làm việc và ngả người ra sau một ít. Không nên dùng các miếng đệm công thái học cho lưng. Vì khi sử dụng các dụng cụ này, người bệnh cần được thăm khám và chọn đúng loại cho từng cá nhân, nếu không có thể phản tác dụng.
Khi ngồi làm việc, cần chú ý cách đặt chân. Chân cần chạm sàn và thư giãn thoải mái, không bắt chéo chân. Nếu chân không chạm đất, hãy sử dụng bục kê để háng gấp nhẹ lên, giúp cột sống thư giãn nhiều hơn. Luân phiên thả chân xuống rồi đặt lên bục, để thay đổi tư thế trong lúc làm việc.
Trân trọng.
Bác sĩ Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào chị,
Hiện nay, có 3 cách điều trị ngón tay cò súng, tùy theo mức độ đau, hạn chế vận động và các phương pháp người bệnh đã được điều trị trước đó.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng viêm giảm đau như NSAIDs, Paracetamol... nếu tình trạng nặng hơn thì có thể phải tiêm corticoid vào vòng gân bị viêm. Nếu các phương pháp trên không cho hiệu quả điều trị như mong đợi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Bên cạnh đó, sau khi điều trị hết đau, hết viêm bằng thuốc hoặc tiêm, người bệnh phải tránh xách nặng, hạn chế sử dụng động tác gấp ngón tay bị ảnh hưởng.
Trân trọng.
Bác sĩ Nội cơ xương khớpTrung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào chị,
Những thông tin chị cung cấp chưa đủ để bác sĩ tư vấn chính xác. Do đó, chị nên đưa bác đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp và cho các chỉ định cận lâm sàng nếu cần thiết.
Trân trọng.
Bác sĩ Ngoại Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào chị,
Thoái hoá cột sống là quá trình diễn ra bình thường của cơ thể do quá trình lão hoá. Thoái hoá cột sống thường gây ra các triệu chứng như đau nhức, mỏi xương khớp... Không thể chữa khỏi sự lão hoá cũng như thoái hoá.
Với triệu chứng đau, mỏi có thể giảm bằng cách nghỉ ngơi, tập thể dục đúng cách, có thể phối hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ở những đơn vị uy tín và được cấp phép hoạt động rõ ràng.
Hiện nay, các nghiên cứu chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng của nắn chỉnh hay xung điện. Do đó, chị nên tìm hiểu kỹ chuyên môn của cơ sở tư vấn thực hiện những kỹ thuật trên.
Trân trọng.
Bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào chú,
Viêm gân cơ khoeo ở người lớn tuổi có thể là biểu hiện của thoái hóa khớp gối hoặc căng cơ sau vận động mạnh. Thông thường, tình trạng này có thể đáp ứng tốt với điều trị nội khoa hoặc sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu tại chỗ.
Trân trọng.
Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh,
Với tình trạng đau nhiều khớp hiện tại anh nên đến chuyên khoa Nội cơ xương khớp để bác sĩ thăm khám trực tiếp, tư vấn những cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán bệnh và điều trị. Cận lâm sàng có thể bao gồm xét nghiệm máu, chụp X quang, siêu âm...
Trân trọng.
Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Thông thường trên MRI, nếu chỉ có đứt bán phần dây chằng chéo trước hoặc rách sụn chêm mức độ nhẹ, không gây kẹt khớp thì các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bảo tồn bằng thuốc và phục hồi chức năng.
Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, hoặc có triệu chứng kẹt khớp như đau dữ dội khi sinh hoạt hoặc lên xuống cầu thang, cần ngồi nghỉ hoặc co duỗi chân một lúc mới bớt đau... thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định nội soi can thiệp để khâu lại sụn chêm.
Tuy nhiên, để có phương pháp điều trị đúng đắn, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp và tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra các triệu chứng. Vì ngoài tổn thương dây chằng và sụn chêm, đau khớp gối có thể do viêm khớp dạng thấp, tăng axit uric máu, viêm hoạt mạc, u nhiễm sắc tố...
Đối với đau thắt lưng, kết quả MRI cho thấy tình trạng của bạn vẫn chưa cần phải can thiệp phẫu thuật. Bạn có thể kết hợp giữa tập phục hồi chức năng và dùng thuốc kháng viêm để giảm triệu chứng.
Trân trọng.
Bác sĩ Ngoại Cột sống Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh,
Phương pháp bơm cement thân sống dành cho những trường hợp xẹp đốt sống ở người lớn tuổi chứ không dùng để điều trị thoát vị đĩa đệm. Do đó, với tình trạng của mẹ anh, nên đưa bác đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp và có phương pháp điều trị thích hợp.
Trân trọng.
Chào em,
Có thể em đã bị tổn thương sụn chêm khớp gối. Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị thích hợp, em nên đến khám để bác sĩ kiểm tra trực tiếp và chỉ định chụp phim MRI (nếu cần thiết) nhằm xác định tổn thương nhé.
Chúc em sớm khỏe.
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn