Cơ xương khớp VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Mẹ tôi năm nay 52 tuổi, bị đau cứng gáy, vai trái nhấc lên khó khăn, 2 bên khớp háng, châm chích ở ống chân, tê râm ran các khớp ngón tay. Đi khám, bác sĩ kết luận bị đau xơ cơ. Tuy nhiên uống thuốc nhưng không khỏi. Cho tôi hỏi bệnh này có chữa được không ạ? Cám ơn bác sĩ
Quyên, 32 tuổi, Mạn Lạn, Thanh Ba, Phú Thọ
THS.BSNT Đinh Phạm Thị Thúy Vân

Chào chị,

Những thông tin chị cung cấp chưa đủ để bác sĩ tư vấn chính xác. Do đó, chị nên đưa bác đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp và cho các chỉ định cận lâm sàng nếu cần thiết.

Trân trọng.

Tôi là dân văn phòng bị thoát vị đĩa đêm L5S1 4mm đã gần một năm. Triệu chứng giảm nhiều nhưng mỗi khi đi làm ngồi lâu dù có xen kẽ 45 phút đứng dậy đi lại vẫn thấy mỏi, lâu lâu thấy tê người. Văn phòng lại không có giường để nằm nghỉ. Bác sĩ cho hỏi có bài tập hay dụng cụ hỗ ...
Hoàng, 30 tuổi, Quận 8
BS.CKI Huỳnh Hoàng Anh

Bác sĩ khoa Phục hồi chức năng - TT Chấn thương Chỉnh hình Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh

Chào bạn,

Ngồi lâu bị mỏi là hiện tượng rất thường gặp, đặc biệt khi cơ đã yếu không đủ sức hỗ trợ đỡ xương khớp trong thời gian dài. Do đó, bạn nên đến các phòng khám phục hồi chức năng để bác sĩ cho chỉ định tập luyện cơ vùng cột sống khoẻ lên, giúp duy trì được tư thế ngồi lâu hơn. Các bài tập sẽ tăng mức độ khó dần lên, khi đề kháng càng mạnh, cơ càng khoẻ, duy trì tư thế ngồi sẽ càng lâu.

Mặc dù tập luyện là quan trọng nhất nhưng việc chọn ghế ngồi đúng, vừa vặn cũng rất cần thiết. Ghế văn phòng không nên quá lún, tựa lưng phải vừa sát. Nếu người bệnh không thể tựa sát lưng vào lưng ghế, hãy chèn thêm 1 chiếc gối nhỏ ở sau lưng, để giúp cột sống tựa sát và thoải mái, nâng đỡ phần ưỡn của thắt lưng.

Khi ngồi nên thay đổi tư thế nhiều lần, từ thẳng lưng đến tựa ngả ra sau. Tuy nhiên, cần hạn chế cúi chồm người về trước bàn làm việc vì tư thế này tăng áp lực nhiều lên đĩa đệm.

Cách để tránh chồm người: bạn có thể kéo ghế sát vào bàn làm việc và ngả người ra sau một ít. Không nên dùng các miếng đệm công thái học cho lưng. Vì khi sử dụng các dụng cụ này, người bệnh cần được thăm khám và chọn đúng loại cho từng cá nhân, nếu không có thể phản tác dụng.

Khi ngồi làm việc, cần chú ý cách đặt chân. Chân cần chạm sàn và thư giãn thoải mái, không bắt chéo chân. Nếu chân không chạm đất, hãy sử dụng bục kê để háng gấp nhẹ lên, giúp cột sống thư giãn nhiều hơn. Luân phiên thả chân xuống rồi đặt lên bục, để thay đổi tư thế trong lúc làm việc.

Trân trọng.

Bị thoái hóa đốt sống cổ có thể chữa khỏi bằng nắn chỉnh, xung điện khắc phục đĩa đệm bị chèn ép không? Tôi thấy trên mạng có quảng cáo trị bằng phương pháp nắn chỉnh xương, không biết có đúng không? Nếu không đúng thì tôi phải điều trị như thế nào? Mong được bác sĩ tư vấn.
phunghoanganh67, 55 tuổi, 505 Minh Phụng P10Q11
ThS.BS Vũ Đức Thắng

Bác sĩ Ngoại thần kinh cột sống - TT Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Thoái hoá cột sống là quá trình diễn ra bình thường của cơ thể do quá trình lão hoá. Thoái hoá cột sống thường gây ra các triệu chứng như đau nhức, mỏi xương khớp... Không thể chữa khỏi sự lão hoá cũng như thoái hoá.

Với triệu chứng đau, mỏi có thể giảm bằng cách nghỉ ngơi, tập thể dục đúng cách, có thể phối hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ở những đơn vị uy tín và được cấp phép hoạt động rõ ràng.

Hiện nay, các nghiên cứu chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng của nắn chỉnh hay xung điện. Do đó, chị nên tìm hiểu kỹ chuyên môn của cơ sở tư vấn thực hiện những kỹ thuật trên.

Trân trọng.

Chào bác sĩ Tôi năm nay 41 tuổi. Hồi còn đi học cấp 2, cấp 3 thì tôi làm việc nặng thường xuyên vì ở nông thôn. Còn bây giờ, vẫn làm việc nhưng rất ít khi làm nặng. Mấy năm trở lại đây, tôi hay bị đau các khớp như khớp đầu gối, lưng, cổ, bả vai, khuỷu tay và cổ tay, cổ chân... ...
Nguyễn Văn Hùng, 41 tuổi, Phú Quốc- Kiên Giang
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư

Chào anh,

Với tình trạng đau nhiều khớp hiện tại anh nên đến chuyên khoa Nội cơ xương khớp để bác sĩ thăm khám trực tiếp, tư vấn những cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán bệnh và điều trị. Cận lâm sàng có thể bao gồm xét nghiệm máu, chụp X quang, siêu âm...

Trân trọng.

Con trai tôi năm nay 4 tuổi, bị chân chữ X. Bên chân trái bị xoay ra ngoài và 2 chân có độ dài không đều. Xin bác sĩ tư vấn ngoài việc thực hiện vật lý trị liệu thì có thể dùng phương pháp nào để cải thiện tình trạng này cho con tôi?
Lương Thị Anh Đào, 36 tuổi, Long Biên, Hà Nội
BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh

Chào chị,

4 tuổi là thời điểm hệ xương còn trong giai đoạn phát triển, do đó, nếu có bất thường về cấu trúc xương ở 2 chân, cần cho trẻ đi khám và chụp Xquang kiểm tra định kỳ. Ngoài tập vận động trị liệu đúng đắn, trẻ cần thêm dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ như miếng độn giày để cân bằng 2 chân. Nếu chân chữ X mức độ quá nặng cũng có thể phải mang nẹp.

Chị nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa về phục hồi chức năng và chấn thương chỉnh hình. Khi đi khám, nên mang theo các hồ sơ y tế và phim chụp trước đây của trẻ để bác sĩ theo dõi.

Trân trọng.

Tôi bị thoái hóa khớp háng độ 2. Tôi có thấy quảng cáo một số phương pháp như kim siêu vi và sóng cao tần, phương pháp tế bào gốc... Xin hỏi bác sĩ phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất hiện nay để không phải thay khớp háng về sau này không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Lê Hồng Bình, 47 tuổi, Bình Dương
THS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Chỉ định phẫu thuật khi bị thoái hóa khớp háng không phụ thuộc hoàn toàn vào phim Xquang, bất kể kết quả Xquang cho thấy thoái hóa độ 1, độ 2 hay độ 3.

Nếu anh không đau nhiều, không giới hạn sinh hoạt và vận động, vẫn có thể điều trị bảo tồn. Phác đồ điều trị bao gồm: dùng thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống, giảm cân... Khi sử dụng các phương pháp điều trị này, nếu anh cảm thấy không còn đau nhiều, tầm vận động không bị hạn chế nhiều thì không cần phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, nếu đã kết hợp dùng thuốc, vật lý trị liệu... nhưng vẫn đau nhiều, giới hạn hoạt động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, sẽ được can thiệp phẫu thuật.

Trân trọng.

Theo bác sĩ chia sẻ, việc tiêm chất tạo nhờn vào khớp gối có hiệu quả kéo dài từ 6 tháng-1 năm. Tức là cứ sau 6 tháng - 1 năm sẽ phải tiêm lại. Nếu vì lý do nào đó, người bệnh không muốn tiêm nữa, ngoài chuyện đau khớp gối, có dẫn đến hệ quả nào không?
Ngoccanh, 46 tuổi, Lê Thành, Bình Tân
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư

Chào chị,

Chất nhờn tiêm khớp có thành phần chính là axit hyaluronic, được nghiên cứu và chế tạo giống như dịch nhờn do màng hoạt dịch khớp gối tiết ra. Tiêm chất nhờn khớp gối có tác dụng làm chất đệm, bôi trơn giúp giảm sự cọ xát các bề mặt sụn khớp với nhau, có tác dụng sinh học kích thích tế bào màng hoạt dịch khớp tiết chất nhờn nội sinh.

Với các chế phẩm tiêm chất nhờn hiện nay, hiệu quả có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, đến khi đó hiệu quả của thuốc sẽ không còn. Nên bác sĩ khuyên người bệnh nên tiêm lại định kỳ để duy trì tác dụng bảo vệ khớp gối.

Nếu như vì lí do gì đó, người bệnh không muốn tiêm chất nhờn nữa thì những hiệu quả bảo vệ sẽ không còn, khớp gối của người bệnh vẫn tiếp tục thoái hóa theo diễn tiến của bệnh.

Trân trọng.

Chào bác sĩ Em chơi đá bóng, lúc sút thì đầu gối nghe 1 tiếng cụp sau đó bị sưng đi lại khó. Em đã chụp X-Quang và bác sĩ nói không sao và cho thuốc uống. Sau 10 ngày đầu gối em đã hết đau. Tuy nhiên vẫn còn hơi sưng nhẹ và đơ cứng nhẹ, đi lại bình thường nhưng duỗi chân thẳng ...
kegiaumat, 26 tuổi, Thành phố Cao lãnh
THS.BS Trần Anh Vũ

Chào em,

Có thể em đã bị tổn thương sụn chêm khớp gối. Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị thích hợp, em nên đến khám để bác sĩ kiểm tra trực tiếp và chỉ định chụp phim MRI (nếu cần thiết) nhằm xác định tổn thương nhé.

Chúc em sớm khỏe.

Tôi bị trượt đốt sống L4-L5 về trước, mất vững cột sống cách đây cũng lâu, phát hiện từ năm 2010. Hiện nay, mọi chức năng thì cũng chưa thực sự ảnh hưởng nhiều lắm, chủ yếu kiêng khem. Hiện tôi muốn tham khảo vấn đề mổ nhưng không biết có những ảnh hưởng hay sự cố sau mổ không? Xin cám ơn.
Ngọc Thiện, 48 tuổi, Đà Nẵng
BS.CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh

Bác sĩ Ngoại thần kinh cột sống - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống, mất vững cột sống có tỷ lệ thành công 90-95%. Người bệnh có thể bắt đầu tập đi lại sau mổ 2 ngày. Sau mổ, nằm viện khoảng 01 tuân. Mỗi 3 tháng đánh giá lại kết quả phục hồi bằng X-quang.

Các biến chứng có thể xảy ra như: chảy máu, nhiễm trùng (1%), tổn thương thần kinh mạch máu gây yếu chi (3%), biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim) tuỳ bệnh lý nền mà từ 0,6%-10%.

Trân trọng.

Mẹ mình đã 92 tuổi. Dọn dẹp nhiều thì bị đau sau mông trái, có đi khám và bác sĩ cho chụp MRI, chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chèn tủy 4mm nên bị đau thần kinh tọa. Mẹ mình loãng xương nhẹ nên bác sĩ nói không có giải pháp mổ điều trị, đành phải sống chung với bệnh. Hàng ngày mẹ có cố ...
Mạch Thế Minh, 54 tuổi, 468/17 phạm văn chí phường 8 quận 6 tphcm
BS.CKI Đào Phạm Thái Sơn

Chào anh,

Phương pháp bơm cement thân sống dành cho những trường hợp xẹp đốt sống ở người lớn tuổi chứ không dùng để điều trị thoát vị đĩa đệm. Do đó, với tình trạng của mẹ anh, nên đưa bác đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp và có phương pháp điều trị thích hợp.

Trân trọng.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn