Cơ xương khớp VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Tôi bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh ở đốt sống L4 L5, đau dọc hông và toàn bộ chân trái, tê bì bắp chân phải. Xin hỏi bác sĩ phác đồ điều trị ạ. Trân trọng

Đặng Đình Thành, 63 tuổi, 304 lô N Thanh đa P 27 Bình Thạnh Tp HCM
BS.CKI Kim Thành Tri

Dạ chào bác,

Trường hợp bác được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm L4 L5, có đau lan từ mông xuống hai chân, chứng tỏ có chèn ép rễ thần kinh, còn chèn ép mức độ nào thì cần khám bác sĩ đánh giá lại. Không phải bất cứ trường hợp thoát vị đĩa đệm nào cũng đều phải can thiệp phẫu thuật. Tỷ lệ phẫu thuật trong thoát vị đĩa đệm chỉ chiếm 10% trong tổng số ca thoát vị. Trường hợp của bác nên đi khám lại bác sĩ chuyên khoa cột sống để đánh giá mức độ thoát vị và cho phác đồ điều trị cụ thể. Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là địa chỉ bác có thể tham khảo.

Trân trọng.

Bác sĩ ơi, mẹ cháu bị vấn đề về xương khớp do rất nhiều nguyên nhân. Hiện tại đang dùng thuốc bắc và thuốc giảm đau nhưng không bớt. Bệnh của mẹ cháu nặng quá rồi bác sĩ còn cách nào chữa trị cho mẹ cháu được không ạ? Cám ơn bác sĩ

Thanh Nguyên, 24 tuổi, Gia Lai
THS.BSNT Đinh Phạm Thị Thúy Vân

Chào bạn,

Với những thông tin bạn cung cấp, bác sĩ vẫn chưa biết bạn đang đề cập đến khớp nào. Đau khớp có rất nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có những triệu chứng, bệnh và phương pháp điều trị khác nhau. Do đó, bạn nên đưa mẹ đến khám tại cơ sở y tế có khoa cơ xương khớp để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và có hướng điều trị phù hợp nhé.

Chúc sức khỏe bạn và mẹ.

Xin chào bác sỹ, tôi xin hỏi bác sỹ về triệu chứng của tôi như sau: Cứ về buổi tối từ khoảng 22 giờ đến 24 giờ là tôi bị tê buồn, rất khó chịu ở khớp cổ chân + đầu gối và khớp cổ tay. Việc này đã diễn ra khoảng hơn 2 năm nay. Như vậy biểu hiện này của tôi là bệnh ...

Trịnh Duy Minh, 50 tuổi, Hà Nội
THS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú

Chào anh,

Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng giống như mô tả của anh, đặc biệt về đêm. Một trong những nguyên nhân có thể gặp là suy van tĩnh mạch chi dưới hoặc hội chứng chân không yên. Tuy nhiên, anh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và cho thực hiện các thủ tục cận lâm sàng cần thiết, từ đó, xác định chính xác đây là bệnh lý gì và có hướng điều trị thích hợp.

Trân trọng

Khoảng 3 ngày nay, khi mình đặt gót chân trái xuống đất thì rất đau, cố đi lại vài bước thì cơn đau giảm và dần đi lại được. Như vậy là bị bệnh gì và điều trị thế nào? Xin bác sĩ tư vấn

Bùi mạnh Tường, 69 tuổi, 2 ngách 358/25 bùi xương trạch thanh xuân hà nội
THS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào chú,

Đau vùng gót chân, đặc biệt là khi vừa ngủ dậy bước chân xuống giường là dấu hiệu điển hình của viêm gân gan chân (còn gọi là gai gót chân). Để được chẩn đoán chính xác, chú nên đến Bệnh viện Tâm Anh để các bác sĩ siêu âm hoặc X quang gót chân. Đối với viêm gân gan chân, các phương pháp điều trị bao gồm thuốc, vật lý trị liệu, hướng dẫn động tác tập, mà không cần phẫu thuật.

Vài thông tin đến chú.
Trân trọng

Tay phải tôi thường bị đau nhức vào ban đêm, từ cùi chỏ xuống cổ tay (má ngoài); đã đi chụp hình nhưng bác sĩ nói không bị viêm xương khớp. Ban ngày vận động ít thấy đau, đau nhiều về đêm. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp đây là bệnh gì? Cám ơn bác sĩ

Lưu Việt Hồng, 50 tuổi, Kp Minh Long, TT Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
THS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú

Chào anh,

Các triệu chứng mà anh mô tả có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh nguyên nhân đau do xương khớp, còn có thể do da mô mềm và đặc biệt là viêm gân. Một trong những bệnh lý có thể gây đau tương tự như mô tả của anh là viêm gân vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay. Để xác định chính xác tình trạng bệnh và có hướng điều trị thích hợp, anh nên đến Bệnh viện Tâm Anh để các bác sĩ thăm khám.

Trân trọng.

Tôi thường đau phía sau vùng cổ, lan lên sau ót, rồi lên đầu, nhiều khi đau đầu rất nhiều, không chóng mặt hay buồn nôn, có khi đau lan ra 2 bên thái dương. Xin hỏi bác sĩ đây là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Có trị được không? Cám ơn bác sĩ.

Nguyễn Phúc Hậu, 40 tuổi, C12/14A Ấp 5 Xã Bình Hưng , Huyện Bình Chánh
BS.CKI Trần Xuân Anh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào anh,

Triệu chứng của anh không điển hình cho bệnh gì. Do đó, anh nên đến phòng khám Nội thần kinh, phòng khám cột sống Bệnh viện Tâm Anh để các bác sĩ thăm khám, nhằm tìm ra triệu chứng và dấu chứng bệnh, tầm soát loại trừ những mặt bệnh của sọ não và cột sống cổ.
Trân trọng

Chào bác sĩ. Tôi bị tai nạn gãy xương chày mác cá chân, đã điều trị được 3 tháng. Tuy nhiên, khi đi bằng nạng hoặc ngồi lâu sẽ bị tê. Xin hỏi bác sĩ là tại sao? Điều trị như thế nào? Tôi đang dùng Omexxel Calk2 thì có được không và nên dùng trong bao lâu? Mong được giải đáp, cám ơn bác sĩ

...
Nguyển thi Hồng, 57 tuổi, Xả Mỷ trà .tp cao lảnh
THS.BS.CKI Mai Hoàng Dương

Chào chị

Với trường hợp gãy xương mắt cá đã được 3 tháng như chị mô tả

- Nếu chị đã được điều trị phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít, thì khả năng xương của chị đã được sắp xếp về vị trí giải phẫu ban đầu và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng theo từng giai đoạn. Nay chị nên tái khám và chụp phim để bác sĩ chấn thương chỉnh hình kiểm tra sự liền xương, đánh giá chức năng vận động và có kế hoạch điều trị sắp tới.

- Nếu chị được điều trị bảo tồn bằng bó bột, thì sau bó bột khoảng 1 tháng, chị được chỉ định tháo bột và kiểm tra xương bằng phim Xquang, và bác sĩ sẽ cho chị một chế độ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng phù hợp.

Về vấn đề tê chân, cần xác định là tê có lan từ trên thắt lưng xuống hay tê tại cổ chân, có sưng nề cổ chân hay không... Do đó, chị nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám 1 cách kỹ lưỡng. Nếu chị bị tê từ trên thắt lưng xuống, có khả năng chị bị bệnh lý cột sống thắt lưng, ít liên quan đến tình trạng gãy xương cổ chân. Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra chụp phim cột sống thắt lưng và đo điện cơ đồ chi dưới để khảo sát. Nếu tê chân tại chỗ ở cổ chân, bác sĩ cần siêu âm tại chỗ và siêu âm mạch máu để đánh giá có phù nề tại chỗ và suy giãn tĩnh mạch hay không...

Omexxel Calk2 là thuốc bổ sung Calci, vitamin D3, vitamin K2 cho cơ thể, giúp xương, răng chắc khoẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ loãng xương. Thành phần trong mỗi viên có 500mg Calcium, 150mg Omega3, 200UI Vitamin D, 50mcg Vitamin K2.

Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ nhu cầu Canxi độ tuổi của chị là 1.200mg/ngày. Và chị nên gặp bác sĩ để được tư vấn và đo mật độ xương để có liệu trình điều trị thích hợp, đề phòng loãng xương.

Vài thông tin đến chị
Trân trọng

Mỗi sáng tôi thường bơi 45 phút với khoảng 1,500m. Trước khi bơi, tôi có thực hiện các động tác vận động đến tất cả hệ thống xương khớp khoảng 15 phút. Hiện sức khỏe tôi bình thường. Bác sĩ cho tôi hỏi, tập luyện như thế có quá sức không mặc dù tôi thực hiện mỗi ngày một cách bình thường. Tôi năm nay 58 ...

Nguyễn Kỳ Phong, 58 tuổi, 130 Hồng Hà Phường 9 Quận Phú Nhuận
THS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Chào anh,

Việc tuân thủ nguyên tắc khởi động trước khi chơi thể thao của anh là một ý thức rất tốt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian vận động phù hợp với lứa tuổi trung niên là khoảng 30-60 phút/ ngày. Do đó, thời gian vận động của anh là đạt chuẩn. Mặt khác, bơi lội là môn thể thao toàn diện rất phù hợp cho người trung niên và cao tuổi. Anh hoàn toàn có thể duy trì phong độ như vậy.

Chúc anh luôn mạnh khỏe.

Bác sĩ cho tôi hỏi, thoái hoá khớp có phục hồi được không? Phương pháp thực hiện như thế nào? Cám ơn bác sĩ.

Nguyễn ngọc Sơn, 67 tuổi, Vinhomes grand park q9 tp Thủ Đức tp HCM
THS.BSNT Đinh Phạm Thị Thúy Vân

Chào chú,

Thứ nhất, thoái hoá khớp gối là tình trạng hao mòn sụn khớp, tiến triển theo thời gian và cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn (trừ giai đoạn nặng, có chỉ định thay khớp gối)

Thứ 2, các phương pháp điều trị thoái hoá khớp gối sẽ tùy vào giai đoạn. Bao gồm: giảm đau với các loại thuốc giảm đau, kháng viêm,... và làm chậm quá trình thoái hoá (nhóm Sysadoa như Diacerein, Glucosamin,... hoặc tiêm Hyaluronic acid nội khớp,...). Nếu thoái hoá khớp gối nặng, triệu chứng không đáp ứng với thuốc thì sẽ có chỉ định thay khớp gối.

Trân trọng.

Tôi muốn tập đi bộ lên xuống cầu thang bộ. Hiện tôi chưa có bệnh lý gì. Việc này có ảnh hưởng đến xương khớp sau này không?
Nguyễn Đức Tuấn, 52 tuổi, 23 Lê Thánh Tông - HN
THS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Chào anh,

Đầu tiên, ở độ tuổi 52, ít nhiều sức chịu đựng của hệ cơ xương khớp không còn như lúc trẻ. Nếu đi bộ lên xuống cầu thang trong thời gian hơn 30 phút thì có thể gây áp lực rất lớn cho khớp gối, lâu ngày gây mòn và hư khớp, chưa kể là bước đi sai.

Lời khuyên dành cho anh là nên thực hiện tập luyện với khối lượng vừa phải, dưới 15 phút và phối hợp với các loại hình vận động khác để cải thiện sức cơ toàn thân thì tốt hơn rất nhiều.

Chúc anh luôn vui khỏe.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn