Thứ hai, 25/2/2019, 01:00 (GMT+7)

Võ sư Việt thành danh nhờ sự dìu dắt của thầy giáo Triều Tiên

Do đau ốm, sụt cân, ông Minh xin về nước, nhưng thầy Cho Jong Nam cương quyết "nếu em không được đai đen, bằng đỏ tôi xin trả thẻ Đảng".

75 tuổi, võ sư Lê Ngọc Minh, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Vật châu Á, nguyên trưởng bộ môn võ thuật Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam vẫn giữ được sự cường tráng, giọng nói hào sảng. Theo dõi sát thông tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông mong muốn cho Triều Tiên, đất nước gắn với rất nhiều kỷ niệm thời trai trẻ của ông, được hòa bình và phát triển.

53 năm trước, khi đang học dự bị đại học ở Đại học Thể dục Thể thao Trung ương, với thành tích xuất sắc, chàng trai quê Phú Thọ được chọn đi học Đại học Thể dục Thể thao ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Sau một tháng học chính trị, tháng 1/1967, ông cùng đoàn lưu học sinh Việt Nam lên đường. 

Vượt qua kỳ sát hạch tiếng Triều Tiên, ông được chuyển đến Đại học võ bị Bình Nhưỡng, học các môn võ thuật karate, taekwondo, quyền Anh, vật, đặc biệt chuyên sâu môn judo. Năm đầu tiên, ông được giáo viên hướng dẫn tập động tác bổ trợ để nâng cao thể lực và các thế tấn, thế ngã cơ bản; chạy hàng chục km ngoài trời lạnh, tập chạy lên và xuống núi 5-10 km.

Đối với nội dung chạy lên núi, sinh viên không được đi bộ, mệt không chạy được thì thầy cho người dìu lên núi chứ không cho nghỉ. Đối với ông Minh, tập ngã là môn khó chịu nhất vì phải ngã bên trái, ngã bên phải, ngã ngửa, ngã sấp mặt, ngã thực sự để chịu đau chứ không phải ngã gượng. Nếu sinh viên không ngã, giáo viên sẽ có những động tác để họ bị bất ngờ ngã, đau như trời giáng. 

Võ sư Lê Ngọc Minh chia sẻ với VnExpress quãng thời gian học ở Triều Tiên. Ảnh: Gia Chính

Võ sư Lê Ngọc Minh chia sẻ với VnExpress quãng thời gian học ở Triều Tiên. Ảnh: Gia Chính

Học xen kẽ lý thuyết và thực hành, tập luyện chấn thương nhiều, rất mệt và buồn ngủ, nhưng ông Minh vẫn phải thức đêm ôn bài. Muốn trở thành thầy, ông phải học lý luận học thể thao, sinh lý học, cơ học, giáo dục học, tâm lý học... để biết mạch đập như thế nào, các bài tập nên sắp xếp ra sao. Sách chuyên ngành có nhiều từ mới nên lúc nào ông cũng phải căng thẳng suy nghĩ, cơm không ăn được, sút cân liên tục.

Hoang mang, yếu đuối vì đau ốm, sau vài tháng trăn trở suy nghĩ, ông xin về nước. Đại sứ quán Việt Nam cử người lên trường hỏi rõ nguyên nhân. Trong cuộc gặp giữa đại diện Đại sứ quán, Hiệu trưởng nhà trường, thầy dạy võ, và ông Minh, khi được hỏi về quá trình học tập, võ sư Cho Jong Nam rút thẻ đảng để lên mặt bàn nói: "Lê Ngọc Minh rất có năng khiếu, rất thông minh nhanh nhẹn. Nếu anh ta không được bằng đỏ, đai đen thì tôi xin trả thẻ đảng".

Trước lời nói chắc nịch của thầy giáo, ông Đại sứ nhìn hiệu trưởng, hiệu trưởng nhìn sinh viên, tất cả cùng lặng đi vài phút rồi chia tay nhau về. Trong cuộc gặp sau đó, Đại sứ động viên ông Minh: "Phải quyết tâm học vì đây là nhiệm vụ, dù có mệt, có ốm cũng phải cố gắng". 

Bạn bè trong nước gửi thư động viên, nói công an đang rất cần người học võ ở Triều Tiên về dạy. Tất cả làm ông Minh tĩnh trí, tiếp tục theo học với quyết tâm cao hơn. Các môn học vẫn có lượng vận động lớn, đi vào chiều sâu, nhưng tư tưởng đã vững vàng nên ông dần ăn uống được, tăng cân trở lại.

Lê Ngọc Minh (giữa) trong thời gian học võ thuật ở Triều Tiên. Ảnh: NVCC

Ông Lê Ngọc Minh (giữa) trong thời gian học võ thuật ở Triều Tiên. Ảnh: NVCC

Ở môn karate, ông Minh phải tập các thế tấn trước, sau, trung bình tấn, tấn mọc rễ, tấn bán nguyệt, miêu tấn, tấn đồng hồ cát; các thế đấm chọc thẳng, đấm phản công, đấm tạt, đánh xỉa... Mỗi thế đều được thầy Cho Jong Nam thị phạm, uốn nắn từng chi tiết. Khi ông làm tốt, thầy giơ ngón tay cái khen tốt.

Ở môn judo, việc tập luyện còn yêu cầu cao hơn với các miếng đánh chân, đánh hông, vai, tay, tự ngã; các thế bất động, chẹn cổ, khóa tay, khóa chân, khóa cổ. Trong mỗi thế lại có hàng chục cách nên phải tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực mới tiếp thu được. Lớp học được chia thành tổ nhóm, quần nhau suốt buổi học dưới sự giám sát của thầy nên Minh cùng các bạn tiến bộ rất nhanh.

Đến năm thứ ba, lớp ông đi thực tế ở các câu lạc bộ võ thuật quân đội, công an, trung tâm huấn luyện và tham gia thi đấu nâng cao. Trận giao đấu trực tiếp đầu tiên ông gặp một võ sĩ công an trẻ. Thầy Cho Jong Nam nhắc cả hai phải thi đấu thực sự, nhưng vừa vào thế đứng tấn, mới kịp định thần để chuẩn bị thế đánh thì ông bị đối thủ dùng miếng đánh vai, nhấc bổng lên rồi ném xuống đất.

Được thầy Cho phân tích là vào cuộc chậm, chưa sử dụng đúng thế đỡ, ông chuẩn bị kỹ thế này để gặp bạn khác vào ngày mai. Nhưng trong trận đấu ấy, đối thủ lại không dùng miếng đánh vai mà xoay người dùng miếng đánh hông thuần thục, dễ dàng quật ngã ông. Rút kinh nghiệm, ông chuẩn bị phương án đối phó với tất cả thế, từ từ chống trả có hiệu quả và có trận chiến thắng. 

Khi viết luận văn tốt nghiệp, ông Minh chọn nghiên cứu và đi sâu vào một đòn trong võ judo. Ngoài tìm hiểu về lịch sử, ông còn phân tích kỹ lý lịch, giải phẫu học về cơ, bắp tay, miếng đánh, liên hệ với tầm vóc của người Việt và đưa ra nhận định: miếng võ rất phù hợp với người Việt có tầm vóc trung bình. Thầy Cho tiếp tục hướng dẫn, giúp ông chỉnh sửa luận văn.

"Hôm tôi bảo vệ có đại diện nhà trường, khoa, câu lạc bộ mà tôi thực tập. Tôi trình bày rõ ràng luận văn, trả lời súc tích các câu hỏi phản biện và được ban giám khảo cho điểm 10. Được cấp bằng đỏ, lên đẳng võ sư đai đen, tôi đã ôm lấy thầy Cho Jong Nam, cảm ơn thầy vì giúp tôi thành công. Chính thầy đã thay đổi cả cuộc đời của tôi", võ sư Lê Ngọc Minh nói.

Trở về nước cuối năm 1972, ông Minh làm giáo viên khoa võ thuật, Đại học Thể dục thể thao trung ương. Đến năm 1978, ông nhận nhiệm vụ trưởng bộ môn Võ thuật của Tổng cục Thể dục thể thao. Ngoài viết giáo trình, ông huấn luyện các đội tuyển, tổ chức giải đấu. Năm 1980, ông là thành viên dẫn đoàn thể thao Việt Nam dự Thế vận hội mùa hè lần thứ 23 ở Liên Xô. 

Võ sư Lê Ngọc Minh (đứng, thứ 5 từ trái qua) huấn luyện võ thuật chiến đấu cho các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tại Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Võ sư Lê Ngọc Minh (đứng thứ năm từ trái qua) huấn luyện võ thuật chiến đấu cho các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tại Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: NVCC

20 năm sau khi rời Triều Tiên, năm 1992 ông Minh có dịp quay trở lại khi được phân công làm trưởng đoàn võ thuật dẫn đội tuyển Teakwondo dự giải vô địch thế giới ở Bình Nhưỡng. Khác với lần đầu tiên đến năm 1967, khi Bình Nhưỡng phát triển, công nghiệp hóa mạnh mẽ, thì lần này nạn đói làm các vùng nông thôn hoang tàn. Cửa hàng bách hóa ở Bình Nhưỡng ảm đạm, chỉ có vài món đồ.

"Trước kia khu vực Sứ quán đông người qua lại thì lúc này bị cấm từ xa. Tôi đến ký túc xá nơi mình từng ở, thấy nhà đã cũ và xuống cấp. Người dân không còn vui vẻ như trước mà trông kham khổ, áo quần cũ kỹ", ông Minh kể và cho biết đã cố gắng tìm gặp, tri ân thầy giáo Cho Jong Nam nhưng không được. 

Trở về, ông Minh và nhóm lưu học sinh ở Việt Nam từng học tại Triều Tiên tổ chức quyên góp gạo gửi tặng cho người dân nước bạn. Ngoài phát triển võ thuật nước nhà, ông tích cực tham gia các hoạt động thể thao của khu vực, thế giới, làm trọng tài quốc tế. Năm 1998, ông được Đại hội Liên đoàn vật tự do Đông Nam Á bầu là Tổng thư ký và đến năm 2004 là Phó chủ tịch Liên đoàn.

Tháng 10/2009, sau gần 40 năm làm nhiệm vụ quốc gia và quốc tế về thể thao, võ sư Minh nghỉ hưu. Hành trang ông về với gia đình là hàng loạt huân, huy chương, như huy chương kháng chiến hạng 2, huân chương lao động hạng 3, huy chương vì sự nghiệp thể dục thể thao, huy chương hữu nghị Uzbekistan, huy chương "vì giải phóng phụ nữ" vì đã có công đưa môn vật nữ vào hệ thống thi đấu trong các Đại hội thể thao Đông Nam Á...

Hoàng Thùy

 

Chia sẻ bài viết qua email