Thứ hai, 4/3/2019, 11:31 (GMT+7)

Chính sách 'ngoại giao một mình' của Trump khi họp thượng đỉnh với Kim Jong-un

Trump tin rằng quan hệ cá nhân tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên sẽ giúp khỏa lấp bất đồng, nhưng kết quả không như ông kỳ vọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. Ảnh: AFP.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra ở Việt Nam, các cơ quan tình báo Mỹ đã công khai cảnh báo Tổng thống Donald Trump rằng Chủ tịch Triều Tiên sẽ không sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần tuyên bố tiến trình phi hạt nhân hóa phải được thực hiện theo từng bước và đồng bộ giữa các bên.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo đều cho rằng cơ hội để đạt được một "thỏa thuận lớn" trong hội nghị này gần như bằng không. Một số người đặt câu hỏi liệu cuộc gặp có nên được tiến hành như kế hoạch hay không.

Nhưng Trump bỏ ngoài tai tất cả. Ông khoe với mọi người những "bức thư đẹp đẽ" của Chủ tịch Kim Jong-un để minh chứng cho mối quan hệ "tuyệt vời" giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên. Trump gọi báo cáo của các cơ quan tình báo là "dối trá" và nhấn mạnh rằng ông và Chủ tịch Kim "yêu mến nhau".

Một quan chức Mỹ mô tả rằng đây là một phần trong chính sách "ngoại giao cá nhân" của Tổng thống Trump, người luôn tin rằng mình là một "bậc thầy đàm phán" có thể giải quyết được mọi việc và sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên, điều mà các đời tổng thống trước của Mỹ không làm được, theo NYTimes.

Tuy nhiên, Doyle McManus, bình luận viên của Los Angeles Times, cho rằng quan hệ "yêu mến" kiểu cá nhân này sẽ gặp trắc trở trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là khi nó có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trên bàn đàm phán ở Hà Nội, khi đề cập đến những vấn đề hệ trọng của cả hai quốc gia, mối quan hệ cá nhân và "tình yêu mến" giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Kim dường như không còn quan trọng, nhường chỗ cho những tính toán, đòi hỏi lợi ích cân não.

Đó là lúc hy vọng của Trump về việc thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và đóng cửa các cơ sở hạt nhân trở nên xa vời. Sau nhiều tuần đàm phán ở các cấp thấp hơn và bữa tối được mô tả là "rất tuyệt vời" tại khách sạn Metropole hôm 27/2, hai bên nhận ra rằng họ vẫn còn bất đồng rất lớn với cả những vấn đề cơ bản nhất.

Sau cuộc đàm phán song phương kéo dài tới trưa 28/2, hai lãnh đạo nhanh chóng rời đi mà không cùng ăn trưa và không ký vào bản dự thảo tuyên bố chung đã soạn sẵn. Tại cuộc họp báo ngay sau đó, Trump giải thích rằng đàm phán không đạt kết quả vì phía Triều Tiên đòi Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi họ phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyong. Ngoại trưởng Triều Tiên vài giờ sau cũng tổ chức họp báo và bác bỏ tuyên bố của Trump, cho rằng Triều Tiên chỉ yêu cầu được dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Những phát ngôn trái ngược giữa Trump và Ngoại trưởng Triều Tiên
 
 

Phát ngôn trái ngược giữa Trump và Ngoại trưởng Triều Tiên về hội nghị thượng đỉnh.

Tuy nhiên, các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng khác, không chỉ liên quan đến lệnh cấm vận, trong đó có quan điểm khác nhau về cách thức đóng cửa các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc trao đổi ở cấp cao nhất giữa Trump và Kim vẫn không thể trả lời được câu hỏi lớn nhất: Tiến trình phi hạt nhân hóa chỉ áp dụng đối với riêng Triều Tiên, hay cần được thi hành với cả các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Theo McManus, thông thường với những cuộc đàm phán quan trọng như vậy, các lãnh đạo thường xích lại gần nhau hơn sau một loạt vòng thương lượng ở cấp thấp, nơi các nhà ngoại giao đã thương thảo và thống nhất những chi tiết quan trọng nhất của thỏa thuận, hay ít nhất là một khung thỏa thuận. Nhưng điều này dường như không tồn tại trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, nơi những vấn đề phức tạp nhất lại được các quan chức đàm phán hai bên để lại cho hai lãnh đạo quyết định với nhau.

Trudy Rubin, bình luận viên về chính trị quốc tế của tờ Philadelphia Inquirer, cho rằng dù rất muốn đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, Trump khó có thể chấp nhận điều kiện của Bình Nhưỡng về việc dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận để đổi lấy việc phá dỡ tổ hợp Yongbyong. Thỏa thuận đó không đề cập gì đến kho vũ khí hạt nhân, tên lửa và các cơ sở vũ khí khác mà tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn đang che giấu.

Nếu chấp nhận một thỏa thuận như vậy, Mỹ sẽ gần như đánh mất những vũ khí lợi hại nhất của mình, đó là các lệnh cấm vận kinh tế trong chiến dịch "gây sức ép tối đa" nhằm buộc Triều Tiên nhượng bộ. "Khoảng cách giữa Trump và Kim lúc đó còn xa hơn quãng đường gần 11.000 km từ Washington tới Bình Nhưỡng", Rubin so sánh.

Các chuyên gia phân tích nhận định bất đồng lớn như vậy giữa Mỹ và Triều Tiên ngay trong vòng đàm phán cuối cùng ở cấp cao nhất xuất phát từ niềm tin sâu sắc của Trump vào hiệu quả của chính sách "ngoại giao cá nhân" của mình, rằng mối quan hệ với Chủ tịch Kim và năng lực đàm phán của ông có thể khiến lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận nhượng bộ. Dù được các quan chức tình báo nhiều lần cảnh báo về quyết tâm của Kim Jong-un trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Trump vẫn tin rằng ông có thể thuyết phục được lãnh đạo Triều Tiên thay đổi quan điểm.

"Đây là một tiến trình ngoại giao độc nhất vô nhị bởi quan điểm của Trump cũng như quy trình ra quyết định ở cấp cao nhất của Triều Tiên", Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận xét. "Phía Triều Tiên hy vọng  rằng họ sẽ trao đổi trực tiếp với người có quyền quyết định cao nhất của Mỹ và thu được những gì mình muốn từ Trump".

Trong cuộc phỏng vấn với WSJ hôm 2/3, cựu giám đốc CIA David Petraeus cho rằng Tổng thống Trump tới Hà Nội với suy nghĩ rằng ông có thể làm được điều mà các nhà ngoại giao không làm được, rằng ông có thể "lôi con thỏ ra khỏi chiếc mũ". Tuy nhiên, Petraeus nhấn mạnh rằng để con thỏ có thể được kéo ra một cách thần kỳ từ chiếc mũ, "các nhà ngoại giao đã phải nỗ lực hết mình để đặt sẵn con thỏ vào đó".

"Dĩ nhiên cách làm phi truyền thống vẫn có thể hiệu quả khi cách truyền thống bất lực", ông nói. "Câu nói thường gặp của Trump là 'cho tôi biết cách những gã đó từng làm, để tôi thử cách của tôi và xem ai làm tốt hơn'. Nhưng trong trường hợp này, cách của Trump không tạo ra kết quả tốt hơn".

Theo Rubin, cách tiếp cận về "chính sách ngoại giao một mình" của Trump đã tỏ ra không hiệu quả ngay từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore, khi bản tuyên bố chung không có những điều khoản thi hành cụ thể ngoài các cam kết mơ hồ. Cuộc gặp ở Hà Nội một lần nữa cho thấy mối quan hệ cá nhân Trump - Kim không đóng góp gì trong việc khiến Triều Tiên nhượng bộ trong những vấn đề chứa đựng lợi ích quốc gia.

Tổng thống Trump (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Tổng thống Trump (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump từng nhiều lần thực thi chính sách "ngoại giao cá nhân" với các vấn đề quốc tế. Ông từng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cam kết sẽ thúc đẩy một "thỏa thuận cuối cùng" giữa Palestine với Israel. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas sau đó gọi đây là một "cái tát thế kỷ" và tuyên bố không chấp nhận đàm phán với Israel.

Trump sau đó đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp sự phản đối của các đồng minh ở châu Âu. Quyết định này của Tổng thống Mỹ đã gây bất đồng sâu sắc với các đồng minh, trong khi Iran lại tăng cường ảnh hưởng ở Iraq, Syria và Yemen.

Bởi vậy, bình luận viên Rubin tin rằng kết quả không như kỳ vọng của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không phải là điều ngạc nhiên và nó nhắc nhở Tổng thống Mỹ rằng trong chính sách ngoại giao, mối quan hệ cá nhân sẽ không còn ý nghĩa khi có sự hiện diện của lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng đây không phải là dấu chấm hết cho đàm phán Mỹ - Triều, khi cả hai bên đều bày tỏ kỳ vọng về việc nối lại thương lượng. Để tránh lặp lại kết quả không như kỳ vọng, Rubin nhấn mạnh hai lãnh đạo sẽ phải đặt niềm tin vào các nhà đàm phán và tái khởi động những cuộc trao đổi ở cấp thấp một cách lặng lẽ.

"Nếu tiến trình này được thực thi một cách đúng đắn, hội nghị thượng đỉnh lần ba sẽ không kịch tính như lần trước và sẽ không sớm diễn ra", Rubin viết. "Trump không thích điều đó, nhưng ông phải nhận ra rằng chỉ mình ông không thể giải quyết được vấn đề và cần nhường đường để các nhà đàm phán có thời gian làm công việc của mình".

Thành Nguyễn

 

Chia sẻ bài viết qua email