Chủ nhật, 24/2/2019, 00:04 (GMT+7)

Ký ức Triều Tiên những năm 1965-1970

50 năm trước, Bình Nhưỡng rất phát triển, các tòa nhà cao tầng đều tăm tắp, hệ thống tàu điện ngầm đi lại dễ dàng, người dân thân thiện.

Những ngày này, khi báo chí liên tục đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và những hình ảnh về đất nước Triều Tiên, ông Trần Xuân Hòa (77 tuổi, ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại nhớ thời du học Triều Tiên hơn 50 năm trước.

Tháng 3/1965, ông Hòa cùng 10 người lên chuyến tàu liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh, bắt đầu 6 năm du học Triều Tiên. Hành trang của thầy giáo trẻ trường Trung cấp Thủy sản trung ương 1 là chiếc valy đựng năm bộ quần áo, một áo khoác và cuốn từ điển Nga - Việt. Khác với quê nhà hoang tàn vì chiến tranh phá hoại của Mỹ, những thứ trên tàu khiến chàng trai quê Hải Dương như "bước vào một thế giới khác với bữa ăn ngon, đồ dùng sạch sẽ, thơm phức".

Ông Trần Xuân Hòa, lưu học sinh Việt Nam được cử đi học tại Triều Tiên năm 1965-1971. Ảnh: Gia Chính

Ông Trần Xuân Hòa, lưu học sinh Việt Nam được cử đi học tại Triều Tiên năm 1965-1971. Ảnh: Gia Chính

Tàu dừng ở Bắc Kinh, ông Hòa cùng các bạn nghỉ tại khách sạn ba ngày và tiếp tục chuyến tàu đến Triều Tiên. Bình Nhưỡng hiện ra trước mắt ông vào một buổi chiều, "như là thiên đường" với đường phố rộng rãi, sạch đẹp, các khu nhà 5-6 tầng xây đều tăm tắp dọc hai bên phố, tường nhà lát gạch màu tươi tắn.

Thành phố có các công trình lớn như quảng trường Kim Nhật Thành, nhà hát lớn, nhà Quốc hội... Trên nền đường nhựa láng mịn, không có xe đạp, xe máy, chỉ có ôtô, đa số là xe buýt. Điểm chờ xe buýt được bố trí tiện lợi gần khu dân cư, cạnh trường học.

Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành - nơi ông Hòa học ngoại ngữ một năm, nằm trên khu đồi thấp. Ký túc xá rộng rãi, bên dưới có đường hầm xây dựng từ thời chiến tranh. "Tháng 3 se lạnh, những người Triều Tiên đầu tiên chúng tôi gặp đều niềm nở, tận tình giúp đỡ mọi thứ cần thiết. Tất cả hoàn hảo khiến tôi lập tức yêu mến đất nước, con người nơi đây", ông Hòa kể.

Tháng 6/1965, đang ám ảnh với những trận ném bom của Mỹ xuống cầu Hàm Rồng cạnh nhà, nữ sinh năm cuối trường cấp 3 Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Lê Thị Hân được triệu tập ra Đại học Bách khoa Hà Nội. Một tuần sau, cũng trên chuyến tàu liên vận qua cửa khẩu Đồng Đăng, Hân đến Triều Tiên du học.

Bình Nhưỡng khi ấy phát triển và sạch đẹp. Trẻ em được phát đồng phục, học trong những ngôi trường khang trang. "Học sinh trong những bộ đồ trắng chạy nhảy ở khu vui chơi thu hút tôi mỗi ngày. Kể cả những lúc tuyết rơi trắng xóa, tôi vẫn ra cửa sổ nhìn xuống ngôi trường bên dưới và mơ ước một ngày những đứa em mình được như thế", bà Hân tâm sự.

Bà Lê Thị Hân, nguyên Giám đốc Xí nghiệp dệt may Đông Xuân, lưu học sinh Việt Nam tại Triều Tiên năm 1965-1971. Ảnh: Hoàng Thùy

Bà Lê Thị Hân, nguyên Giám đốc Xí nghiệp dệt may Đông Xuân, lưu học sinh Việt Nam tại Triều Tiên năm 1965-1971. Ảnh: Hoàng Thùy

Du học sinh Việt Nam được lo ăn ở, cung cấp tài liệu học tập và hỗ trợ tiền tiêu vặt hàng tháng. Một năm học tiếng Triều Tiên là quãng thời gian vất vả, vì nếu thi không đạt họ sẽ phải về nước. Do chưa có từ điển Triều - Việt, ông Hòa dùng từ điển Nga - Việt như chiếc cầu nối, tra từ tiếng Triều sang tiếng Nga, rồi từ tiếng Nga sang tiếng Việt.

Bà Hân được sắp xếp ở ghép với một sinh viên Triều Tiên trong ký túc xá. Đó là cách trường hỗ trợ sinh viên Việt Nam để ngoài giờ học trên lớp có người bản địa kèm cặp, chỉ cách phát âm, sửa lỗi câu, giao tiếp.

"Một buổi sáng, ký túc xá thông báo Thủ tướng Kim Nhật Thành đến thăm lưu học sinh Việt Nam. Tất cả chúng tôi ùa ra. Thủ tướng lúc đó còn trẻ, đẹp trai, dẫn theo con trai. Ông hỏi thăm sức khỏe và căn dặn chúng tôi: Đất nước đang chiến tranh, phải cố gắng học tập để sau này về giúp tổ quốc", bà Hân nhớ lại.

Sau một năm học ngoại ngữ, ông Hòa, bà Hân cùng các bạn bắt đầu học chuyên ngành. Triều Tiên hỗ trợ Việt Nam đào tạo tất cả lĩnh vực, từ văn học, nghệ thuật, ngoại ngữ, thể thao đến cơ khí, chế tạo... Ông Hòa chuyển sang Đại học Công nghệ Kim Chaek, học thiết kế, trang trí động lực tàu thủy. Ông đã học từ toán cao cấp, cơ lý thuyết, sức bền vật liệu, vẽ kỹ thuật... đến chuyển động học, động lực học, thủy lực học, chấn động học.

Những phần ông chưa hiểu, các thầy tỉ mỉ giảng lại. Thầy chủ nhiệm còn đến tận ký túc xá để chỉ dẫn cho ông. Đến khi thực tập ở nhà máy đóng tàu Nguyên Sơn, trường cử một thầy giáo cùng ăn, cùng ở để hướng dẫn, giám sát và quản lý.

"Hai lần đi thực tập, mỗi lần vài tháng ở tỉnh xa thủ đô Bình Nhưỡng, chúng tôi đều được thầy đưa đi, chỉ bảo. Lúc này, Triều Tiên đã có hệ thống tàu điện ngầm đi lại dễ dàng, công nghiệp nặng rất phát triển. Nhà máy sản xuất động cơ diesel nơi tôi thực tập lần hai đã làm ra động cơ 200-400 mã lực", ông Hòa kể.

Bác Hòa nói về sự tận tình của giáo viên Triều Tiên
 
 

Ông Trần Xuân Hòa nói về sự tận tình của giảng viên Triều Tiên. Video: Gia Chính

Bà Hân được chuyển đến trường Công nghệ dệt Tân Nghĩa Châu học chuyên ngành dệt. Kết thúc quá trình học đại cương, bà đến nhà máy thực tập, học từ việc xâu chỉ, luồn kim, đến đan, móc.

Ngành dệt phải học cách tính, chia số sợi, sắp xếp kim... để dệt ra các loại vải. Muốn thuần thục công việc, bà Hân phải học ngày, học đêm vì nghĩa vụ đối với đất nước, vì sự cảm kích đối với sự hậu đãi của nước bạn. Bà nhớ mãi những bát canh sâm, nồi cháo sâm nhà bếp nấu cho lưu học sinh khi thức khuya ôn bài. Năm năm học chuyên ngành bà đều ở trong khách sạn sang trọng gần trường.

"Thời hoàng kim" là từ ông Hòa, bà Hân nhận xét về những năm tháng học tập ở Triều Tiên. Nhờ có sự chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ, trang bị kiến thức, những lưu học sinh Việt Nam đã trở về góp phần xây dựng đất nước.

Năm 1971, bà Lê Thị Hân về nước, vào làm việc tại Công ty Dệt kim Đông Xuân Hà Nội. Sau đó vài năm, bà làm Giám đốc Xí nghiệp dệt cho đến khi nghỉ hưu. Ông Trần Xuân Hòa về công tác ở Bộ Đại học - Bộ Công nghiệp, được phân công làm việc ở Viện Thiết kế máy công nghiệp, là chuyên viên cao cấp.

"Đa số anh em đi học ở Triều Tiên thời chúng tôi đều trưởng thành, mỗi người đóng góp xây dựng đất nước ở một lĩnh vực. Đó là Trần Thọ Chữ học công trình ngầm, sau này được phong tặng anh hùng lao động khi làm thủy điện Hòa Bình, hay nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Tài Tuệ...", ông Hòa nói.

Hoàng Thùy

 

Chia sẻ bài viết qua email