Tôi cho rằng, trong khó khăn của dịch bệnh, chúng ta đã thấy những điều tích cực cũng như tạo ra cơ hội mới. Và nên chăng chúng ta cần chọn cho mình cách phản ứng tích cực hơn trước dịch bệnh?
1. Gắn kết gia đình
Dịch bệnh đột ngột xảy ra, thời gian cho việc công ty bỗng trở nên ít hơn. Bỗng chốc, những con người "bận rộn" lại có thời gian cho gia đình bé nhỏ của mình. Vợ chồng có thể cùng nhau xem một bộ phim, ba mẹ có thể cùng học với con, vợ có thể nấu cho chồng bữa cơm gia đình ấm cúng, hoặc những người xa quê có thời gian hơn để điện thoại về thăm hỏi ba mẹ ở nhà - những điều vốn từ lâu đã là xa xỉ trong cuộc sống hiện đại bộn bề.
Trong nhịp sống hiện tại, con người phải tất tả với vô vàn công việc, nào là việc công ty, nào là chuyện học tập, phát triển bản thân. Khái niệm ngày làm việc tám tiếng đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhất là ở những đô thị lớn như TP HCM, Bình Dương... Người lao động (kể cả nhân viên văn phòng hay công nhân) hầu như đều phải vật lộn với việc ở công ty trung bình 10-12 tiếng mỗi ngày.
Thời gian công việc cùng với thời gian dành cho những hoạt động sinh hoạt cá nhân cần thiết như ăn, ngủ, vệ sinh, di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại... đã ngốn gần hết 24 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, nhiều người chấp nhận ngủ ít hơn tiêu chuẩn thường lệ, ăn nhanh hơn, đi nhanh hơn nhưng vẫn luôn cảm thấy không đủ thời gian cho công việc.
>> 'Người tiêm hai mũi vaccine nên được đi làm'
Chạy theo công việc và học tập như vậy đã làm cho nhiều người hầu như không còn thời gian cho gia đình. Vợ chồng không thể cùng coi một chương trình truyền hình, ba mẹ và con cái không có thời gian để nói chuyện với nhau... Vất vả là vậy, nhưng chuyện có một căn nhà đôi khi vẫn là niềm khao khát, là giấc mơ xa vời của hàng triệu người, kể cả đối với những ai đã kịp cố gắng "trang bị" cho mình tấm bằng đại học và nhiều năm kinh nghiệm làm việc. Vậy nên, chúng ta cần tận dụng cơ hội gắn kết gia đình trong mùa dịch.
2. Tiếp cận văn minh
Văn hóa Việt đáng được trân trọng ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vấn đề cần được cải thiện như thói quen không xếp hàng, chen lấn khi tham gia giao thông... Còn nhớ cách đây nhiều năm, tôi lần đầu đi Singapore, và đã rất ấn tượng về hình ảnh những chiếc ôtô trên đường vẫn từ từ dừng lại cách một khoảng rất xa để nhường đường khi tôi có ý định băng qua đường. Trong khi ở Việt Nam, xe máy hay ôtô chỉ cố phóng bạt mạng để giành giật "cơ hội" đi trước, bất kể thấy người đi bộ ra ký hiệu xin đường từ rất lâu.
Ngày nay, để tránh sự lây lan của dịch bệnh, chúng ta buộc phải xếp hàng giữ khoảng cách tối thiểu hai mét. Một hành vi chen lấn trong mùa dịch cũng có thể nhanh chóng nhận được nhiều ánh nhìn không mấy thiện cảm từ số đông. Có thể dịch bệnh sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều và ngày nào Covid-19 còn hiện hữu thì ngày đấy tất thảy chúng ta buộc phải thay đổi lối sống mới. Điều này được điều chỉnh và định hình bởi tâm lý đám đông trong chừng mực đạo đức, thay vì sự cưỡng ép từ pháp luật.
>> Để người tiêm hai mũi vaccine sống 'bình thường mới'
3. Doanh nghiệp nhận ra cơ hội trong dịch bệnh
Trước khi có dịch bệnh, nhiều hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra theo cách truyền thống. Nhiều người không hề biết hoặc biết nhưng vẫn chưa áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, như họp trực tuyến qua, mặc dù các ứng dụng này đã tồn tại rất lâu trước đó. Ngược lại, khi có dịch bệnh, vì bị buộc phải làm việc ở nhà, không được tụ tập, không ít doanh nghiệp đã dần chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động của mình sang hình thức online.
Ngày nay, các công ty tư vấn vẫn hoàn toàn cung cấp dịch vụ thông qua họp online, mà không nhất thiết phải di chuyển để gặp gỡ khách hàng. Hay như doanh nghiệp có thể ký hợp đồng một cách nhanh chóng nhờ vào chữ ký điện tử, mà không phải tốn thời gian hay chi phí để gặp gỡ trực tiếp mới ký kết hợp đồng. Một khi dịch bệnh qua đi, nếu doanh nghiệp vẫn duy trì phần nào các phân khúc online này thì chắc chắc sẽ tiết kiệm được một phần không nhỏ chi phí hoạt động.
Ở góc độ khác, dù dịch bệnh cũng làm cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực điêu đứng, đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Nhưng ngược lại, bối cảnh dịch bệnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như doanh nghiệp thương mại điện tử tăng trưởng đáng kể.
>> Doanh nghiệp tự chủ phòng dịch
4. Thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng về công nghệ. Đây là thách thức, nhưng đổi lại cũng là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Một trong những chính sách của Chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài những nguyên nhân khác, thói quen thanh toán của người dân cũng là nguyên nhân cản trở sự phổ biến của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp lẫn nhau hay như không thể ra đường để rút tiền mặt do dịch bệnh, người dân buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt trong nhiều hoạt động tiêu dùng. Thanh toán không dùng tiền mặt chỉ là một hoạt động trong nhiều hoạt động khác thuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, ngoài việc tập trung vào chống dịch, dịch bệnh hiện nay có thể là cơ hội vàng để thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Nếu mỗi người chúng ta nhìn dịch bệnh dưới lăng kính không quá tiêu cực để từ đó thức ứng với điều kiện mới, bao gồm thay đổi lối sống, phương thức làm việc và kể cả việc tìm ra điểm sáng, thì đây chính là thời cơ phân bổ nguồn lực cho sự phát triển của tương lai.
Nguyễn Văn Dư
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.