"Có vẻ mục tiêu có được nhà và xe trước năm 30 tuổi đang trở thành tiêu chuẩn thành công phổ biến được nhiều bạn trẻ hướng tới sau khi ra trường. Tuy mục tiêu này không có gì là xấu, nhưng nếu chỉ chú trọng vào nhà và xe, bạn sẽ bỏ phí rất nhiều điều trong cuộc sống.
Tôi xin chia sẻ câu chuyện của tôi, một du học sinh 29 tuổi. Hiện nay, tôi vẫn đang ở nhà thuê, tiền tiết kiệm chưa bao giờ quá 300 triệu. Nhưng tôi không lo lắng về chuyện cố gắng phải có nhà và xe vào trước năm 30 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học, mục tiêu của tôi là tích lũy kiến thức, có kiến thức rồi thì mọi thứ khác đều sẽ dễ dàng.
Tôi tự đánh giá mình khá may mắn khi bố mẹ tôi vẫn còn khỏe và có nguồn thu nhập ổn định nhờ bán tạp hóa nhỏ. Vì thế tôi không vội vã lao vào kiếm tiền ngay mà quyết định tìm kiếm cơ hội du học. Đi du học không chỉ mở rộng kiến thức mà còn là những trải nghiệm mới mẻ. Những điều này không thể có được nếu chỉ chăm chăm sáng đi làm, dán mắt vào màn hình tám tiếng rồi về nhà. Vì vậy, tôi đăng ký làm nghiên cứu sinh ở một trường đại học lớn ở TP HCM, đồng thời tự học thêm ngoại ngữ để chuẩn bị cho việc du học.
Năm 2015, lương của tôi chỉ trên dưới ba triệu một tháng. Tôi làm được gần một năm thì tình cờ được giới thiệu một chương trình du học Thạc sĩ. Tuy tiền trợ cấp chỉ đủ sống, tôi vẫn quyết định tham gia. Tôi tiếp tục học lên Tiến sĩ sau khi xong chương trình Thạc sĩ. Và giờ tôi sắp kết thúc chặng đường 5 năm của mình.
Trước khi tốt nghiệp, tôi đã bắt đầu làm việc từ xa cho một công ty ở Việt Nam với mức lương 100 triệu/ tháng. Với mức lương này, tổng thu nhập của tôi và vợ đủ để bắt đầu mua nhà (trả góp 50%) trong năm sau. Suy cho cùng, thành công của mỗi người trên đời là đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi người có một định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Thành công của một người chỉ được nên đánh giá trên góc nhìn cá nhân của chính người đó. Đừng để áp lực nhà và xe biến bạn thành nô lệ cho những tiêu chuẩn trống rỗng".
Đó là chia sẻ của độc giả Tuấn xung quanh câu chuyện "Có nhà và xe trước tuổi 30". Khi mà nhịp sống đô thị liên tục vận động, những người trẻ cũng không ngừng chuyển mình để thích nghi với đổi thay. Duy chỉ có ước mơ về "ngôi nhà đầu tiên" là vẫn vẹn nguyên. Nhiều người trẻ coi chuyện mua nhà, mua xe như một cột mốc trưởng thành của bản thân ở tuổi 30. Đó vừa là động lực những vừa là áp lực cho bạn trẻ không may thất bại.
Kể về câu chuyện vươn lên trước những khó khăn năm 30 tuổi, bạn đọc Mshue1307 cho biết: "Tôi là nữ, sắp bước sang tuổi 31 vào tháng sau. Tôi cũng mới khởi nghiệp cách đây không lâu. Trước đó, tôi cũng lặn lội suốt tám năm làm kế toán, cũng đạt được mục tiêu trong nghề, nên đầu 30 tuổi, tôi đã quyết định rũ bỏ tất cả để khởi nghiệp. Khó khăn rất nhiều vì tôi bắt đầu với ngành mà bản thân phải học lại từ đầu.
Tôi không có nhà, không có xe, không có bạn trai. Tôi cũng dành hết tiền tiết kiệm để kinh doanh.Tôi thấy bản thân còn khỏe mạnh, tuổi trẻ, tại sao không dám vấp ngã, đau vài cú thì sao chứ? Vậy nên dù tôi cũng trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, và tương lai vẫn chưa nói được điều gì khi đến giờ vẫn thua lỗ, nhưng vì đã chơi nên tôi phải chấp nhận kết quả trong cuộc chiến này.
Tôi luôn thắc mắc rằng tại sao người khác làm được mà mình lại không? Thế nên tôi cứ cố gắng để giải đáp cho chính bản thân mình. Thất bại thì lại đi làm thuê, để kiếm tiền khởi nghiệp tiếp. Tuổi trẻ mà, đâu có gì phải sợ, không lấy vợ, lấy chồng, có con có khi lại bớt gánh nặng. Còn động lực thì phải xuất phát từ chính bản thân mình mới bền vững".
Đồng quan điểm, độc giả Huycuong khẳng định thành công chỉ đến với những ai kiên trì, nỗ lực: "Tôi 37 tuổi, 10 năm trước thậm chí còn rất bi đát vì khi đó lông bông không nhà, không nghề nghiệp, bạn gái chia tay, dòng họ không ai giúp đỡ vì đa phần họ đều khó khăn. Tôi chán chường, nhiều lúc không còn thiết sống. Thế rồi, tình cờ, tôi đọc báo biết được thông tin cần người làm việc nước ngoài (xuất khẩu lao động) ở Nhật Bản. Ttôi mừng như bắt được vàng và nghĩ đây là cơ hội duy nhất để "đổi đời", bây giờ hoặc không bao giờ.
Tôi lập tức đăng ký, trải qua nhiều vòng phỏng vấn và khám sức khỏe, cuối cùng tôi cũng trúng tuyển. Tôi vay ngân hàng, họ hàng để được đi. Qua đấy, tôi gửi tiền về trả nợ xong xuôi, rồi kêu gia đình thế chấp sổ đỏ ở quê để vay ngân hàng mua đất (lúc đó đất rất rẻ, vì tôi ở tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long). Tôi gửi tiền hàng tháng về trả ngân hàng, nhờ vậy mà khi về nước tôi đã có nhà, đất và ít vốn mua bán nhỏ... Tôi chân thành khuyên các bạn trẻ, đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng hết sức mình rồi may mắn sẽ mỉm cười với các bạn như trường hợp tôi".
Trong khi đó, nói về những áp lực ở tuổi 30, bạn đọc Mon cho rằng không nên cố chạy theo mục tiêu có nhà, có xe cho bằng thiên hạ: "Thất bại luôn là một phần trong cuộc sống. Tôi đọc được ở đâu đó một1 đoạn rất hay thế này: 'Múi giờ ở New York nhanh hơn California ba tiếng. Nhưng điều đó không làm cho cuộc sống ở California chậm đi. Có người tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, hưng phải đợi đến 5 năm sau mới tìm được công việc tốt. Có người tốt nghiệp đại học chậm hơn nhưng lập tức có việc tốt, lương cao.
Có người đã lên chức CEO ở tuổi 25, nhưng lại sớm qua đời khi mới 50. Trong khi người khác 50 tuổi mới trở thành CEO. Nhưng lại sống thọ đến 90 tuổi. Có người vẫn còn độc thân, trong khi người khác đã kết hôn. Obama nghỉ hưu ở tuổi 55, còn Trump 70 tuổi mới nhậm chức tổng thống... Trên đời này, vốn dĩ mỗi người đều có múi giờ riêng để phát triển bản thân. Bên cạnh luôn có nhiều người đi trước bạn, những cũng có không ít người đi sau bạn.
Thực ra, mỗi người đều đang ở trong khung thời gian của chính mình. Đừng đố kỵ, cũng đừng chê cười họ. Bạn không cần phải đi nhanh hơn hay bằng ai. Cuộc sống chính là chờ đợi cơ hội chính xác để hành động. Vì vậy, hãy thả lỏng. Bạn không sớm, cũng không muộn, chỉ là cuộc sống đang đặt cho bạn múi giờ thuộc về chính bạn, và tất cả đều đúng giở".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.