"Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta tìm cách mở cửa cho những người đã tiêm đủ hai mũi được đi làm bình thường trở lại (đảm bảo 5K và các quy định phòng dịch khác). Hiện nay, số lượng người thuộc diện ưu tiên (nhân viên các công ty, người lao động) được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 không phải ít.
Xét về khía cạnh kinh tế, đây là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại. Chỉ có từng bước khôi phục kinh tế, chúng ta mới có thể hỗ trợ được cho công tác phòng chống dịch".
Đó là quan điểm của độc giả Valak, ủng hộ việc cho người đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 đi làm trở lại. Thực tế, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh thay vì cứ phong tỏa mãi. Chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được, phải mở dần ra và sống chung với dịch, là suy nghĩ của nhiều người.
Đông quan điểm, bạn đọc Lily cho rằng: "Tôi nghĩ rằng, những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine nên sớm được bắt đầu lại cuộc sống bình thường mới, với điều kiện vẫn bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, 5K... Chúng ta không thể bắt tất cả ở nhà, chờ 70% dân số tiêm đủ vaccine mới mở cửa vì nguồn cung vaccine hiện nay rất hạn chế, không thể hoàn thành mục tiêu trong một sớm một chiều. Ở Singapore, hiện nhà hàng, quán ăn cũng chỉ cho khách đã có chứng nhận tiêm đủ vaccine sử dụng dịch vụ, nếu nơi nào vi phạm sẽ bị phạt đóng cửa. Đó cũng là gợi ý để chúng ta học tập".
Cùng chung nhận định, độc giả Lengkhanh phân tích: "Theo tôi, chúng ta cần cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine được ra ngoài làm việc trở lại, các tổ chức được hoạt động từng bước, đó mới là giải pháp ưu tiên phù hợp ở thời điểm này. Trước mắt, chúng ta nên tập trung tiêm vaccine cho tất cả tài xế lái xe, người giao hàng (nhân viên bán hàng), người buôn bán ở các chợ, thực hiện nghiêm 5K, 5T, sẵn sàng test nhanh khi cần thiết, chỉ cách ly, phong tỏa theo khu vực. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt những nơi tập trung đông người không cần thiết trong thời gian mới mở cửa như: quán ăn, nhà hàng, karaoke, các hội nghị tập trung đông người không cùng một tổ chức cơ quan đơn vị (hội nghị khách hàng, công viên, rạp chiếu phim...)".
>> '3 tại chỗ' là vaccine cho công ty
"Đại dịch này chưa có tiền lệ và cũng chưa có bài học nào trước. Chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, phải mở dần ra và sống chung với dịch. Chúng ta không thể cứ lo chống dịch mà quên sản xuất, như vậy sẽ chết vì cái khác trước khi chết vì dịch. Cho nên phải bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, không để lụn bại", đó là quan điểm của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên về kế hoạch ứng phó với Covid-19 của thành phố trong thời gian tới.
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp khi bị hạn chế hoạt động dù nhân viên đã được tiêm vaccine, bạn đọc Sinh Điền chia sẻ: "Tôi chỉ là chủ một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài, không thể hoạt động, nên vợ con tôi đành phải về quê, chỉ còn tôi vẫn ở lại Sài Gòn. Hằng ngày, ngoài công việc ra, tôi phải tự nấu ăn ba bữa, tình trạng này kéo dài từ lúc có lệnh không cho bán mang về. Tôi mong thời gian tới, nhà nước sẽ có những quy định mở hơn đối với nhưng người đã tiêm đủ hai liều vaccine như chúng tôi".
Độc giả Cameraman bổ sung thêm: "Chúng ta cần tập trung vào những việc sau:
- Cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, càng nhanh càng tốt.
- Những ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine cần được trở lại cuộc sống bình thường mới và luôn đảm bảo 5K khi ra đường.
- Các F0, F1 được cách ly và điều trị tại nhà, do y tế phường quản lý. Chỉ những ca bệnh nặng mới vào viện.
- Phổ biến test nhanh diện rộng cho mọi người đẻ ai cũng có thể tự thực hiện và tự giám sát sức khỏe của bản thân và gia đình mình".
>> Giải bài toán kinh tế cho người Sài Gòn khi kéo dài giãn cách
Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sống chung với dịch, bạn đọc Ngọa Long Tiên Sinh cho rằng: "Chúng ta phải xác định sống chung với dịch. Không thể giãn cách mãi vì sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu việc giãn cách không song hành với đảm bảo thực hiện hai mục tiêu là xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine thì mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa. Dịch bệnh có thể sẽ kéo dài nhiều hơn một, hai năm tới, thậm chí có thể sẽ tồn tại mãi mãi cùng nhân loại, nên việc tìm cách sống chung và thích nghi là chuyện đương nhiên".
"Giống như một cơ thể khỏe mạnh mới có thể phòng bệnh tốt, tôi tin nếu sớm có cơ chế cho người tiêm đủ hai mũi vaccine được ra ngoài làm việc, người dân và đất nước sẽ có thêm điểm tựa cả về tinh thần và vật chất để đẩy lùi dịch bệnh", độc giả Valak kết lại.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.