Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Các cơ sở Y tế trong thời gian gần đây luôn từng ngày, từng giờ đối mặt với rất nhiều nguy hiểm tiềm tàng. Các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" đang lan rộng trên cả nước và dường như chưa bao giờ cần thiết hơn trong khoảng thời gian này.
Thế nhưng, Covid-19 không chỉ mang đến sự bất an về sức khỏe, sự xáo trộn cuộc sống mà còn là cơ hội để tất cả chúng ta nhìn lại những giá trị tích cực của cuộc sống.
1. Học cách nhường cơm sẻ áo, san sẻ tình yêu thương, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng
Giữa giai đoạn khó khăn bởi đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19, ở bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng có thể bắt gặp những câu chuyện ấm lòng mang tinh thần lạc quan, nhân ái và nhiều giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Covid khiến nhiều hoạt động ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động bị mất việc gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống. Nhưng cũng từ đó, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những hình ảnh phát cơm từ thiện, máy ATM gạo, chủ nhà trọ giảm tiền thuê... để cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trước mắt. Những bữa cơm, thông điệp tri ân được gửi đến các bác sĩ, y tá, đội tình nguyện để bày tỏ sự biết ơn và động viên "những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch" được lan tỏa khắp nơi.
Với những gia đình có người công tác trong các lực lượng chức năng và ngành y tế, cả nhà chỉ được gặp nhau qua màn hình điện thoại. Cha mẹ dằn lòng nỗi nhớ nhà, thương con để tập trung chiến đấu chống dịch. Phía trước họ là bệnh nhân, sau lưng họ, gia đình vẫn luôn là điểm tựa vững chắc, là động lực vượt lên những đêm thiếu ngủ, hay áo ướt đẫm mồ hôi chạy đua từng giờ với Covid.
TP HCM đã và đang nhận được rất nhiều sự yêu thương, sẻ chia của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Đó là những lời động viên, là những nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế, là những đội ngũ y, bác sĩ tình nguyện từ các địa phương, là những liều vaccine quý giá... Thậm chí, có những địa phương, vừa trải qua những tháng ngày khó khăn khi là tâm dịch cũng vẫn sẵn sàng chia sẻ với TP HCM trong giai đoạn này.
Những hoạt động đầy ý nghĩa, nhằm chia sẻ hạnh phúc, lan tỏa yêu thương, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19, đã góp phần thắp lên ngọn lửa niềm tin và sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Suốt thời gian qua, những "chuyến xe 0 đồng" hiện diện khắp nơi ở thành phố để giúp đỡ những người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh. Dù bị mất việc làm, không có thu nhập, nhưng nhiều lái xe tại TP HCM và Hà Nội vẫn tình nguyện dùng xe cá nhân để vận chuyển miễn phí lương thực và những người bệnh đến các cơ sở y tế.
>> Cùng Sài Gòn bước qua mùa Covid-19 hoành hành
Mạng xã hội cũng truyền đi hình ảnh cảm động về những cảnh sát giao thông ở Gia Lai, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị... cùng các tình nguyện viên xuyên đêm hướng dẫn, phát xăng, thức ăn, nước uống miễn phí và tiền mặt để tiếp sức cho hàng nghìn người dân chạy xe máy hồi hương thực hiện cách ly.
Tại Hà Nội, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, đi cùng những bữa cơm miễn phí được người dân quyên góp phục vụ lực lượng chống dịch là những hình ảnh ấm áp tại "siêu thị mini 0 đồng" để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do Covid-19. Tại đây, hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, thực phẩm khô, đồ tươi sống, gia vị, rau củ quả... được sắp xếp gọn gàng trên từng kệ. Có thể hiểu được niềm hạnh phúc của những người lao động tự do không có việc làm khi nhận được món quà là phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng. Món quà không quá lớn nhưng đến kịp thời và ý nghĩa trong lúc họ gặp khó khăn.
Có lẽ, thời điểm này trên đất nước Việt Nam, ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tìm thấy những tấm gương trên mặt trận chống đại dịch Covid-19. Thế nhưng, hình ảnh đẹp nhất vẫn thuộc về đội ngũ thầy thuốc gồm các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, giảng viên, sinh viên các trường đại học đang trực tiếp tham gia phục vụ và chăm sóc người bệnh.
Rất nhiều nghĩa cử tốt đẹp đang được lan tỏa trong cộng đồng trong và ngoài nước cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày. Suốt hai năm liên tục chiến đấu với dịch bệnh, nếu không có tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái thì ai sẽ nhắc chúng ta phải trân trọng những gì mình đang có và giúp đỡ những người xung quanh, sống trách nhiệm hơn với cộng đồng?
2. Cảm nhận được sự sống mong manh
Qua những ngày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mỗi người đều cảm nhận được rủi ro vô thường lúc nào cũng có thể xảy đến. Tình cảm gia đình, tình thương giữa người với người là điều quý giá không gì đong đếm được và sức khỏe quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người.
3. Học cách làm giáo viên cho con tự học ở nhà và có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tháng qua, các em học sinh phải học trực tuyến tại nhà. Bố mẹ trở thành thầy cô dạy chính và thầy cô giáo lại trở thành... trợ giảng qua màn hình máy tính. Việc phụ huynh và học sinh đều học và làm việc ở nhà lại trở thành cơ hội để gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại gần với nhau hơn. Không còn những cuối tuần vội vã, không còn những buổi tối chỉ chơi cùng con chốc lát, chúng ta có thêm thời gian hướng dẫn con học những thói quen tốt, những kỹ năng bảo vệ bản thân và cùng nhau chia sẻ, cùng nhau làm việc nhà.
>> 18 ngày cả nhà làm việc tại gia
4. Học cách đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng
Khi chưa có sự xuất hiện của đại dịch, khẩu trang chỉ dùng để chống bụi, che nắng. Giờ đây, khẩu trang là bắt buộc nơi công cộng, một phần của thông điệp 5K và cũng trở thành thói quen không thể thiếu khi ra đường.
5. Học cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống
Khi học được cách chấp nhận với bản chất vốn có của vạn vật, chúng ta sẽ biết làm thế nào để hài lòng và đón nhận mọi thứ theo hướng tích cực hơn? Một trong những phẩm chất kỳ diệu của con người chính là khả năng thấu cảm. Chúng ta buồn trước nỗi buồn của người khác và vui sau niềm vui của họ. Nhờ có sự thấu cảm mà mối quan hệ giữa con người trở nên gắn kết hơn. Nhưng để đạt được khả năng này, trước hết, chúng ta phải chấp nhận và thấu hiểu điều người khác đang trải qua.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là trẻ em, bất kể bạn đang ở nơi nào trên thế giới. Nhưng chúng ta cần học cách chấp nhận, tìm cách khắc phục khó khăn, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Khi chúng ta bận rộn với công việc kiếm tiền nuôi gia đình, bận rộn với công tác thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, đối xử tử tế, bao dung, độ lượng với người khác, chúng ta sẽ không có thời gian để suy nghĩ đến những việc đấu đá, tranh giành, được mất, ganh ghét, đố kỵ, tìm cách hại người khác chỉ vì sợ họ giỏi hơn mình.
Lòng đố kỵ như hòn than nóng, ném vào người khác nhưng chính mình lại bị thương. Khi đố kỵ, chúng ta ngay lập tức trở thành nạn nhân của mình. Cảm xúc tiêu cực ngay lập tức ảnh hưởng đến chúng ta trước tiên chứ không phải ai khác. Chúng kìm hãm chúng ta, làm ta phân tâm và che mờ mất con đường sáng, rộng hơn để đưa ta tới những tiềm năng tối đa của bản thân.
Từ những cảm xúc tiêu cực, chúng thúc đẩy ta bắt đầu hành động, có thể chỉ là những lời nói cay nghiệt, nhưng nó cũng có thể khiến mọi người xa lánh, làm suy yếu các mối quan hệ. Tiêu cực hơn, nó còn có thể dẫn tới hành động hãm hại, phá hoại hoặc sự dửng dưng, lạnh lùng trước nỗi bất hạnh của người khác.
Hầu hết, chúng ta mải mê đi tìm hạnh phúc của chính mình và quên đi rằng, việc đem lại hạnh phúc cho mọi người cũng là cách đem lại hạnh phúc cho bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đem lại hạnh phúc cho người khác nếu họ không thể học cách chấp nhận và sống hòa hợp với mọi người xung quanh.
>> Covid-19 - nghĩ về điều tồi tệ
6. Trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống
Đó có thể là ngắm nhìn những bông hoa đang vươn lên bên ngoài khung cửa sổ nhà bạn, thích thú lọ hoa đẹp do chính bạn tự cắm, thưởng thức bánh cuốn, bánh mỳ, bánh bao, bánh kem, thạch... do chính tay bạn làm, hoặc thả hồn vào những trang văn, trang thơ do bạn viết. Dù là gì đi nữa, điều quan trọng bây giờ là dành thời gian này để tìm thấy niềm vui và hy vọng trong những điều nhỏ nhặt.
Hãy thử tìm kiếm niềm vui trong những khoảnh khắc bất ngờ mỗi ngày và để bản thân được hiện diện trong những khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn ấy một lần nữa. Chúng ta bắt đầu từ từ chọn các phần trong cuộc sống "bình thường mới" của mình và tìm cách ghép chúng lại với nhau như những mảnh ghép mới, bạn có thể khám phá lại những gì mang lại niềm vui cho bạn thông qua những điều nhỏ nhất.
Dịch Covid-19 và các biến thể của nCoV là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Chúng ta phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả; kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc.
Phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới. Trong tình thế buộc phải xác định chống Covid-19 là cuộc chiến dài hơi, một lối sống lành mạnh đủ chất, giữ tinh thần lạc quan, linh hoạt thích ứng để chung sống an toàn với đại dịch là những hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.
Không thể phủ nhận làn sóng Covid-19 liên tục bùng phát đã khiến cuộc sống của người người, nhà nhà bị xáo trộn. Những ngày này, ai cũng mang trong mình ước mơ chung: buổi sáng thức dậy không còn nghe báo đài cập nhật thêm ca dương tính nào, được ra đường uống cà phê, ăn sáng, đi học, đi làm, gặp bạn bè, người thân, đi du lịch mà lòng không phải nơm nớp khi thấy đâu đó những rào chắn phong tỏa đang dựng lên.
Dẫu vậy, chính thứ virus đã làm đảo lộn cả thế giới trong hai năm qua lại giúp ta nhận ra nhiều giá trị tích cực, đáng trân trọng. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau nếu mỗi người cùng biết ơn những hy sinh thầm lặng của bao "chiến sĩ" đang ngày đêm đấu tranh với dịch bệnh giữa đời thường, cùng trao yêu thương bằng những hành động sẻ chia, hay đơn giản là giữ ý thức tốt, chấp hành quy định phòng chống dịch để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.