Khi toàn TP HCM thắt chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, khu nhà chúng tôi cũng chính thức tề tựu đầy đủ các thành viên, vì ai nấy đều đã khăn gói từ văn phòng về nhà làm việc. Khoảng sân trống trải thường ngày, nay được lấp đầy bởi hơn chục chiếc xe máy nằm im ỉm mấy tuần liền. Mọi thứ chuyển từ công ty về bốn bức tường của khu nhà có một nhà chủ và ba nhà thuê.
Hiệu suất làm việc tại nhà
Trừ những người đã kịp về quê trước giờ G, chúng tôi còn tổng cộng bốn người với đủ ngành nghề, đều là dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn lập nghiệp. Nhà tôi có bàn làm việc, nhưng chỉ đủ cho hai người. Tôi hiện là giáo viên cấp ba, dạy Văn ở một trường THPT ở TP HCM. Ngày đầu tiên bắt đầu dạy tại nhà, tôi dậy sớm, chuyển cái bàn ăn nhỏ từ bếp vào phòng ngủ để có không gian dạy học phù hợp.
Em gái tôi phải dẹp hai cái bếp từ sang một góc, biến bàn bếp thành bàn làm việc. Gần trưa, em vẫn chưa xong việc, tôi đành mang cái bếp lên phòng khách để nấu ăn, kịp giờ chiều vào dạy tiếp. Nấu cơm xong thì cái bàn dạy học lại trở về làm bàn ăn. Mỗi người khi đến ăn tự vác theo ghế của mình.
Trong nhà cũng có sẵn vài cái bàn nhỏ ngồi bệt dưới đất, làm bằng gỗ vụn ép, loại bàn các bạn sinh viên thường dùng khi ở trọ. Đợt này, chúng thường xuyên được trưng dụng chúng, đặt ở bất cứ đâu trong nhà để chúng tôi có thể đổi thế ngồi mỗi khi có ai đó mỏi lưng, mỏi cổ, mỏi tay, hoặc đơn giản chỉ là muốn đổi phong thủy. Từ phòng khách, phòng ngủ, đến nhà bếp đều có người ngồi làm việc, và mọi trật tự trong căn nhà, gần như bị đảo lộn liên tục.
Khi tôi đang dạy học, là lúc em tôi đang chăm sóc khách hàng qua điện thoại, một em khác đang giải quyết giấy tờ với đối tác qua Zoom, cũng là giờ họp hàng ngày của một em khác qua Google Meet. Âm thanh của cuộc gọi này chen vào cuộc gọi kia. Thỉnh thoảng nhạc từ máy tính đứa này lại kết nối nhầm sang chiếc loa bluetooth của đứa khác. Không gian làm việc riêng của mỗi người cũng vì vậy mà hiếm khi được đảm bảo.
Còn nhớ, khi quyết định cho giáo viên dạy online tại nhà, sếp tôi nhắn tin hỏi đủ thứ. Em ở nhà trọ hay chung cư? Nhà em trong hẻm hay mặt tiền? Xe cộ có thường xuyên qua lại không? Nhà em có bàn làm việc không? Em dùng internet của nhà mạng nào...? Thậm chí, trường còn tổ chức một buổi test máy online với từng giáo viên. Tôi hiểu, hàng loạt câu hỏi đó cũng chỉ để đảm bảo rằng, điều kiện của tôi hiện tại có thể đáp ứng được ngưỡng chuyên nghiệp do nhà trường đặt ra. Nhưng cái chuẩn chuyên nghiệp kia có lẽ không lâu nữa sẽ bị phá vỡ.
>> Làm việc tại gia hiệu quả hơn đến công sở
Công việc của mỗi người dường như không bớt đi tí nào trong mùa giãn cách, trái lại còn có phần bận rộn và phức tạp hơn. Doanh nghiệp quản lý tiến độ làm việc của nhân viên bằng các "deadline' dồn dập hoặc những bản báo cáo hàng ngày. Các cuộc họp trực tuyến diễn ra liên tục, và đương nhiên không giải quyết được nhiều thứ như gặp trực tiếp. Những buổi họp xuyên trưa là chuyện bình thường. Nhiều khi tôi tự hỏi, những lúc đó, ai sẽ là người lo cơm nước, ai chăm trẻ con cho những người phụ nữ có gia đình đang tham gia cuộc họp ấy?
Có hôm, em gái tôi họp đến hơn một giờ sáng vẫn chưa xong, bất kể cuối tuần. Nhiều công ty còn cần phải kết nối vào hệ thống nội bộ mới làm việc được, nên đã gây ra không ít phiền toái. Cô bạn tôi, vì công ty không sắp xếp ở tại chỗ, nên mỗi sáng đều phải tìm cách chạy qua hàng chục chốt chặn từ Tân Phú sang Bình Thạnh chỉ để đóng được cái mộc đỏ của công ty, rồi đem giấy tờ, băng qua thêm vài chốt kiểm soát nữa, đến ngân hàng xử lý công việc, những hạng mục không thể nào giải quyết được tại nhà.
Nói về hiệu suất khi làm việc tại nhà, Q&Me (Công nghiên cứu thị trường - điều hành bởi Asia Plus Inc) đã thực hiện một cuộc khảo sát với nhân viên của nhiều công ty. Có 42% cho rằng hiệu suất của họ giảm đi. Những lý do được nhắc đến là: không có máy in, máy scan tại nhà, khó khăn khi không thể giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp, không thể tập trung...
Cũng không phủ nhận khi xu hướng làm việc từ xa đem lại một số hiệu quả nhất định của nó. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, nhân viên không phải di chuyển xa, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, thời gian linh hoạt... Nhưng phương thức này chỉ phù hợp với một số ngành nghề, hoặc với điều kiện cơ sở vật chất và các tiện nghi cho phép; hơn nữa cần có sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp; đặc biệt với phần đông các bạn trẻ đang sống ở các khu nhà trọ, thiếu thốn những tiện ích cơ bản.
Nếu phải tiếp tục học online, tôi cần phải sắp thêm cái bảng, để thuận lợi cho việc trình bày, chứ không thể ngồi giảng "chay" mãi được. Máy tính của em tôi cần được nâng cấp hoặc có thể truy cập vào hệ thống nội bộ của công ty. Các cuộc họp trực tuyến phải giới hạn được thời gian, không lê thê từ sáng đến chiều, quan trọng hơn là phải giải quyết được vấn đề trong cuộc họp. Và nhiều điều khác nữa cần được thay đổi cho phù hợp.
>> Tôi làm việc ở nhà hiệu quả hơn đến công ty
Vẫn bám trụ đến cùng
Trong các khu nhà trọ, giữa bốn bức tường tạm được gán nhãn là "văn phòng tại gia", chúng tôi tự trấn an tinh thần bằng những việc làm khác. Người này nấu nướng thì người kia dọn dẹp. Thèm món gì thì tự làm lấy. Có món gì thì san sẻ cho nhau, cho cả những người hàng xóm mà đôi khi tôi chưa từng gặp mặt. Hôm nay, nhà tôi đem lên lầu trên rổ chôm chôm, ngày mai phía trên mang xuống trả lại cái rổ đựng một ít chanh và ớt. Hôm trước, chú chủ nhà mang sang vài ổ bánh mì nóng mới mua được, hôm sau chúng tôi sẽ đáp lễ bằng hũ dưa cải muối giòn...
Chúng tôi vẫn cố gắng giữ không khí vui vẻ hòa thuận, dù cứ ăn chưa xong bữa này, đã phải nghĩ tiếp, tối nay ăn gì, sáng mai ăn gì, ăn món nào trước, món nào sau để thực phẩm đỡ hư héo? Thậm chí, có lúc, đong gạo nấu cơm đã tính theo nắm, chứ không đong bằng chén như mọi ngày, vì sợ hết gạo.
Chúng tôi tự động viên chính mình bằng những phép thắng lợi tinh thần theo hướng tích cực. Dù khó khăn trong việc đi chợ, nhưng chúng tôi có người thân tiếp tế. Dù chi phí điện nước tăng lên, lương giảm xuống, nhưng ít ra chúng tôi còn có việc để làm. Nhìn nhau qua màn hình máy tính mãi cũng chán, chúng tôi chuyển sang thi nhảy dây, "plank" để chia nhau việc nhà. Chúng tôi tìm thêm việc để làm khi rảnh, tôi tranh thủ dịp hè để nghiên cứu viết lách thêm. Các em tôi tranh thủ thời gian để "reset" lại chế độ ăn uống ngủ nghỉ.
Tôi hiểu, thời buổi này, được ở nhà như thế cũng đã là điều may mắn. Nhiều gia đình còn đang phải điêu đứng vì dịch bệnh, nhiều bạn trẻ hết chống chọi nổi, đã chọn cách chạy xe máy, đi xe đạp, thậm chí đi bộ để về quê. Còn chúng tôi chấp nhận ở lại đây, vẫn cố gắng bám trụ thành phố này. Dù loay hoay giữa bốn bức tường, nhưng chúng tôi tin mình còn sức để tiếp tục.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.