"Vợ chồng tôi sống ở Đồng Nai, chồng tôi là tài xế chở hàng, lương tháng 28 triệu (lương net), ít khi ở nhà. Tôi làm nhân viên văn phòng, lương 15 triệu. Kể từ khi dịch bùng phát, thu nhập của hai vợ chồng chỉ còn 32 triệu đồng mỗi tháng nhưng ổn định. Tiền ăn của hai mẹ con tôi mỗi tháng chưa đầy ba triệu đồng nhưng vẫn đảm bảo đủ chất.
Trước dịch, dù thu nhập của chúng tôi vẫn ổn, nhưng thay vì chi tiêu hoang phí, quá đà, tôi dùng tiền đó để trả nợ 27 triệu mỗi tháng tiền vay mua đất, dư để tiết kiệm. Khoản dự phòng của gia đình tôi luôn duy trì ở mức 10 triệu đồng. Nhờ đó, khi dịch bùng phát, dù thu nhập giảm nhưng tôi vẫn giúp được mấy người hàng xóm, mỗi người một phần quà trị giá 300 nghìn đồng. Tôi cũng xin được 30 kg rau để về chia cho cả xóm. Chúng ta không nên quá keo kiệt nhưng cũng phải biết tiết kiệm thông minh".
Đó là chia sẻ của độc giả Phihien03101985 xung quanh câu chuyện quản lý chi tiêu trong mùa dịch. Dịch Covid-19 đang tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong các gia đình. Câu chuyện ăn gì, mua gì đang trở thành cơn đau đầu của các bà nội trợ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát kéo dài. Tiết kiệm đã trở thành chìa khóa nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Thế nhưng, không phải ai cũng chấp nhận thay đổi thói quen tiêu dùng để thích ứng với thực tại, bạn đọc Hà Cúc chia sẻ: "Tôi có mấy người em đang nuôi con nhỏ. Khoảng một, hai tháng đầu của đợt dịch này, tôi thấy nhà các em vẫn đặt mua xe mô hình giá tới hai triệu đồng về cho con chơi, trong khi vợ không đi làm, ở nhà thuê 10 triệu một tháng, một mình người chồng làm kinh doanh riêng nuôi cả nhà. Tôi có khuyên em không nên tiêu xài phung phí, bố mẹ ăn gì thì cho con ăn nấy, thịt heo bình thường cũng được. Ấy vậy mà em vẫn cứ mua nào là thịt bò, tôm, cua, hải sản... về cho con ăn liên tục, mua những thứ không quá quan trọng trong thời điểm này. Đến khi dịch kéo dài được bốn tháng, em mới bắt đầu than thở vì hết tiền. Thực tế, có nhiều gia đình không chấp nhận hạ mình sống khổ, để rồi đẩy chính mình vào vực thẳm chi tiêu".
Chỉ ra cái nhìn đúng nhắn về chuyện tiết kiệm và tiêu hoang, độc giả Anh Ngo cho rằng: "Tôi hiện còn độc thân, nên trong chi tiêu ăn uống, nếu muốn, tôi hoàn toàn có thể ăn cao lương mỹ vị bất cứ lúc nào. Nhưng nhiều người lại đang nhầm lẫn rằng cứ ăn nhiều, chi nhiều tiền cho chuyện ăn uống, là tốt cho sức khỏe. Họ quên mất rằng, điều quan trọng nhất là sự cân bằng. Khác biệt giữa tiết kiệm và tiêu xài hoang phí không phải ở chỗ bạn phải ăn kham khổ, mà là bạn biết cân bằng, biết chế biến ngon, biết bày biện đẹp mắt, đó mới là tối ưu. Chứ nếu cứ suốt ngày đồ nướng, đồ nhập khẩu cũng chưa chắc đã tốt cho sức khỏe".
>> Thu nhập 100 triệu vẫn túng quẫn vì Covid-19
Đồng quan điểm, bạn đọc Truelove bổ sung thêm: "Ăn uống thừa chất chưa chắc đã tốt cho sức khỏe. Ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, sữa, đồ ăn ngoài, chế biến sẵn, đôi khi còn khiến bạn mắc thêm bệnh tật. Ăn trái cây cũng phải hiểu hàm lượng chất dinh dưỡng của từng loại mà ăn cho phù hợp, chứ không phải cứ hàng nhập mới là tốt. Qua trọng nhất là bạn phải hiểu đúng về dinh dưỡng thì mới thay đổi được cách ăn uống hằng ngày. Theo tôi, với trái cây, cứ tìm nguồn hoa quả sạch của Việt Nam mà xài, vừa đa dạng lại đủ chất dinh dưỡng. Chuối, bơ, đu đủ, xoài, ổi... đều là các loại quả theo mùa, đảm bảo tốt và đầy đủ dinh dưỡng, hơn nhiều mấy loại trái cây nhập khẩu toàn chất bảo quản".
"Vậy làm sao để giúp các bà nội trợ cải thiện chi tiêu cho hợp lý?", độc giả Phương Quỳnh Nguyễn Thị chỉ rõ vai trò của người chồng: "Các ông chồng cũng nên chia sẻ cùng với vợ chuyện này. Một số phụ nữ tiêu hoang nằm ở vấn đề tâm lý, họ biết nhà sắp cạn tiền, thậm chí đang mắc nợ, nhưng không dừng lại được. Thứ nhất, là bởi họ bị sốc trong điều kiện hiện tại, và việc được mua đầy đủ mọi thứ khiến họ an tâm, nhờ tâm lý ổn định giả tạo rằng mình vẫn ổn. Điều giúp họ vượt qua tâm lý này chính là sự chia sẻ, an ủi, động viên từ chồng. Nếu có thể, các bạn hãy giúp vợ mình kiểm soát các khoản chi tiêu. Tức là, một số chi tiêu trong gia đình, hai vợ chồng có thể ngồi cùng nhau, cùng vạch ra các mức trần chi tiêu hàng tháng...".
Bạn đọc Mít cho rằng, lựa chọn chi tiêu vừa phải, hợp lý sẽ là chìa khóa giúp các gia đình vượt qua những khó khăn mùa dịch: "Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, việc chi tiêu trong gia đình mỗi người cần điều chỉnh lại. Bạn chỉ cần bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng là được, ưu tiên những đồ ăn, thức uống chứa nhiều chất đề kháng. Còn những món lẩu, món nướng hay món ăn sang chảnh, có thể tạm thời dừng lại để giữ tài chính, giúp gia đình cầm cự qua đợt dịch. Ngay cả khi chỉ có thu nhập 10 triệu một tháng, nếu bạn mua thực phẩm đơn giản, bình dân thì có thể trụ được 20-25 ngày.
Ngược lại, nếu bạn ăn uống hoang phí theo kiểu tháng ba bữa lẩu, một bữa nướng thì chắc chắn sẽ chỉ được 10 ngày là hết tiền".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.