Kể từ khi bắt đầu giãn cách xã hội được áp dụng ở TP HCM, tôi bắt đầu quá trình trồng cây (rau muống) để cho thư thái đầu óc. Và tôi phát hiện ra rằng, ngoài việc giảm stress, việc trồng rau còn giúp tôi đúc kết ra nhiều bài học trong cuộc sống này. Chắc nhiều người sẽ thắc mắc: "Có mỗi gieo hạt, tưới nước thôi thì làm gì mà học được điều gì cơ chứ?". Nhưng, đây là một số điều tôi rút ra được khi trồng cây rau muống:
1. Tôi bắt đầu trồng bằng cách gieo hạt trực tiếp nhưng số cây phát triển chỉ đạt tầm 40-50%. Sau đó, tôi ngâm và ủ hạt thì số lượng cây phát triển gần như là 100%. Kinh nghiệm không tự nhiên mà có, bạn phải tích lũy thông qua những lần (try and fail). Mọi việc bạn làm đều có xác suất thất bại và thứ bạn cần quan tâm là giảm xác suất đó xuống mức thấp nhất.
2. Trong lần đầu trồng, hiệu suất chỉ đạt tầm 50% và chẳng ai quan tâm đến việc tôi bắt đầu trồng rau muống (kể cả người trong nhà). Nhưng khi tôi có hai vườn rau xum xuê, tươi xanh, thì mẹ tôi rất hay lên đây để ngắm và lâu lâu đợi nắng lên chụp hình gửi cho hội bạn. Cô hàng xóm nhìn hai vườn rau của tôi cũng thích tít mắt. Thế nên, đừng mong đợi sự công nhận của người khác, khi bạn thật sự có kết quả xuất sắc thì mọi người sẽ tự công nhận thành quả của bạn mà bạn thậm chí còn không cần nói với họ. Nói tới đây thì tôi lại nhớ tới câu trả lời của Batman khi cảnh sát trưởng Gordon muốn biết danh tính của anh: "My action will tell you who I am" (hành động của tôi sẽ nói cho bạn biết tôi là ai).
3. Trồng rau, bạn phải tưới nước rất nhiều, không tưới thì rau sẽ dần héo và chết. Cây rau có thể hiểu là mục tiêu, nước chính là thói quen. Vậy để mục tiêu thành hiện thực, bạn cần liên tục "tưới" thói quen một cách đều đặn và kiên trì (dĩ nhiên phải là thói quen tốt).
>> Vườn rau sân thượng giúp sống khỏe mùa Covid-19
4. Cùng một chậu, cùng một loại đất, nhưng có cây phát triển nhanh, che khuất các cây còn lại. Trong số những cây phát triển chậm, có những cây vàng úa và dần dần bị vứt đi. Cũng giống như cùng một điều kiện phát triển, cá thể nào tận dụng được những nguồn lực có sẵn một cách hiệu quả nhất sẽ là những cá thể đạt được thành công sớm nhất. Còn những cá thể còn lại phải cố gắng gấp hai, ba, nhiều lần để đuổi kịp những cá thể phát triển nhanh kia, nếu không sẽ bị thải loại (hay nói đơn giản hơn là "Cần cù bù thông minh").
5. Nếu cây con, ngay từ thời điểm ban đầu, vì lý do gì đó mà bị uốn cong thì khi lớn lên thân cây cũng sẽ bị xiêu vẹo như vậy. Giống như nếu bạn không nghiêm khắc dạy dỗ con cái ngay từ khi còn nhỏ, thì sẽ rất khó để chỉnh đốn khi chúng bước vào độ tuổi trưởng thành.
6. Khi trồng ở nơi không che chắn thì luống rau (khi chưa phát triển đầy đủ) sẽ bị các trận mưa giông quăng quật rất "tàn bạo" và cây nào không chịu nổi sẽ bị gãy cành. Trong một môi trường khốc liệt, chỉ những cá thể có nền tảng vững chắc nhất mới có thể đứng vững và tiếp tục phát triển qua những khó khăn.
7. Sau một đợt thu hoạch, cây rau muống sẽ phát triển từ gốc cây nhanh hơn và to hơn so với khi trồng từ hạt. Tương tự với việc khi bạn đã có một nền tảng vững chắc (về kiến thức, nhận thức, tài chính) và con cái của bạn tiếp thu những nền tảng đó một cách trọn vẹn thì chúng sẽ đạt được những thành tựu cao hơn, trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với chính cha mẹ của mình (nói đơn giản là sự kế thừa).
Đó là những chiêm nghiệm và bài học trong quá trình trồng rau của tôi. Hy vọng sau này khi có con, tôi vẫn sẽ ghi nhớ những điều này để truyền đạt lại cho chúng - những bài học về cuộc đời mà trường lớp sẽ không dạy.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.