Chứng kiến cảnh người dân ùn ùn đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội, tôi thấy lo lắng và ngao ngán cho ý thức của nhiều người. Đảo qua một vòng các bình luận, tôi thấy đa phần người ta chê trách cơ sở y tế đã làm việc thiếu chuyên nghiệp, nào là "không có hướng dẫn và phân loại xếp hàng vòng ngoài", nào là "không có rào ngăn cách cho xếp hàng thành so le", nào là "tổ chức quá ẩu"... Hình như chúng ta thường dễ dàng đổ lỗi cho cơ quan chức năng, cho các tổ chức mỗi khi xảy ra bất cứ tình huống bất cập nào. Đó có lẽ là cách làm dễ nhất, nhưng lại có phần thiếu công bằng.
Đồng ý là việc tổ chức ở đây có vấn đề, chưa chuyên nghiệp. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong một thời gian ngắn như vậy, lực lượng nhân sự vốn đã thiếu hụt, chủ yếu là người làm chuyên môn, ít kinh nghiệm tổ chức, lại phải tiếp đón một lượng người lớn bất thường đổ về cùng một lúc, việc bị khớp trong khâu tổ chức âu cũng là chuyện dễ hiểu và thông cảm được.
Thế nhưng, có một khía cạnh mà người ta không biết do vô tình hay cố quên mất ở đây, đó chính là ý thức của những người đến làm thủ tục. Đã bao giờ các bạn tự hỏi cảnh hỗn loạn này xuất phát từ đâu? Thực ra chẳng cơ quan, tổ chức nào muốn chuyện này xảy ra cả, nhưng phải cần bao nhiêu người mới có thể ngăn được hàng trăm con người đang hăng máu nhao lên ngoài kia?
Tại sao chúng ta không đặt ngược lại vấn đề rằng sao những người đến là xét nghiệm Covid-19 không tự giác xếp hàng và giãn cách theo quy định 5K? Đừng đổ tại cơ sở không bố trí người sắp xếp hay kẻ vạch giãn cách, bởi đó là trách nhiệm tự giác của mỗi người. Bạn không thể tự cho mình cái quyền chen lấn, xô đẩy chỉ vì vin vào cái lý do "có ai kiểm soát đâu". Một xã hội văn minh, với những con người có ý thức, chắc chắn không làm vậy.
Hình ảnh này lại khiến tôi liên tưởng tới ngày tiêm chủng mà tôi có cơ hội tham gia mới đây tại bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội. Hôm đó, theo danh sách công bố, có khoảng gần 1.000 người tham gia tiêm vaccine Covid-19. Những người này đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, các Bộ ngành khác nhau, nhưng chắc chắn đều là người có học thức. Ban tổ chức đã phân thành nhiều mốc giờ khác nhau trong buổi sáng để chia đều lượng người tiêm vào các ca, tránh việc tập trung quá đông cùng một thời điểm. Ấy vậy nhưng ngay từ đầu giờ sáng, số lượng người kéo đến đã gần như quá tải dù buổi tiêm được tổ chức tại một hội trường khá lớn.
>> Mang sẵn bao gạo, bó rau để ra đường mùa dịch
Tất cả những gì gây ấn tượng cho tôi ngày hôm đó là cảnh lộn xộn, chen lấn, tất nhiên cũng không đến mức như vụ việc các tài xế đến xét nghiệm vừa qua. Dù ban tổ chức bố trí nhiều hàng ghế cho những người chờ tới lượt, nhưng người ta vẫn cố chen lên nhanh nhất có thể để được tiêm sớm. Mọi sự nhắc nhở, sắp xếp của ban tổ chức dường như cũng không thể đảm bảo tuyệt đối sự trật tự, giữ khoảng cách theo quy định. Tôi nhớ không dưới mười lần, đại diện bệnh viện phải bắc loa nhắc mọi người giữ trật tự và nghe theo sự sắp xếp của ban tổ chức, và phần lớn trong số đó không có mấy tác dụng.
Sau ba tiếng vật lộn giữa đám đông, cuối cùng tôi cũng hoàn thành tiêm chủng trong trạng thái mệt nhoài. Nhiều người đến sau tôi những đã về trước, có thể họ nhanh hơn tôi, chen lấn giỏi hơn tôi nên mới được vậy. Chỉ một buổi tiêm chủng, nơi quyền lợi được chia đều cho tất cả, nhưng đã thấy một phần trong nếp nghĩ của nhiều người Việt. Thế nên chẳng trách, những tài xế kia tìm mọi cách chen lấn, xô đẩy khi mà quyền lợi sát sườn của họ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ý thức, sự bình tĩnh, kiên nhẫn, tôn trọng hàng lối, thứ tự có lẽ là những thứ chúng ta còn rất kém. Chỗ tôi vừa có thông tin phát phiếu là người ta ùn ùn kéo lên cơ quan xin giấy, nghĩ mà thấy nản. Thế nên, dù có tổ chức quy củ đến mấy, nếu bản thân người dân không tự giác hành, không tôn trọng luật lệ, vẫn mạnh ai nấy làm, chen lấn, xô đẩy cho bằng được, thì tất cả công sức cũng thành công cốc.
Thiên tai, địch họa thời nào cũng có. Những tấm gương xếp hàng văn minh, nhường nhịn nhau trong hoạn nạn như tại Nhật Bản, hay các nước châu Âu vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng xem ra người Việt vẫn còn hay quên lắm. Nếu chúng ta không thay đổi, không chịu văn minh lên từ trong nếp nghĩ cho đến hành động thì dù 4.0 hay 5.0, chúng ta vẫn sẽ đi sau thế giới.
Tôi mong một ngày người Việt chịu tự giác bình tĩnh xếp hàng trật tự, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng người làm nhiệm vụ, không cần đợi có người hò réo, nhắc nhở, khi ấy có lẽ cũng sẽ bớt đi những lời ca thán, chê trách chuyện thiếu cái vạch kẻ, hàng rào.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.