Tôi sống tại nhà vợ ở quận Gò Vấp, TP HCM và chưa từng sợ hãi điều gì khi nơi này bước vào thời kỳ giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào những ngày đầu tháng sáu, để phòng chống dịch Covid-19. Chính xác hơn, tôi không lo lắng về cuộc sống mùa giãn cách.
Tôi là một biên kịch, công việc của tôi chuyên viết kịch bản phim cho các nhà sản xuất, các đài truyền hình. Thu nhập tối thiểu của tôi mỗi tháng khoảng 45 triệu, đó là chưa tính thêm các khoản nhuận bút từ các tòa soạn báo mà tôi hay cộng tác.
Không phải vì tôi có thu nhập tốt nên không lo lắng gì về cuộc sống mùa giãn cách, mà thực tế, trước khi giãn cách xã hội diễn ra, ngoài việc phải tham gia họp phim, hay thỉnh thoảng đi theo đoàn phim như hợp đồng, tôi cũng không có thời gian để la cà nơi đâu hết. Cuộc sống của tôi chỉ gói gọn bên chiếc laptop để làm việc, thi thoảng cuối tuần dẫn con ra công viên chơi... Chính vì thế, khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, tôi có phần nào đó còn thích vì khỏi phải đi đâu cho mất thời gian.
Tôi hiểu việc giãn cách xã hội sẽ khiến nhiều người mất đi thu nhập, cuộc sống lâm vào tình cảnh khó khăn, bí bách. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp của tôi thì không. Các đài truyền hình hay các nhà sản xuất phim dù không tổ chức các êkíp đi quay phim được (cũng vì giãn cách), nhưng nhu cầu kịch bản thì vẫn cần, thậm chí rất cần, nên tôi và các đồng nghiệp của mình vẫn có nhiều việc để làm cùng mức thu nhập rất tốt. Chính vì thế, suốt quãng thời gian gần ba tháng giãn cách tính đến lúc này, tôi vẫn chăm sóc được cho ba mẹ đang ở quê, gia đình nhà vợ ở TP HCM và cả những người thân quen khác cần tôi trợ giúp...
Tuy nhiên, cũng chính vì thời gian giãn cách kéo dài, cộng với những biến chuyển nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, tôi tuy không quá khó khăn về kinh tế, nhưng cũng không có nghĩa là không biết sợ hãi về những gì đang diễn ra xung quanh mình mỗi ngày. Covid-19 mang theo nhiều điều nguy hiểm khác, chứ không chỉ mỗi vấn đề miếng ăn hay cuộc sống không tiền.
>> Vượt qua áp lực 'bốn bức tường' mùa dịch
Tôi nhớ hôm đó, chính quyền đến hẻm nhà tôi giăng dây. Có ai đó bị "dính" Covid-19. Một tháng sau, ngay sát nhà tôi lại là một "ổ" F0, cả căn nhà bị phong tỏa... chúng tôi cũng bị liên lụy. Tuy nhiên, điều đau buồn nhất là có những người tôi quen biết đã qua đời vì dịch bệnh. Rồi bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng của tôi có người thân qua đời, nhưng họ đành bất lực tiễn biệt online vì không thể về quê được.
Ba mẹ già của tôi sống tại vùng dịch Khánh Hòa, và không ngày nào tôi không nghĩ về họ. Tôi sợ, một ngày nào đó, điều không mong muốn là Covid-19 sẽ tìm đến ba mẹ, gia đình tôi. Hàng ngày trôi qua, nhưng cảnh đời khốn khó, chuyện tiêm vaccine, các giải pháp phòng chống dịch, vấn đề cung ứng thực phẩm... có lẽ không còn quá xa lạ với bất cứ ai.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, chống chọi với dịch bệnh là câu chuyện mang tầm vĩ mô, trong khi bảo toàn sinh mệnh mùa dịch lại là thách thức trước mắt của từng tổ ấm.
Dịch bệnh mang lại những hiểm nguy trực tiếp cho người mắc phải, nhưng cái cảm giác mà nó để lại cho những người đang nơm nớp còn lại cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Tôi biết Chính phủ đang dốc hết sức và thi hành hàng loạt biện pháp để kiềm tỏa sự phát triển của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Tôi luôn cảm ơn các động thái này và mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ làm tốt mọi điều để chiến thắng dịch bệnh.
Nhưng mặc khác, tôi cũng hiểu rằng, mỗi người, mỗi gia đình đều phải cố gắng hết sức để bảo vệ chính mình, dù việc đó không hề đơn giản. Tôi đã biết sợ hãi về những gì mà dịch bệnh có thể đem đến. Tôi hiểu rằng, cuộc sống giãn cách hiện tại có thể khiến nhiều người khổ sở về miếng ăn, về cơn bệnh bất chợt ập đến mùa giãn cách, và nhiều điều khác nữa, chứ không chỉ là mất thu nhập. Tuy nhiên, không có nỗi khổ nào lại sung sướng hơn nỗi khổ nào, và chỉ có sinh mạng là quan trọng nhất.
Làm gì để bảo vệ mình và gia đình? Và có khi nào chuyện tai ương sẽ ập đến hoàn cảnh của mình không? Nghĩ đến điều đó mỗi ngày đã khiến tôi biết sợ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.