![]() |
Ảnh minh họa. |
Mình cũng phải bật cười với mấy câu thơ "con cóc" vì từng câu, từng chữ có chút không thỏa đáng để diễn tả hình ảnh của 4 câu thơ ngắn ngủi, nhưng đó lại là một cảm xúc len lỏi trong tâm tư sau một buổi chiều đi chợ Tết. Một cảm giác vui vui khó tả khi hòa mình trong không khí Tết, khi nhìn thấy câu đối liễn treo trên một cửa hàng bán bánh Tét, bánh chưng:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Cảm giác của mỗi một người như có một ngôn ngữ riêng - một ngôn ngữ mà ngay cả ngôn từ của chính mình đôi lúc cũng phải bất lực trước chính nó. Trong buổi chợ chiều, có thể mình cảm thấy vui vui vì cửa hàng đó rất biết quảng cáo sản phẩm của họ qua hình ảnh của câu đối đỏ, một chiếc bàn với những cặp bánh tét, bánh chưng và một phong pháo nhỏ bên cạnh. Cũng có thể mình cảm thấy vui vì khung cảnh xung quanh được trang hoàng bởi rất nhiều loại hoa, cây cảnh khác nhau. Những gói mứt, gói quà được gói ghém rất bắt mắt. Những hình ảnh vui nhộn, hồng hồng đỏ đỏ của những chú bé được cắt dán lên trên cửa kính, kèm theo những khúc nhạc xuân rộn ràng cũng làm mình như rạo rực hơn. Được cảm nhận không khí của ngày Tết, được hòa lẫn vào dòng người tấp nập của cộng đồng người Việt làm mình cảm thấy ấm áp và gần gũi hơn rất nhiều.
Trong không khí chung vui của những ngày nhộn nhịp đón Tết là những tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân xen lẫn với nhau. Sự ấm cúng phía trước đồng nghĩa với cái se lạnh của khí hậu sau lưng qua những hàng cây trụi lá đang đâm chồi nẩy lộc mà bạn phải đi qua trên con đường về. Khi bạn phải xa gia đình và sống ở trong những nơi có bốn mùa rõ rệt, bạn mới thấy được sự đặc trưng của hai mùa mưa nắng nơi quê mình. Chỉ khi nào, trước mắt bạn là trời đất bao la trong một màu tuyết trắng, bạn mới thấy được hết cái đẹp của nhành mai, cánh đào hồng thắm trong sắc đông. Khi và chỉ khi bạn xa quê, bạn mới cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết là dường nào.
Tâm trạng của những người xa quê hương nói chung, hay tâm trạng khi đón Tết trên đất người nói riêng là những cảm xúc buồn vui lẫn lộn khi nhớ về cái Tết năm nào. Nhớ về đất Việt, nhớ về mảnh đất mình đã từng sinh ra và lớn lên trong tiếng nói, tiếng cười của cha mẹ, trong sự đầm ấm của gia đình, để rồi ngước nhìn bầu trời đêm thăm thẳm và hướng đến một nơi nào đó xa xôi thì trong lòng nỗi nhớ lại trào dâng.
Nhớ làm sao con đường làng đất đỏ, nhớ ngày nào cùng đám bạn trong xóm rủ nhau đốt từng viên pháo lẻ, rủ nhau cùng canh nồi bánh tét, bánh chưng của từng nhà để khỏi phải bắt đi ngủ sớm để được chơi bài, được khúc khích cười đùa cùng đám bạn cả đêm. Thấp thỏm để rồi biết được mình vui bao nhiêu khi mình là người đầu tiên thưởng thức những chiếc bánh ú nho nhỏ mặc dầu bị xì nhiều chỗ nhưng do chính tay mình làm ra. Lòng thầm hỏi có thấy nhớ không? Có khác biệt gì không khi ngày Tết quê hương là những lúc chen chúc nhau để hòa quyện vào chợ đêm trong những ngày giáp Tết. Có khác biệt gì không khi cùng bạn bè len lõi giữa những con đường tấp nập dạo phố xem phường cùng vui trọn ngày xuân. Giờ đây một mình một bóng lái xe trên con đường về, một khoảng cách an toàn nhất định, không một tiếng còi, ít sự chen lấn tranh giành đường, tất cả, hầu như tất cả đã là luật lệ của trời Tây.
Nơi trời quê cha và em, nửa cánh chim cô lẻ
Ở trời Tây, mẹ và anh, nửa cánh nhạn lạc loài.
Đời đổi thay kéo theo nhiều việc thay đổi. Cuộc sống chuyển dời đã chia cách biết bao nhiêu số phận, đã làm chia ly một cánh chim thành một bên cô lẻ, một nửa lạc loài. Trong một chút đổi thay rất nhỏ được thể hiện bằng ngôn từ là một một khoảng cách hụt hẫng gần như bất tận. Cái mới, cái đẹp nơi xứ lạ tưởng chừng như khỏa lấp được tâm hồn vào ban ngày, thì về đêm, khi đối diện với chính mình lại là sự cô độc, hụt hẫng, bừng lên thành cảm giác lạc loài gần như gấp bội. Nhớ cha, nhớ em! Nhớ đến sinh nhật của từng người. Vẫn nhớ đến những kỷ niệm, để vui, để buồn, để khi dịp lễ về lại lục lọi trong ký ức xa xưa cho vơi bớt đi những nỗi muộn phiền. Mỗi độ trăng tròn lại ngước mắt nhìn lên chỉ để cho lòng cảm thấy chút nhẹ nhàng và ấm áp khi nghĩ về cha, về mẹ. Có phải chăng, khi nghĩ đến bản thân là muốn tìm chút thanh thản chìm sâu trong cảm giác ngậm ngùi?!
Giờ đây, đông qua Tết lại về. Phải chăng cái lạnh cuối đông làm ấm lòng người viễn xứ, hay cái nắng nhạt vàng của những ngày đầu xuân làm chạnh lòng những kẻ xa quê?
Đà Lạt trong tim là mối tình đầu nhẹ nhàng, sâu ... kín... Đà Lạt trong ký ức là sự thanh bình phẳng lặng như hồ nước xanh biếc trời mây, là cảnh sắc thơ mộng với núi non trùng điệp được tô điểm bằng tiếng vi vu của những đồi thông xa ngút ngàn. Đà Lạt, thành phố quanh năm mát ... lạnh ..., là tiềm thức sẽ mãi mãi không phai.
Đà Lạt quê mình là xứ sở của hoa anh đào nên mỗi năm vào dịp Tết, cũng như ngoài miền Bắc, thường thấy hoa đào nở rộ. Màu hoa đào đỏ thắm, cội mai già sừng sững giữa trời đông tượng trưng cho sức mạnh, cho sinh khí tốt lành và là lời cầu nguyện, chúc phúc đầu năm. Ở miền Nam và miền Trung lại có thêm cánh mai vàng rực rỡ nói lên điều mong mỏi cho sự vinh hiển, cao sang trong những ngày Tết đến. Dù là miền nào trong đất nước thì bạn cũng có thể chọn được một nhánh mai, cành đào theo ý thích. Nhưng với mình, cái Tết đầu tiên xa quê vốn không có một cành mai hay nhánh đào để chọn lựa mà chỉ là một chậu hoa mai nhỏ bằng nhựa để đón xuân. Mang trong lòng tâm trạng nhớ nhung và đón cái Tết đầu tiên nơi xứ lạ đã để lại cho mình rất nhiều dư vị không thể quên.
Cuộc sống dần quen, mình cũng đã có thêm vài người bạn mới. Họ là những người chung trường lớp, là người bạn du học sinh, là anh, là chị đã để lại gia đình sau lưng. Họ là những gia đình không trọn vẹn vì một nữa mái ấm vẫn còn lai ở quê hương. Dần quen với cuộc sống mới là hòa nhập vào cộng động người Việt bé nhỏ, để rồi sự cố gắng chung của mọi người theo năm tháng cũng đã lớn dần lên. Những phong tục, tập quán và sinh hoạt trong ngày Tết tuy phải rút ngắn lại theo sự hối hả của cuộc sống nhưng bản chất của ngày Tết vẫn được giữ gìn và ngày càng có thêm phần đa dạng. Những cơ sở, những khu thương mại, những ngôi chùa, thêm mỗi năm xác pháo lại thêm phần tràn ngập. Mẹ đã có thể tự mình chọn mua cành mai, nhánh đào ưa thích. Trong nhà đã có thêm chậu tắc cành lá xum xuê, tươi tốt, những quả vàng chi chít chín mọng hứa hẹn một năm mới trù phú, ăn nên làm ra, như hình ảnh cây tắc năm nay đã được mùa.
Hàng năm, vật dụng mua sắm tuy đã có thêm phần phong phú nhưng vẫn không tìm mua được đầy đủ những trái sung nho nhỏ, những trái dừa no tròn hoặc trái mảng cầu mọng chín. Mâm ngũ quả năm nào cũng vậy, chỉ là nãi chuối xanh cong lên như ôm lấy trái bưởi thể hiện sự yêu thương đùm bọc và được trang trí thêm bằng hoa quả của đất người.
Đến tận bây giờ, dù mình được may mắn sống ở San Jose, thành phố phồn hoa nhiều người Việt, nhưng những người bạn, người thân, theo với sự bấp bênh của nền kinh tế đã phải trôi dạt tứ phương nhiều năm trước. Nơi đó là những nơi mà họ phải đi ba, bốn chợ khác nhau để ráng tìm mua, đôi lúc lại chẳng có đủ hương vị để nấu một nồi phở, hoặc một bữa cơm gia đình với món ăn rất Việt. Sau những lần gọi phone thăm hỏi nhau là những lời căn dặn: "mày có qua thì ghé gia đình tao để đem thêm vài món ăn, và nhớ ghé mua vài món nhậu tao thích nữa" hay "Tết này em có qua thì nhớ mua hộ anh một cành mai".
Đằng sau những lời căn dặn gần gũi đó là những hồi ức của năm nào cùng nhau ra chùa đốt pháo. Đêm 30, thời khắc giao thừa là ánh lửa chớp lóe đưa theo gió tiếng pháo nổ giòn tan. Hết pháo lại pháo, pháo tiếp theo pháo, pháo nổ đùng đùng giữa đám đông chen chúc với biết bao nụ cười rạng rỡ trên đôi môi. Như ngây, như ngất trong mùi nồng nàn quen thuộc của pháo làm thời gian, tâm trí như dừng lại. Lúc bừng tỉnh thì xác pháo đã ngập đỏ cả sân chùa mà âm thanh mùi vị của pháo Tết vẫn còn chưa tan. Pháo cũng hết, chùa lại tan, những câu nói giản dị "tao chưa muốn đi về" và "anh biết sẽ về đâu!" lại văng vẳng bên tai. Những câu nói trong ngày Tết tuy bình dị nhưng lại chứa đựng một điều gì đó thầm kín, sâu xa. Phải chăng sau những ngày Tết ngắn ngủi sẽ là sự lặng lẽ thường ngày nên muốn tìm chút gì đó để sưởi ấm thêm cõi lòng. Nơi nào mới thực sự là nhà để sải bước thong thả về trong những ngày đầu năm?!
Xuân đến là khi mình thay đổi cái cũ, giũ bỏ những cái không may để đón chào nhiều điều tốt đẹp. Tết về là lúc mình lại hướng tới gia đình để mong mỏi mọi người sẽ lại được đoàn viên. Trên khắp nẻo đường quê hương, nếu bạn là học sinh xa nhà, hay bạn là người phải xa gia đình vào thành phố làm việc, bạn sẽ có một cái nhìn đồng cảm, một sự cảm nhận sâu sắc hơn khi phải đón Tết xa gia đình. Sự nhộn nhịp của đường phố, những tiếng cười tiếng nói xung quanh của những người gần gũi nhưng xa lạ chỉ làm cho nỗi nhớ nhà trở nên thôi thúc, mãnh liệt.
Giờ này trên đất Việt, chắc đã có nhiều bạn háo hức trên chuyến đường về quê ăn Tết cùng gia đình, nhưng ở một nơi nào đó lại có một số bạn nấn ná ở lại để làm thêm nhiều công việc khác nhau. Thêm một ngày là có thêm một đồng cho cuộc sống. Sự thôi thúc mãnh liệt dù là nhỏ nhoi của từng người, hay là sự tha thiết trông mong cùng gia đình đoàn tụ sẽ được gói ghém bằng những đồng tiền vất vả kiếm thêm gửi về cho cha cho mẹ, để mua thêm những chiếc áo mới, thêm chút quà chút bánh cho em.
Tết, là sự háo hức, là hạnh phúc của một người khi vẫn còn may mắn đón Tết cùng người thân. Tết là Tết, là cảm xúc rung động của những người phiêu bạt vì cuộc sống, vì học hành phải đón Tết xa gia đình. Tết là Tết trong Tết, là cảm nhận của một cộng đồng khi phải đón Tết xa quê hương. Tết là tất cả, là bao gồm truyền thống lâu đời, là hình ảnh tượng trưng của những nhánh mai, cành đào, là ngôn ngữ đất Việt, là thăng trầm của mỗi gia đình đã góp thêm phần ý nghĩa, hương vị, sắc màu trong những ngày đầu xuân.
"… Xuân Xuân ơi! Xuân đến rồi, cánh én bay về cho tim mình nao nức.
Xuân Xuân ơi! Xuân đến rồi, những đoá hoa vàng chào mừng xuân sang…"
Vang vọng trên radio là những bài hát xuân rộn ràng. Với nốt nhạc trầm bổng, sự dày công sáng tác của nhiều nhạc sĩ được thể hiện bằng những giọng ca ấm áp, ngọt ngào đã làm thức tỉnh biết bao người sau một năm dài vất vả. Chỉ trong một thòi điểm nhất định, chỉ mỗi năm một lần mới ngồi lại, lắng nghe, và trầm tư theo những khúc ca xuân để rồi lòng không khỏi xúc cảm, bồi hồi.
Tết năm nay có nhiều người thất nghiệp lắm, nhưng chắc cũng vui, cũng lại được nghe tiếng pháo, lại thấy chợ hoa, sẽ có thêm lễ hội Trưng Trắc Trưng Nhị, và có thêm nhiều tiết mục vui hòa chung với cái Tết của những sắc dân châu Á khác trên đất người. Nhưng… Tết nào cũng vậy, dù có vui đến mấy, dù Tết qua rồi Tết lại về, Tết nào cũng mong mỏi rằng một mùa xuân năm nào gia đình sẽ lại được xum vầy. Được hân hoan, hạnh phúc đón một cái Tết trong Tết không chỉ đơn giản khi cả nhà mua vé về là đủ, mà là lúc nhận ra rằng dù có trở về thì sự mong muốn nhỏ nhoi đó cũng chỉ là xa vời.
Với mình, Tết Việt nơi xứ người là vậy, là Tết mang đậm nét giữ gìn, là cái Tết chứa đựng sự ấp ủ hy vọng xen lẫn với cái Tết trong ký ức khi hướng về gia đình, hướng về đất Việt. Tết của người thân ở quê nhà là cái Tết đơn lẻ, là cái Tết với sự thôi thúc của nhớ nhung được chia sẻ qua những hình ảnh và sự hình dung có chút mơ hồ khi nghĩ đến xứ người xa xăm.
Thoáng chút ngại ngùng khi nói đến tâm tình riêng, nhưng mong là bài viết đầu tay, cũng như sự chia sẻ này sẽ thay thế cho cánh thiệp đầu xuân mà mình gởi tới gia đình, gởi đến cho cha, gởi đến cho em, gởi đến cho bạn bè cũng như gởi đến tất cả mọi người. Nhân tiện, mình mạn phép đổi ngược lại bốn câu thơ "con cóc" để tạm dừng những cảm nhận về Tết, Tết nơi xứ người.
Mừng xuân Tân Mão, mình cũng muốn được một lần hé mở cửa lòng cầu chúc đất Việt càng ngày sẽ càng có thêm nhiều nhân tài. Mình thật tâm xin chúc toàn dân Việt trong năm mới này có một cuộc sống ổn định, ấm no, an bình và hạnh phúc!
Xuân đã sang, trầm thăng xứ lạ
Nơi đất Mẹ, phường phố rộn vang
Mừng xuân sang, cúc lan vàng nở.
Mở hé lòng, chào năm mới sang!
2011 mừng năm mới sang!
Nguyễn Bá Vỹ (từ San Jose, Mỹ)
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xin mời xem thể lệ tại đây.