![]() |
Bánh chưng xanh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tự nhiên thấy trong lòng buồn ghê vậy đó. Mà nghĩ thiệt kỹ thì mình nhận ra là mình đang rất nhớ... Nhớ cái mà ai đi xa cũng nhớ... Nhớ quê hương, hai từ nghe đơn giản mà sao nặng trĩu tình thương. Bất cứ người con nào xa xứ mà không hiểu nỗi nhớ quê hương chứ. Nói rộng là nhớ quê hương, nói cho gọn hơn, mộc mạc và gần gũi hơn là nhớ nhà.
Có lẽ càng gần dịp Tết mình lại càng cảm thấy nhớ nhà da diết hơn bao giờ hết. Nhớ cha mẹ, nhớ anh chị và các cháu nhỏ tíu tít của mình. Cứ mỗi dịp gần Tết, đó là dịp mà cả nhà mình ai cũng bận rộn lắm. Vì gia đình mình kinh doanh mà, dịp này là dịp ăn nên làm ra, nên ai cũng tranh thủ làm cả.
Mình nhớ hồi mình còn ở Việt Nam, hồi ba mẹ mình bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, lúc đó chị em mình còn nhỏ lắm. Bận học hành đó, bận thi cử đó, nhưng mỗi ngày chị em mình đều phụ ba mẹ đi giao hàng, thu tiền cho những bạn hàng gần nhà, nhiều khi đến tận khuya. Lúc đó sao mà mình ghét những việc đó ghê. Cứ nghĩ là mình đã phải học nhiều lắm rồi, mà vẫn phải làm những việc mà lẽ ra của người lớn. Cứ nghĩ là trẻ con thì chỉ có học và chơi.
Nhưng mà sau những ngày bận rộn ấy, khi vào dịp 26 Tết thì nhà mình đông vui lắm. Vì mẹ và các chị gói bánh chưng, giò thủ. Mỗi lần mẹ làm là gần 30 cái bánh chưng lận. Mẹ làm cho gia đình, cho người thân, cho bạn bè. Viết đến đây, thấy nhớ mẹ, nhớ những chăm chút của mẹ lên từng chiếc bánh. Nhớ cái hương vị có một không hai của mẹ. Nếu như con ở bên cạnh mẹ lúc này con sẽ nói là "Mẹ làm ngon lắm mẹ ơi!". Không biết sao, mình đã từng ăn qua rất nhiều loại bánh chưng, nhưng chỉ có hương vị mẹ làm đối với mình là ngon nhất. Có lẽ vì hương vị ấy đã gắn bó suốt tuổi thơ của mình.
Rồi đến đêm giao thừa, mình và chị phụ mẹ dọn mâm cúng, nào là mâm ngũ quả, gà trống, bánh chưng, giò thủ... đủ hết đó. Mà đặc biệt là mâm ngũ quả mẹ cúng cũng không giống với quy luật truyền thống "Cầu vừa đủ xài". Mẹ bỏ đi một quy luật. Mẹ cúng "cầu vừa đủ" (có nghĩa là mãng cầu, dừa, đu đủ) cùng với thơm (trái dứa) và dưa hấu đỏ. Mẹ mình nói, mẹ chỉ mong cầu trời phật tổ tiên cho mẹ có đủ để lo cho gia đình, chứ không mong tiêu xài phung phí. Còn trái thơm thì là biểu tượng cho cuộc đời thơm tho, không điều tiếng thị phi. Vì thế mà mình thích cái quy luật này của mẹ hơn. Vậy đó, thế là xong một năm cũ, mọi thứ buồn phiền mệt nhọc cũng sẽ qua đi.
Mùng một Tết, chị em mình theo truyền thống chúc Tết ba mẹ, và quan trọng nhất đối với trẻ con tụi mình lúc đó là được nhận tiền lì xì. Đây có lẽ là điều quý nhất trong dịp Tết của người Việt, con cái phải hiếu thuận, tôn trọng ông bà cha mẹ. Cứ mỗi mùng một Tết, đó là ngày mà những người con đều mang đến những lời chúc tốt đẹp nhất cho cha mẹ và những người thân của mình. Và các bậc cha mẹ, bề trên, đều có những phần quà nhỏ (lì xì) để mang lại niềm vui và khuyến khích các cháu nhỏ một năm mới thật khỏe mạnh, ngoan ngoãn, và học hành thật giỏi hơn. Đó là dịp để tất cả mọi người thể hiện sự quan tâm lẫn nhau sau một năm nhọc nhằn lo toan kiếm sống, và bỏ qua hết những chuyện buồn của năm trước. Không biết đối với những người khác thế nào, đối với mình thì phong tục này rất có ý nghĩa. Nó là nét quý của người Việt chúng ta. Chỉ mong khi mà cuộc sống càng phát triển, chúng ta đừng để mất đi cái nét quý này. Đừng để đồng tiền làm mờ đi giá trị đạo đức của một con người, mà quên đi lễ nghĩa truyền thống của gia đình.
Khi lớn lên rồi mình mới hiểu hồi nhỏ mình nông cạn, phụ giúp ba mẹ có tí xíu mà than vãn. Giờ khi đã xa quê, có muốn chăm lo những cái nhỏ nhặt nhất cho bố mẹ như nấu bữa ăn hàng ngày cũng không được. Lớn lên rồi, mới hiểu tại sao mẹ hay nói, "cho mẹ đi du lịch nước ngoài cũng không bằng cho mẹ về thăm ông bà ở quê". Lúc nhỏ, mình nói là "ở quê buồn thấy mồ mẹ ơi". Giờ mình mới hiểu tại sao, bởi vì nơi đó là suốt 20 năm ký ức của mẹ. Đó là nơi mẹ sinh ra và lớn lên, nơi mà mẹ gắn bó suốt tuổi thơ của mình. Chỉ có mẹ hiểu được miền quê của mẹ đáng yêu thế nào. Cũng như mình bây giờ, mới hiểu "nhà" của mình mới tuyệt vời làm sao.
Mỗi người một gia cảnh, mình cho là mình đã được may mắn hơn rất nhiều người khác. Bởi vì mình được ba mẹ, gia đình anh chị và các cháu nhỏ yêu thương rất nhiều. Bởi vậy, cứ dịp Tết, cái dịp mà gia đình đoàn tụ, là mình chỉ muốn được ở bên gia đình mình, được ăn những món ăn ngày Tết mẹ làm. Khi đã định cư ở nước ngoài, mình luôn tự nói là, ít nhất một năm mình phải về nhà một lần. Nhưng cuộc sống có những lo toan, bươn chải, nhiều lúc mình đã không thể làm theo kế hoạch được. Cũng như Tết năm này mình đã không thể về thăm nhà được. Chính vì thế mà trong lòng mình nó bứt rứt, quặn đau ghê vậy đó. Viết đến đây, mà tự dưng thấy mắt mình cay cay. Chỉ muốn khóc như một đứa trẻ, chỉ muốn nói là con nhớ nhà lắm, ba mẹ ơi!". Tết năm nào cũng vậy, nhà mình luôn đầy ắp tình thương của ba mẹ dành cho chúng mình. Ôi, nhớ Tết lắm Tết ơi...
Mình chỉ muốn chia sẻ một chút nỗi nhớ nhà, nhớ Tết của mình cho tất cả những người con xa xứ như mình và tất cả những bạn đọc quan tâm. Mình cảm ơn tất cả những người Việt đã gìn giữ truyền thống Tết của chúng ta. Mình chúc cho tất cả mọi nhà một năm mới tràn đầy sức khỏe, và an khang thịnh vượng!
Phương Quỳnh
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.