![]() |
Tuyết lạnh ở Na Uy. Ảnh tác giả cung cấp. |
Mùa xuân nhớ nhà!
Những người con xa quê, xa đất Việt thương yêu, đều mong ước có dịp trở về quê đón Tết cùng gia đình. "Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi, Tết đến trong tim mỗi người. Mừng ngày Tết đến phố xá đông vui, người ra Trung ra Bắc vô Nam, người đi xa ai cũng nhớ về chung nhau bên gia đình”.
Tôi cũng là một người con xa quê, mỗi khi nghe lại ca khúc quen thuộc ấy, lòng tôi lại nhóm lên những nỗi nhớ, những điều rất khó tả. Tôi nhớ những đòn bánh tét mẹ tôi gói vào ngày Tết, nhớ những đêm mẹ thức trắng làm cho xong bánh mứt để hôm sau kịp rước ông bà. Nhớ những đêm mẹ ngồi ngoài hiên đếm từng ngày 27, 28, 29 thằng hai sẽ về. Ngày Tết về, cùng nhau bên gia đình là một khát khao, là hoài niệm không chỉ của riêng tôi mà mỗi người Việt xa quê đều mong ước.
Xuân năm đó cả gia đình tôi quyết định về Việt Nam. Tôi đã lấy chồng trên 10 năm và chồng là người Na Uy, thế nhưng phong tục tập quán của người Việt Nam vẫn còn in đậm trong lòng tôi. Tôi không quên những ngày cuối năm cùng mẹ đi chợ Tết ở đường Nguyễn Huệ, được ngắm những cành mai vàng, những chậu vạn thọ, chậu cúc thơm ngát hương xuân. Ôi sao mà nhớ không khí Tết của quê mình! Tôi mong ước được đưa các con tôi về quê thăm ông bà, thăm họ hàng, láng giềng để con tôi biết được không khí của ngày Tết cổ truyền ở quê mẹ và nghĩa tình của những gia đình Việt Nam.
Con trai tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có hai văn hóa Việt - Na Uy. Ở đất nước giá lạnh này, con tôi rất khó để hiểu và cảm nhận được cái Tết của người Việt. Con trai tôi cứ hỏi: "Mamma, Hva er Tet? Con muốn biết Tết?” (Mẹ ơi, Tết là gì vậy, con muốn biết Tết?). Vậy là cả gia đình tôi đã có một năm đón Tết ở ngay trên quê hương Việt Nam.
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống, nỗi vui mừng với những niềm xúc cảm của đứa con đi xa lâu rồi mới được đoàn tụ cùng gia đình, những cảm xúc đó không gì có thể diễn tả được. Ôi! Thật là hạnh phúc!
Những cành mai, chậu vạn thọ, cúc... được những nghệ nhân, những người bán hoa cắt tỉa thật đẹp để bày bán ở những khu chợ Hoa, người người chen lấn nhau đi xem hoa vào những ngày cuối năm. Thật khác với Giáng sinh và Tết ở Na Uy, những cây thông được búi và đặt ở những góc đường giá lạnh, không có người ngắm, cũng không có người khen chê, chỉ có người đến mua vội và tính tiền đem về nhà, đôi lúc người mua quên xem lại cây thông mình mua có được vừa ý hay không? Tết ở Na Uy giá lạnh chứ không ấm áp, ồn ào, vui nhộn như Tết ở Việt Nam.
Đón Tết ở quê Mẹ, con trai tôi có dịp được nhìn thấy những con lân, con rồng vui múa. Con trẻ vui mừng reo lên: "Mamma, Hva heter det? (Mẹ ơi, cái đó tên gì?). Tôi giải thích cho con và cho chồng tôi hiểu đó là những con lân, con rồng thường xuất hiện trong những ngày Tết hay những lễ hội truyền thống của người Việt. Con lân, con rồng rộn ràng múa lượn cùng với những tiếng trống vang vang sẽ mang lại những điều tốt lành cho mọi nhà.
Con tôi lại thắc mắc về những bao lì xì đỏ trên tay các em nhỏ "Mamma, skal jeg få den?” (Mẹ ơi, con được nhận không?). Đó là những món quà, những phúc lộc của năm mới. Theo tập tục từ ngàn xưa, sau những lời mừng tuổi, những lời chúc phúc, chúc thọ thì người lớn sẽ dành tặng trẻ nhỏ những bao lì xì đỏ như những phúc lộc ngày xuân để trẻ nhỏ mau lớn, khỏe mạnh, chăm học.
Tết Việt thật ấm cúng, thật khác so với ngày Tết ở trời Tây giá lạnh. Không người Việt nào có thể quên những ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết. Tôi sẽ không quên khoảnh khắc đại gia đình đầm ấm bên nhau, ngày mùng một, mùng hai, mùng ba Tết, không bao giờ tôi quên! Trong mắt ba mẹ tôi ánh lên niềm hạnh phúc của ngày sum vầy. Mẹ vui cười nói mà mắt mẹ đỏ hoe: "Cả chục năm con bé ba theo chồng xa xứ, năm nay là năm đầu tiên gia đình mình ăn Tết đủ đầy nhất đó ông. Vợ chồng già mình sống được có bao lâu nữa đâu, nhìn cảnh con cháu sum họp như vậy tôi cũng thấy yên trong lòng. Phải chi Tết năm sau cũng được như Tết này".
Tôi cảm giác có cái gì đó nghẹn lại, tôi muốn nói thật nhiều với ba, với mẹ nhưng không nói thành lời. Mẹ nhìn vợ chồng tôi mà rơm rớm nước mắt, tôi cũng không cầm được lòng, hai mẹ con nhìn nhau mà khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc, của những tháng ngày mong chờ đứa con đi xa nay đã trở về bên cạnh ba mẹ. Niềm hạnh phúc đó không gì có thể diễn tả hết.
Con trai tôi ú ớ với những câu chúc mà tôi đã dạy khi nhận được bao lì xì từ người lớn, nó reo vui khi nhận được bao lì xì từ ông bà ngoại. Mamma, jeg klarer det!(Mẹ ơi, con làm được rồi!). Ông ngoại, bà ngoại, cậu mợ hai cùng nhau cười, những tiếng cười giòn giã khi nghe con trai tôi chúc Tết ông bà. Cả nhà tôi cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày Tết, có thịt kho hột vịt, dưa kiệu, lạp xưởng, thịt nguội, dưa hấu... Tôi thích nhất là món thịt kho hột vịt của mẹ tôi. Mẹ thường nói muốn có món thịt kho hột vịt thật ngon thì phải lựa thịt ba chỉ, hột vịt không quá cũ, nước dừa tươi cũng phải đủ ngọt, đặc biệt phải kho với lửa riu riu thì thịt, hột vịt mới thấm dần vị ngọt của nước dừa, có như vậy mới có được món thịt kho hột vịt đúng điệu của quê mình. Tôi không sao quên được khoảnh khắc của những ngày cùng gia đình nhỏ bé về Việt Nam đón Tết với ba mẹ.
Sau những giờ làm việc mệt mỏi ở xưởng, tôi trở về nhà trong cái giá lạnh -22 độ, một ngày vất vả, tay chân tôi như muốn rã rời. Nghe tiếng của Ole Magnus (con trai của tôi): "Mamma jeg vil ha lixi” (Mẹ ơi, con muốn được lì xì). Tôi ngạc nhiên hỏi con trai thì mới biết là cô giáo ở trường học nói cho trẻ biết sắp đến ngày Tết ở Việt Nam. Thì ra con trai tôi vẫn còn nhớ những bao lì xì đã nhận được trong cái Tết sum vầy với ông bà ngoại. Trong đầu tôi lại vang lên những ca từ của bài hát mà tôi và mẹ rất thích: ”Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa...”.
Năm nay, ngày mùng 1 Tết đúng vào ngày thứ 4, ở miền đất giá lạnh này chỉ với khoảng 5 ngàn người Việt sinh sống thì ngày ấy cũng sẽ bình thường như mọi ngày. Tôi vẫn phải đi làm trong cái giá lạnh - 22 độ này, tôi cố gắng đi làm, tăng ca, làm thêm để ngày Tết những năm sau có thể cùng gia đình về đón Tết với ba mẹ. Đi làm nhưng lòng tôi vẫn không ngừng những nghĩ suy về quê nhà, không biết năm nay mùng 1 ba mẹ sẽ đi lại Phật ở chùa nào, mùng 2 có ai lại nhà mình chơi không, mùng 3... Ôi lạnh lắm! Tết Việt Nam trong lòng những người con đang xa xứ.
Tina Ringstad
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi tại đây.