![]() |
Ảnh minh họa: trekearth.com. |
Khi đang gõ những dòng này, tôi thấy mình đang ngồi trong căn phòng kí túc ở Besancon, trong tiếng nhạc rock của Muse. Góc đồng hồ trên màn hình máy tính chỉ 0:04 ngày 21/1.
Còn lâu mới tới Tết. Tôi thực ra cũng không biết đích xác Tết năm nay sẽ rơi trúng ngày nào dương lịch. Nhưng đúng là mọi thứ thật vời vời xa ngái, ít nhất là với tôi, vậy nên với tôi thì Tết vẫn ở đâu đó lâu lắc.
Nhắc tới Tết, hình ảnh trượt qua đầu tôi ngay lúc này là cảnh ngoại tất tả lẫn vào dòng người chợ Cồn (Đà Nẵng) chiều 30 Tết, năm tôi một tuổi, để mua cho cô cháu cưng một cái váy đầm mặc Tết. Mẹ hay nói, ngoại đi chợ 30 Tết là vì đó là thời điểm mà người ta có thói quen bán rẻ, bán tháo để hàng hóa không tồn qua năm mới, cũng là để người ta được về sớm cùng gia đình. Tôi tất nhiên làm sao mà biết được cái váy hồi một tuổi trông như thế nào, nhưng chắc hẳn đó là cái váy tôi sẽ nhớ tới cuối cùng.
Mùi Tết trong tôi là mùi ghế nhựa cháy. Tối giao thừa, mẹ tôi nằm trên đi-văng đọc sách, chờ cúng xong sẽ dọn bàn thờ đi. Say sưa thế nào mà cho đến khi ánh nến trên bàn thờ phụt lửa, cháy xém một góc ghế nhựa, thì mẹ tôi mới nhận ra và la lên. Không kịp rồi. Một trong số bốn chiếc ghế đã bị lửa khoét một cái lỗ to bằng bàn tay. Kệ thôi, 30 Tết ai người ta mở cửa bán bàn ghế? Mà nếu người ta có bán đi nữa thì nhà tôi làm gì có tiền để mà mua ghế mới. Vậy là mùa Tết năm đó (và những cái Tết sau nữa), nhà tôi đón khách bằng một chiếc ghế cháy nham nhở.
Những mùa Tết tại ngôi nhà ba gian của ngoại trôi qua như tuổi xuân mỗi người, không cách nào gọi với lại được. Hồi đó ngoại tôi bán bánh kẹo ở đầu chợ Thanh Bình. Những ngày giáp Tết, ngoại có thói quen làm dưa món, củ kiệu và đựng chúng trong mấy lọ Milo người ta vứt đi. Lần dọn dẹp nhà cửa, tôi lanh chanh làm bể một lọ củ kiệu trong lúc lau tủ, bể tan tành. Tất nhiên là tôi phải nghĩ cách kiếm một lọ củ kiệu khác để thay vào, vì hồi nhỏ tôi chỉ sợ đòn roi của ngoại lắm, và chỉ có ngoại là hay đánh tôi thôi.
Đang loay hoay không biết làm sao thì cậu tôi ngẫu hứng, lì xì sớm. Cầm tiền lì xi, tôi đạp xe ra chợ mua ngay một lọ củ kiệu giống y chang, rồi đặt nó ngay ngắn vào chỗ cũ. Tất nhiên là tôi đã không giữ được bí mật đó qua được đêm 30. Tôi khai thiệt với ngoại ngay trong đêm giao thừa. Ngoại không đánh tôi, cũng chẳng la rầy chuyện làm bể đồ đạc, ngoại chỉ la sao tôi phung phí tiền quá vậy!!!
Ngoại tôi luôn như vậy, tiết kiệm ngay cả với Tết. Những đồng tiền lì xì của ngoại không bao giờ mới cóong như tiền người ta đổi từ ngân hàng. Nhưng tôi luôn thích nhất khi nhận tiền lì xì của ngoại, tôi đưa tiền lên ngửi, ngửi khí thế. Tôi luôn trân quý mùi tờ tiền lì xì của ngoại, bởi đó là những đồng tiền nuôi tôi lớn, dạy tôi khôn, và bám víu trong trí nhớ tôi mỗi mùa Tết mới. Hồi đó tới giờ, cứ khi nào mừng tuổi cho tôi hay bất kì đứa cháu nào khác, ngoại luôn lặp lại câu: "Con cố gắng học cho giỏi là ngoại mừng rồi". Chỉ có một câu đó thôi, mà hơn hai mươi năm nay tôi không ngừng cố gắng, nhưng không phải lúc nào cũng khiến ngoại được mừng.
Tết năm nay tôi lại không về. Nghĩ về cái không khí mọi người ở nhà đang nô nức, tôi thường thở dài cái sượt. Không phải tôi buồn vì không được về quê ăn Tết, cũng không hẳn là nhớ nhà. Đơn giản vì tôi có quá nhiều thứ phải nghĩ trong thời điểm cuối tháng 1 đầu tháng 2 này. Bốn ngày cuối tháng là bốn ngày Cuộc thi bóng ném toàn nước Pháp sẽ diễn ra. Đây là dự án mà tôi cùng năm người bạn nữa phải đảm nhận mảng truyền thông, trong khuôn khổ chương trình học tập của sinh viên năm 2 tại Viện Đại học Công Nghệ Besancon. Đầu tháng 2 tôi phải dịch cho xong một cuốn sách về thời trang, rồi đi Anh, rồi thi học kì, rồi đi thực tập, rồi bảo vệ tốt nghiệp.
Sự thích nghi của tôi với cuộc sống mới luôn hoàn hảo, nói đúng hơn là sự thích nghi của tôi với những mùa Tết xa nhà chẳng có gì để phàn nàn. Tết ở trời Tây của tôi luôn khác biệt: không bánh chưng, đòn chả, chẳng cây mai cành đào, tiếng mọi người hè nhau chơi đánh bài tiến lên được thay bằng tiếng rock điếng tai của Muse, ngay cả tiền lì xì cũng được ba mẹ tôi chuyển khoản chứ không bỏ vào phong bì đỏ (và rõ ràng là những người thân trong gia đình luôn cố tình quên luôn tôi đi lúc xếp hàng mừng tuổi, ngày mồng 1 Tết, hừm). Chỉ có những mẩu kí ức về ngoại là năm nào cũng như năm nào, tìm tới tôi mỗi đêm giáp Tết ở trời Tây, trong giấc mơ mỗi khuya tuyết rơi khó ngủ.
Trang Ami
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xin mời xem thể lệ tại đây.