Em năm nay 30 tuổi, em bị hở van 3 lá. Dạo gần đây em hay bị đau nhói bên ngực trái, khi hít vào thì đau nhói, thở ra thì không đau ạ. Đau như vậy có phải bị ảnh hưởng tim không hay chỉ do đau cơ ạ? Em cần làm kiểm tra gì? Mong bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Chào bạn,
Hở van 3 lá là vấn đề bác sĩ tim mạch thường gặp khi tiến hành siêu âm tim cho bệnh nhân. Theo kinh nghiệm làm việc của tôi thì khoảng trên 90% bệnh nhân đều có tình trạng hở 3 lá. Nếu hở van 3 lá ở mức độ nhẹ, chúng tôi đánh giá là sinh lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe và làm việc.
Thứ hai, vấn đề đau ngực và khó thở của chị thì bên cạnh suy nghĩ liên quan đến bệnh lý van tim, cũng có thể là các bệnh lý khác ở vùng ngực như đau thần kinh phần cơ sườn, bệnh lý mạch vành hoặc một số bệnh lý về phổi. Do đó để có câu trả lời chính xác và phù hợp, tốt nhất chị nên mang các thông tin y khoa đến các cơ sở có đội ngũ chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn kịp thời, chính xác và phù hợp nhất.
Tôi bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (chân trái), nguyên nhân chưa cụ thể (có thể do tôi bị đau sườn và từng nằm nghiêng để ngủ trong khoảng hơn 4 ngày, khi thức giấc tôi cảm thấy tê toàn thân, cùng thời điểm đó tôi làm thủ thuật bỏ thai do bị bệnh nên không giữ bé được). Tôi phát hiện chân ...
Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bạn,
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có nhiều nguyên nhân thúc đẩy, ví dụ bất động lâu sau mổ, có trường hợp do bệnh lý ví dụ ung thư. Đặc biệt, một số trường hợp có rối loạn về đông máu liên quan đến dùng các thuốc nội tiết tố, ví dụ người trẻ dùng các thuốc tránh thai hoặc phụ nữ trong thai kỳ cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
Trường hợp của bạn có thể có nguyên nhân huyết khối liên quan đến việc nằm bất động 4 ngày liền. Tôi không rõ bạn nằm liên tục 4 ngày liền hay chỉ có đêm nằm thôi, ngoài ra tình trạng phẫu thuật ở vùng tiểu khung cũng là một yếu tố thuận lợi.
Về việc dùng thuốc, người ta sẽ dùng tối thiểu 3 tháng. Trong trường hợp của bạn, tôi nghĩ là 6 tháng và có thể ngừng thuốc, không phụ thuộc huyết khối ở tĩnh mạch như thế nào. Thông thường, những trường hợp huyết khối tĩnh mạch như bạn, sau khi dùng thuốc chống đông một thời gian sẽ có dòng tái thông dòng tĩnh mạch. Một phần huyết khối thường tổ chức hóa bám vào thành tĩnh mạch, như vậy sau khi điều trị một thời gian mà lòng tĩnh mạch của bạn vẫn còn hẹp nhiều, người ta có thể cân nhắc đặt stent để giảm bớt mức độ hẹp.
Một điểm nữa, đối với bạn sau 6 tháng có thể nghỉ thuốc, sau khi nghỉ thuốc 6 tuần nên làm xét nghiệm đánh giá thêm nguyên nhân. Vì mình là người trẻ, một trong những nguyên nhân có thể liên quan đó là thiếu yếu tố đông máu. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để định lượng proteinC, proteinS để tìm thêm nguyên nhân huyết khối tĩnh mạch. Điều đó sẽ giúp quyết định cần phải dùng tiếp thuốc chống đông không hoặc giúp tiên lượng lần mang thai sau của bạn có bị huyết khối tĩnh mạch không. Bạn nên đi khám thường xuyên, định kỳ để bác sĩ quyết định việc mang thai cho lần mang thai sau của bạn.
Mỗi khi em làm việc căng thẳng hoặc lo lắng thì tim đập nhanh, ngực đau thắt. Không biết đây có phải là dấu hiệu bệnh tim mạch hay triệu chứng bình thương ạ. Mong bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Về vấn đề như anh miêu tả, khi có tình trạng căng thẳng, lo lắng hoặc áp lực trong công việc thì xuất hiện những triệu chứng như vậy, chúng tôi nhận thấy có nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự. Và tình trạng căng thẳng đó liên hệ nhiều đến hệ thần kinh thực vật, tức hệ thần kinh tự chủ chi phối nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng không theo sự chủ động của chúng ta. Khi có căng thẳng, hệ thần kinh sẽ chi phối làm nhịp tim nhanh lên, nhịp thở tăng lên một chút khiến anh có cảm giác hồi hộp.
Do đó, chúng tôi nhận thấy đây không phải một tình trạng bệnh lý cần điều trị. Điều cần thiết là anh nên điều chỉnh lại thói quen làm việc, giảm tải bớt căng thẳng trong cuộc sống, tránh lo lắng suy nghĩ quá mức, hy vọng triệu chứng sẽ được cải thiện.
Nếu anh có sự điều chỉnh rồi mà triệu chứng vẫn còn, anh có thể đi khám thêm với các bác sĩ chuyên gia tim mạch để được tầm soát những bệnh lý như rối loạn nhịp tim, nếu phát hiện bệnh thì bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.
Tôi bị bệnh đổ mồ hôi tay rất nặng, nước nhỏ từ ngón tay thành dòng khiến việc sinh hoạt giao tiếp khó khăn. Tôi đã sử dụng nhiều cách như bôi thuốc, tiêm thuốc nhưng không hết. Tôi nghe nói có phương pháp phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm trị được bệnh này nhưng cũng có người nói đốt xong hết ra ...
Bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi tay, trong đó có các phương pháp điều trị bảo tồn như sử dụng thuốc bôi hay tiêm thuốc vào lớp dưới da hoặc uống các loại thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh toàn thân để hạn chế mồ hôi. Tuy nhiên về lâu dài, những phương pháp này sẽ gây nhiều biến chứng bất lợi như viêm da, hoại tử da, nhiễm trùng da, nặng hơn là các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc ức chế thần kinh mà tác dụng điều trị tăng tiết mồ hôi tay theo đó cũng không còn.
Vì thế, phẫu thuật nội soi điều trị tăng tiết mồ hôi tay gần đây được các chuyên gia trên thế giới đồng ý công nhận như là phương pháp cân nhắc đầu tiên để điều trị triệt để tăng tiết mồ hôi ở những bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nặng, hoặc đã cố gắng thực hiện các biện pháp ít xâm lấn thất bại như trường hợp của bạn.
Mồ hôi theo nguyên tắc sẽ tiết ra, có người nhiều người ít. Do đó, khi chúng ta triệt tiêu mồ hôi ở tay thì nó sẽ tìm đường khác để chảy ra nhằm điều hòa nhiệt độ, điện giải, độc chất, nước trong cơ thể. Thường khi các vị trí bù trừ sau đốt hạch giao cảm ngực điều trị tăng tiết mồ hôi tay sẽ ở lưng, bụng, hông hoặc đùi với mức độ từ ít đến nhiều. Đây là điều khó tránh khỏi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, kỹ thuật phẫu thuật cắt hạch giao cảm đã phát triển mạnh mẽ với độ an toàn cao, xâm lấn tối thiểu và số lượng hạch cắt đốt rất ít, chỉ 1-2 hạch. Do đó, tỷ lệ tăng tiết bù trừ nhờ vậy cũng giảm đáng kể. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát sẽ giảm theo tuổi, nghĩa là khi bạn đạt đến một độ tuổi nhất định, lượng mồ hôi bù trừ của bạn cũng sẽ giảm đáng kể.
Tóm lại, sau mổ chỉ rất ít người cảm thấy thất vọng vì tăng tiết mồ hôi bù trừ, so với hiệu quả tuyệt vời cũng như hiệu quả tức thì mà phẫu thuật đã đem lại.
Chào bác sĩ, 3 tháng trước em có đi xét nghiệm định lượng máu, kết quả em bị mỡ máu cao, và siêu âm gan nhiễm mỡ gần độ 2. Em thỉnh thoảng bị tim đập mạnh. Không biết em có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không? Em cần khám thêm những gì ạ? Bao lâu nên khám một lần ạ?
Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn,
Bạn có tình trạng mỡ trong máu cao (tuy nhiên bạn chưa thông tin kết quả như thế nào) và hình ảnh gan nhiễm mỡ trên siêu âm bụng. Bạn có nhịp tim mạnh và lo lắng về việc có mắc bệnh tim không. Như vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bạn kiểm tra lại các chỉ số rối loạn mỡ trong máu, đồng thời đánh giá mức độ nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ được theo dõi nhịp tim bằng cách gắn Holter ECG liên tục để kiểm tra bất thường về nhịp tim của mình. Kỹ thuật này đã được triển khai tại BVĐK Tâm Anh. Bạn có thể đến khám tại Trung tâm Tim mạch để khám và thực hiện các khảo sát bệnh của mình.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi năm nay 51 tuổi, giấc ngủ ngắn hay bị gián đoạn, đêm tôi thường thức giấc thường vào 2-3h sáng, lúc đó như vừa trải qua một cuộc thi điền kinh hay một trận bóng: Tim đập liên hồi và rất mỏi ở vùng ngực trái, phải xoa bóp và hít thở sâu một lúc mới ổn. Trong 6 năm nay tôi đã đi ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Bác bị rối loạn về giấc ngủ, giấc ngủ khá ngắn, hay bị thức giấc giữa đêm kèm theo biểu hiện đánh trống ngực, vã mồ hôi, cảm giác hồi hộp. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và liên quan đến 2 hệ cơ quan chính: hệ thần kinh (liên quan đến bệnh lý giấc ngủ) và hệ tim mạch. Để có câu trả lời chính xác, bác cần làm khảo sát các nguyên nhân liên quan đến bệnh suy tim, hoặc loạn nhịp tim thông qua các xét nghiệm về máu, siêu âm tim và theo dõi điện tim từ 24-48 giờ. Bên cạnh đó, bác có thể tham khảo thêm bác sĩ chuyên khoa thần kinh và các bệnh lý về giấc ngủ để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cũng như dùng thuốc nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ và các triệu chứng đi kèm.
Bác có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch, bác sĩ sẽ thực hiện khám và đưa ra chỉ định chụp chiếu khi cần thiết.
Tôi có một cháu trai 7 tuổi (sinh năm 2015). Đã phẫu thuật lần một vào năm 2016 chuyển gốc động mạch, vá thông liên thất. Phẫu thuật lần 2 vào năm 2018 can thiệp hẹp đường ra thất trái. Sau mổ cháu tái khám định kỳ. Tuy nhiên, trong lần tái khám gần đây bác sĩ kết luận cháu bị thêm rối loạn nhịp ...
Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Chào chị,
Vấn đề rối loạn nhịp tim sau mổ, phẫu thuật tim bẩm sinh rất đa dạng, từ những rối loạn nhịp lành tính ví dụ như nhịp trên xoang, cho đến những rối loạn nhịp ác tính là rung thất thậm chí đột tử. Do vậy, câu hỏi của chị không cung cấp đầy đủ thông tin cho chúng tôi, để có các chứng cứ cơ sở giúp tư vấn một cách chính xác cho chị.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi này thì tốt nhất, chị nên cầm tất cả các giấy tờ và thông tin bệnh án đến các cơ sở y tế chuyên sâu, ví dụ như BVĐK Tâm Anh để các bác sĩ có điều kiện thăm khám chuyên sâu và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm. Lúc đó mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho chị.
Tôi năm nay 41 tuổi, nhịp tim 47-53, thời gian gần đây tôi hay bị suy giảm trí nhớ và bị tê tay do thoái hóa đốt sống cổ. Tôi đi xe máy khoảng 20 phút là tê tay.
Xin bác sĩ cho biết, trường hợp của tôi có phải đặt máy tạo nhịp để tránh sự đột quỵ hay tăng cường trí nhớ ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào anh,
Tần số tim của anh có xu hướng chậm hơn bình thường. Tuy nhiên, để chỉ định đặt (cấy) máy tạo nhịp vĩnh viễn còn cần nhiều yếu tố để đánh giá, ví dụ như nhịp tim chậm có khiến anh bị xỉu, ngất, có khoảng tim ngưng đập kéo dài trên 2,5 giây khi đang thức, tần số tim không tăng đáp ứng được nhu cầu khi gắng sức... Bên cạnh đó, các triệu chứng mà anh đang trải qua (bí bách, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ...) có thể do nhiều nguyên nhân khác chứ không phải do nguyên nhân tim mạch (ví dụ thiếu máu, thoái hóa đốt sống, bệnh tuần hoàn não...). Do đó, anh nên đi khám để đánh giá cụ thể hơn về tình trạng tim mạch, cơ xương khớp, thần kinh... để xác định các bất thường và có chỉ định điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho anh tốt nhất. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi từng mổ sửa van tim cuối năm 2020, hiện nay tôi vẫn sinh hoạt bình thường, có tham gia tập yoga. Xin hỏi quý bác sĩ việc tập yoga tư thế "đầu dưới chân trên" (trồng chuối - upsidedown) có được phép đối với người đã bị mổ tim sửa van như tôi không? Về cảm nhận bản thân thì tôi thấy tập như ...
Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào anh,
Mổ sửa van tim là phẫu thuật được cải tiến rất nhiều và đã gần như hoàn thiện để người bệnh tìm lại trái tim khỏe mạnh gần như bình thường: chỉ cần uống thuốc chống đông sau mổ 3-6 tháng là có thể không cần uống nữa, các thuốc tim mạch khác thường chỉ cần liều thấp để duy trì. Tuy nhiên, còn tùy theo tình trạng bệnh, tùy theo tổn thương trước mổ và kỹ thuật sửa chữa... không phải trường hợp nào cũng được hoàn thiện như vậy.
Để trả lời câu hỏi và tư vấn chính xác theo mong muốn của anh là có thể tập được các động tác khó như trồng cây chuối hay không, chúng tôi cần thêm thông tin chi tiết hơn về chẩn đoán trước mổ van tim của anh bị hở hay hẹp, nguyên nhân là gì, kỹ thuật mổ cụ thể như thế nào, tình trạng sau mổ và hiện nay khi tái khám ra sao, siêu âm còn hở hẹp van hay không, nhịp tim là nhịp xoang đều hay có rối loạn nhịp gì không... Nếu anh chưa có đủ các thông tin như vậy thì chúng tôi chưa thể trả lời chắc chắn câu hỏi này. Anh nên đến bệnh viện để được kiểm tra đánh giá lại một cách toàn diện.
Thân mến!
Chào bác sĩ!
Tôi đi siêu âm ở 2 nơi đều được chẩn đoán hở van 2 lá 3/4. Khi siêu âm thêm một lần nữa ở bác sĩ khác thì kết quả 2-2.5/4. Huyết áp của tôi thường xuyên thấp. Bác sĩ có hẹn 3 tháng sau siêu âm lại để xác định chính xác hơn độ hở van. Nếu hở van 3/4 ...
Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn,
Bệnh hở van 2 lá có các mức độ sau:
1. Hở van tim 2 lá 1/4 - mức độ nhẹ
Hở van tim 2 lá 1/4 được coi là mức độ nhẹ nhất. Đây có thể là bệnh lý hoặc sinh lý nhưng nếu không có triệu chứng thì chưa cần điều trị. Nếu bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau ngực thì đó là hở van bệnh lý và cần dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng.
2. Hở van tim 2 lá 2/4 - mức độ trung bình
Mức độ này hiếm khi có chỉ định phải thay van, nhưng dễ chuyển biến sang mức độ nặng hơn. Đặc biệt, khi hở van 2 lá 2/4 đi kèm hở van 3 lá, van động mạch chủ hoặc có kèm tăng huyết áp, bệnh mạch vành... thì sẽ nguy hiểm hơn, cần được điều trị kịp thời.
3. Hở van tim 2 lá 3/4 - mức độ nặng
Ở giai đoạn này, các triệu chứng như khó thở, đau thắt ngực, đánh trống ngực, mệt mỏi, ho khan sẽ xuất hiện và người bệnh phải đến bệnh viện. Nhiều người bệnh hở van 2 lá 3/4 có thể phải sửa hoặc thay van tim.
4. Hở van tim 2 lá 4/4 - mức độ rất nặng
Đây là mức độ hở van nặng nhất, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy tim, rối loạn nhịp, phù phổi cấp và các cơn hen tim cấp tính. Trong trường hợp này, người bệnh cần điều trị tích cực hoặc can thiệp thay van tim.
Bạn đi siêu âm tim ở 2 nơi thì được chẩn đoán hở van 2 lá 3/4. Khi siêu âm thêm một lần nữa ở bác sĩ khác thì kết quả 2-2.5/4. Theo phân độ như trên, có khả năng bạn bị hở van 2 lá mức độ trung bình đến nặng. Bác sĩ hẹn bạn tái khám sau 3 tháng, siêu âm tim lại để đánh giá kết quả là hoàn toàn đúng mục đích để theo dõi sát diễn tiến bệnh. Tình trạng bệnh này sẽ thay đổi theo năm tháng, có thể ổn định, có thể nặng thêm. Bác sĩ cần theo dõi sát để can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
Nếu muốn có thai với tình trạng van tim hở như vậy, bạn cần khám tim mạch tổng thể và làm siêu tim xem bạn đã có triệu chứng của bệnh chưa, độ hở thế nào? Phân suất tống máu của tim bao nhiêu? Áp lực động mạch phổi có tăng không? Tim có giãn nhiều không? Nhịp tim của bạn là nhịp xoang hay rung nhĩ? Ngoài hở van 2 lá thì có hở/hẹp van động mạch chủ hay van 3 lá kèm theo không? Bạn có những bệnh khác đi kèm hay không? Bác sĩ cũng cần tìm nguyên nhân hở van 2 lá của bạn là gì?
Sau khi thăm khám tổng thể, nếu tình trạng hở van 2 lá của bạn nặng và cần ưu tiên điều trị bằng phương pháp sửa van hoặc thay van thì bạn phải điều trị van tim trước (lưu ý: sửa van ưu tiên hơn thay van, và nếu thay van thì van sinh học được ưu tiên đối với phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ, mong muốn sinh con, không muốn uống thuốc kháng đông trong thai kỳ).
Nếu hở van 2 lá của bạn chỉ ở mức trung bình đến nặng và không có vấn đề gì nữa, bạn có thể mang thai. Nhưng bạn cần trao đổi thật cẩn thận với bác sĩ về những nguy cơ xảy ra khi bạn mang thai, đó là van tim có thể hở nặng hơn và bạn có thể bị suy tim.
Phụ nữ bị bệnh hở van tim 2 lá sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sinh nở. Thông thường, với các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, ít có triệu chứng thì bệnh nhân sẽ thích nghi khá tốt với sinh đẻ. Nhưng ngược lại, nếu ở mức độ nặng, có triệu chứng hoặc biến chứng thì tốt nhất hãy gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn về nguy cơ của sinh đẻ và khả năng có thể phải phẫu thuật sửa/thay van 2 lá trước khi có thai.
Thân mến!
Tôi bị hở vừa van động mạch phổi, hở nhẹ van hai lá, van ba lá. Tình trạng hở đã từ lâu nhưng sức khoẻ, hoạt động vẫn bình thường, nhịp tim ổn định (80-100 nhịp/p).
Gần đây, mỗi khi tôi hoạt động hơi mạnh như đi bộ nhanh, chạy nhẹn một hoặc 100-200m thì tim đập rất nhanh. Có lúc lên tới 140-150 ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Các tình trạng bất thường van tim của bác nhìn chung ít gây ra ảnh hưởng tới chức năng tim, có thể theo dõi định kỳ hoặc khi có triệu bất thường. Tần số tim của bác tăng từ 80-100 khi nghỉ lên 140-150 nhịp/phút khi hoạt động mạnh cũng là đáp ứng trong giới hạn bình thường. Nếu bác phải giảm cường độ tập luyện chỉ vì tim mình đập nhanh hơn thì theo tôi, bác có thể duy trì cường độ đều đặn như trước. Còn nếu bác cảm thấy giảm khả năng gắng sức, tức là nhanh mệt hơn với cùng cường độ tập luyện, hoặc không thể thực hiện các bài tập với cường độ như trước đây, thì có thể bác có sự suy giảm trong chức năng tim hoặc một tình trạng rối loạn ở toàn thân hoặc cơ quan khác. Khi đó, bác nên đi khám thêm với chuyên khoa tim mạch, làm thêm xét nghiệm như xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm tim và xét nghiệm chuyên sâu nếu cần để đánh giá về tình trạng tim mạch của mình. Nếu có bất thường thì điều trị kịp thời, nếu không thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bác về chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và sự phối hợp chuyên khoa Tim mạch với các chuyên khoa khác, sẽ giúp thăm khám tổng quát và tư vấn tình trạng cho bác tốt nhất. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 - 0287 300 6858 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Mẹ tôi bị bỏ nhịp tim, đã đến viện tim đặt máy đo điện tim cá nhân. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ngoại tâm thu nhẹ. Nhưng mẹ tôi uống thuốc chưa đỡ nhiều, người lúc nào cũng sợ hãi, mỏi mệt, huyết áp lúc hạ, lúc tăng. Mẹ tôi còn bị mất ngủ nhiều. Xin hỏi đây có phải do hậu Covid ảnh ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Ngoại tâm thu có 2 dạng: ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu thất. Hiểu đơn giản là trong toàn bộ thời gian hoạt động đều đặn của tim, từng nhịp cách nhau một khoảng thời gian đều nhau, thì có một số nhịp tim đập sớm hơn bình thường. Ngoại tâm thu gây ra một số triệu chứng như hồi hộp, trống ngực, mặc dù ít nguy hiểm nhưng có thể khiến một số người cảm thấy khó chịu và cần điều trị.
Ngoài ra, thực tế ghi nhận sau khi nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân có một số rối loạn như rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, lo âu, mệt mỏi mạn tính không rõ căn nguyên cụ thể...
Tuy nhiên, tình trạng triệu chứng của bác có thể liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý hơn là tình trạng ngoại tâm thu (mức độ nhẹ). Theo tôi, bác nên đi khám thêm với chuyên khoa sức khỏe tâm thần (là chuyên khoa điều trị các tình trạng lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ...). Bên cạnh đó, nên cân nhắc khám lại chuyên khoa tim mạch để đánh giá về ngoại tâm thu cũng như tình trạng tim mạch nói chung. Chúc bác sớm ổn định cả về bệnh cũng như về tâm lý. Trân trọng!
Tôi đã mổ tim hồi tháng 4/2022 tại một bệnh viện lớn ở TP HCM, do bệnh hở van 3 lá, hở van 4 lá. Sau khi phẩu thuật bác sĩ cho sửa lại van tim, đặt vóng tim. Qua hơn 4 tháng phẫu thuật, sức khỏe tôi ổn định, hiện tôi vẫn còn uống thuốc theo toa của bệnh viện.
Bác sĩ điều trị ...
Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chào bạn,
Tim của chúng ta có 4 van (van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi). Trường hợp của bạn, tôi nghĩ bác sĩ đã mổ và sửa van 2 lá, van 3 lá để đặt vòng tim. Thường bệnh nhân sau khi thay van tim sẽ có nhiều trường hợp. Ví dụ, bệnh nhân bị van 2 lá mà không sửa được thì phải thay van, mới 50 tuổi thì phải thay van cơ học và phải điều trị suốt đời bằng thuốc kháng đông. Trường hợp bệnh nhân được bác sĩ thông báo uống thuốc vài tháng thì chắc bác sĩ đã sửa van 2 lá, van 3 lá thành công. Đồng thời, bạn không hề bị rung nhĩ nên có thể uống thuốc vài tháng.
Với một người sửa van thì không phải vài tháng sau là hết bệnh hoàn toàn, vì sau sửa van người bệnh có thể tái lại, nên bạn cần đi khám định kỳ.
Tại BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân sẽ được tái khám vào ngày thứ 7 sau khi xuất viện, sau đó đến tháng thứ nhất và thứ 3, sau đó tái khám mỗi 3 hoặc 6 tháng. Khi tái khám, ngoài thử máu, chúng tôi sẽ đo điện tâm đồ, siêu âm tim và hỏi những triệu chứng bạn có. Tóm lại, bạn nên được chăm sóc bởi bác sĩ tim mạch lâu dài, vì van tim không đơn giản mổ một lần là xong.
Ba tôi 64 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đặt stent nhưng không thành công vì mảng xơ vữa đã vôi hóa. Ba em được đề nghị mổ bắc cầu động mạch, nhưng gia đình chưa dám mổ. Ở Bệnh viện Tâm Anh có mổ ít xâm lấn không? Chi phí bao nhiêu ạ? Có được sử dụng bảo hiểm y ...
Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc, bệnh động mạch vành hiện có 2 phương pháp tái tuần hoàn mang lại kết quả tốt nhằm mục đích phòng ngừa nhồi máu cơ tim và giảm các cơn đau ngực: can thiệp nong - đặt stent và mổ bắc cầu động mạch vành.
Tổn thương hẹp động mạch của ba bạn vôi hóa nhiều, không phù hợp để đặt stent thì mổ bắc cầu là lựa chọn phù hợp. Hiện tại, mổ bắc cầu động mạch vành có thể được thực hiện với các kỹ thuật ít xâm lấn như: không sử dụng máy tim phổi nhân tạo, đường mổ nhỏ ngực bên trái.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện cần thiết, đội ngũ bác sĩ đã được đào tạo và có kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật bắc cầu mạch vành ít xâm lấn. Đặc biệt, tất cả các ca phẫu thuật tim nói chung và bắc cầu động mạch vành nói riêng đã được BHYT chi trả theo quy định hiện hành. Bạn có thể yên tâm đưa ba tới đây để được khám, tư vấn một cách cụ thể. Thân mến!
Bé nhà em 4 tuổi, ngực bé có một chỗ bị lõm hơi lệch về bên trái của tim. Lúc cháu còn nhỏ thì trên ngực cháu chỉ hơi lõm nhẹ, tuy nhiên khi cháu càng lớn thì vết lõm cũng sâu và rõ ràng hơn. Gần đây bé có biểu hiện mệt mỏi, đôi khi bị hụt hơi và hơi thở ngắn khi chơi ...
Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chào bạn,
Theo mô tả của bạn, khả năng cháu bị lõm ngực bẩm sinh. Lõm lồng ngực bẩm sinh (Pectus excavatum) hay còn gọi là ngực phễu (Funnel chest) là tình trạng xương ức và các xương sườn bị biến dạng bất thường và lõm về phía sau. Ngực trẻ lép, mỏng; vùng lồng ngực chính giữa 2 núm vú lõm sâu xuống như hình đáy chén. Ở một số thể bệnh phức tạp, diện lõm này có thể mở rộng, lệch sang trái hoặc phải.
Lõm ngực bẩm sinh có thể ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng tim, đồng thời ảnh hưởng chức năng hô hấp do tác động đến khả năng trao đổi khí và vận động gắng sức. Trẻ có biểu hiện thở ngắn, nông, đau ngực, trống ngực, không tham gia được các hoạt động gắng sức. Ở các trẻ lứa tuổi dậy thì, bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, khiến các em tự ti về ngoại hình, khó hòa nhập với tập thể và hạn chế giao tiếp xã hội.
Để biết cháu có phải phẫu thuật không, bạn cần đưa cháu đến bệnh viện thăm khám. Cháu sẽ được thực hiện các thăm dò như X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (đánh giá mức độ lõm xương ức và mức độ đè đẩy lên tim, tính chỉ số Haller), siêu âm tim.
Với các trẻ trên 4 tuổi, chỉ số Haller trên 3.25, không có các bệnh lý nền nặng thì đã có thể can thiệp phẫu thuật đặt thanh nâng ngực (phẫu thuật Nuss), giúp sớm trả lại hình thể bình thường để trẻ tự tin trong giao tiếp.
Chỉ số Haller là tỷ lệ giữa đường kính ngang và đường kính trước sau của lồng ngực (tại vị trí mà xương ức lõm nhất).
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn