Tôi để ý thấy mỗi khi mọi người có dịp gặp nhau, đa phần chủ đề nói chuyện là nhà này có bao nhiêu đất đai, nhà kia con cái thành đạt thế nào, mang bao nhiêu tiền về cho bố mẹ, đã thành công thế nào trên thương trường, đã trúng bao nhiêu phi vụ làm ăn và trở nên giàu có ra sao?
Trong gia đình, ba mẹ cũng ít khi khuyến khích con cái mình tìm sách hay để đọc, luyện tập sao cho khỏe mạnh về tinh thần hay thể chất. Có chăng, mỗi khi gặp con, chúng ta thường xuyên buông những câu như: "Ráng mà học", "nhà chúng ta sau này có nở mày nở mặt với bà con dòng họ được hay không là phụ thuộc vào con", "đừng để cha mẹ thất vọng". Thậm chí, ngay cả ông bà, chú bác, cô dì, lâu ngày gặp mặt cũng nói duy nhất một câu: "Ráng học cho ba mẹ được nhờ nha con".
Người lớn chúng ta có thể bị ám ảnh về một giai đoạn kinh tế khó khăn, bị khinh khi nên chúng ta trở thành những người đầy mặc cảm. Cái mong ước được người khác công nhận lấn át đi mọi mục tiêu khác trong đời. Khi mà tuổi trẻ qua đi cũng chưa thực hiện được thì nhiệm vụ ấy lại dồn sang các con của chúng ta. "Ráng học cho giỏi", "ráng học thành tài"... những câu nói ấy vô tình tạo ra một áp lực khủng khiếp cho đứa trẻ.
Đứa trẻ nào ngấm thì lao tâm khổ tứ kiếm tiền để trả hiếu cho cha mẹ, bất chấp thân thể, bất chấp đánh đổi. Chúng có khi sẽ trở nên ma lanh, lọc lừa để đạt được mục đích; buồn hơn thì chúng sẽ đánh đổi cả sức khỏe để kiếm tiền, coi nhẹ những giá trị đạo đức miễn sao mang tiền về được. Ngược lại, đứa không thích ứng được sẽ thấy lạc lõng trong cuộc sống này, xung đột với cha mẹ, hỗn láo cũng là một dạng phản ứng lại với thái độ ức chế đè nén lâu ngày; hoặc xa lánh xã hội vì thấy quá tàn nhẫn, lạnh lùng, chỉ biết đến tiền.
Không phủ nhận rằng, đó cũng là một dạng động lực để cho con cái chúng ta biết đường mà cố gắng lập thân, đừng chểnh mảng kẻo thất bại. Nhưng chúng ta hoàn toàn quên đi rằng chúng chỉ là trẻ con, chúng học tập hay làm việc không phải cho một lý tưởng lớn lao như thế, có khi chỉ là làm vì vui thích, vì cảm thấy hứng thú, cho chính chúng chứ chẳng phải vì ai.
Trẻ con rất nhạy cảm, đừng nghĩ chúng không có ý kiến nghĩa là người lớn đã làm chủ được tình hình. Trẻ con cũng giống như người lớn chúng ta, sẵn sàng làm khi thấy điều đó là hợp lý. Thay vì vậy, hãy dạy con luôn nỗ lực cho chính bản thân chúng, khuyến khích con đọc nhiều sách hay khi cảm thấy bản thân có những khúc mắc không thể giải quyết. Tự tìm tòi khám phá bản thân xem con phù hợp với điều gì để hoàn thiện cả về kiến thức lẫn nhân cách. Hãy dạy con cách giữ gìn sức khỏe, vì có sức khỏe tốt mới có thể chịu được áp lực để thành công. Hãy dạy con biết tự chịu trách nhiệm về những gì chúng làm. Hãy dạy rằng khi con có tâm, có tầm thì tiền hay thành công sẽ tự tìm tới...
>> 'Lãng phí ba năm tuổi trẻ để cân bằng phương trình hóa học, giải tích phân'
Tôi còn nhớ lúc mình sinh đứa con đầu tiên, khi mang trong người một sinh linh bé bỏng, mỗi ngày dõi theo từng cái đạp, từng cái trở mình, tình thương cứ hình thành và lớn dần lên. Đến khi con ra đời, tôi thầm thì vào tai đứa trẻ: "Con chẳng phải sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng mẹ hứa nhất định con là đứa trẻ hạnh phúc nhất trên thế gian này". Lời hứa đó của tôi được thốt ra khi đứng trước một hình hài quá đỗi dễ thương, mong manh, cần được che chở. Tôi nói mà không biết rằng để thực hiện được lời hứa đó không hề đơn giản.
Hứa là vậy nhưng trong quá trình nuôi con, tôi liên tục bị stress vì áp lực. Sao nó ốm nhom, còi cọc? Trong khi mấy đứa trẻ khác đã biết cái này, cái kia còn con mình thì không? Sao nó thiếu tự tin vậy? Khi con được điểm 5 thì trách sao không ráng xíu nữa cho được 6, 7 điểm. Khi con được điểm 6, 7 thì lại trách móc gặng hỏi "Con học hành thể nào trong khi mấy đứa khác được điểm 9 hay 10?"...
Không hiểu từ lúc nào, tôi liên tục thúc ép, so sánh con, trong khi chính bản thân người mẹ như mình cũng vô cùng áp lực, buồn khổ chứ nào có sung sướng gì. Cho tới khi, tình cờ tôi nhìn thấy một quyển sổ, trong đó có ghi vài dòng chữ non nớt của con: "Cuộc sống này, rốt cuộc cũng sẽ kết thúc. Vậy tại sao người ta cứ phải nỗ lực đến khổ sở như vậy? Tại sao mình không được làm những gì mình thích? Sống như vậy liệu có ích lợi gì không?".
Tôi sững người, nhận ra con mình không còn chỉ là một đứa trẻ ngây ngô, để cho mẹ tha hồ điều hành. Tôi cảm thấy người mẹ như mình không đủ sâu sắc, không đủ năng lực để có thể thấu hiểu tâm hồn của con. Cô giáo nói con tôi căn bản không phải là đứa học giỏi xuất sắc, nhưng không đến nỗi tệ, con lễ phép, hiểu chuyện, nắm bắt được vấn đề và có kỷ luật. Lúc đó, tôi tự nhủ, còn đòi hỏi gì hơn ở một đứa trẻ như thế?
Nhìn con ngủ với nét mặt hồn nhiên và bình an mà có lẽ người lớn như tôi có cố gắng đến mấy cũng không khi nào có được, tôi tự trách mình khi đã bắt con phải gánh vác hết những mong mỏi của bản thân. Tôi có thể nhìn thấy sự ích kỷ của các bậc cha mẹ khác, nhưng tuyệt nhiên không hề nhìn thấy sự ích kỷ của bản thân mình, cho tới khi con dạy tôi điều đó. Từ khi ấy, tôi quyết tâm thay đổi cách tiếp cận với con.
>> Đo lường tuổi thơ bằng học lực
Tôi đặt mua bộ sách "Người bà tài giỏi vùng Saga", kể về một cậu nhóc nghèo đã từng nghĩ mình bất hạnh ra sao cho tới khi nhận được tình yêu thương hướng dẫn của bà ngoại, và thấy cuộc đời thật tươi đẹp giữa những con người đôn hậu ấm áp. Nhân ngày nghỉ, tôi đặt ba vé xem phim mẹ con cùng nắm tay vào rạp. Tôi xem say sưa như các con mình, không bỏ lỡ một chi tiết nào và cùng bàn tán về nội dung của tập phim tiếp theo...
Dần dần, tôi cài cắm những câu hỏi về những cảm nhận của con về chuyện học hành, về định hướng cho tương lai, tôi hỏi: "Con sau này muốn trở thành gì? Con muốn cuộc sống của con sẽ như thế nào? Còn mẹ, mẹ sẽ mong cuộc sống về già của mẹ sẽ là một bà già hạnh phúc, sáng uống trà, sau đó trồng rau, nuôi gà, cuối tuần làm món thật ngon đợi con về ăn. Đầu tuần, mẹ sẽ cho thật nhiều rau, nhiều gà để con mang đi ăn cả tuần, không phải mua thực phẩm đông lạnh...".
Con cười nói: "Mai này con sẽ qua Nhật, làm cho công ty chuyên sản xuất đồ chơi mô hình (mơ ước rất thực dụng, rất trẻ con) nên có khi không về ăn cơm với mẹ mỗi tuần được đâu". Trước đây, có lẽ tôi đã hét lên: "Học dốt thì đừng mơ mộng làm cho công ty Nhật". Nhưng bây giờ, tôi trả lời: "Thế thì đi ăn cơm và uống thật nhiều sữa cho cao trước đã. Từ đó, con tôi cũng dần cởi mở hơn, đi học về là kể mẹ nghe đủ chuyện, từ bạn bè, trường lớp, đến học hành, thi cử, nào là "cô Văn cho đề ôn một đường ra đề thi một nẻo", "cô Toán véo tai bạn kia vì dạy hoài không hiểu"...
Có lẽ, tôi may mắn hơn nhiều bậc cha mẹ khác, khi có cơ hội hiểu con trước khi quá muộn. Năm ấy, con tôi học lớp 7, và ngày hôm ấy tôi đã lập thêm một lời hứa với con: "Nhất định mẹ sẽ nắm tay con thật chặt cho tới khi nào không còn có thể mới thôi". Khi nói đến đây, chắc có vài ba mẹ sẽ nghĩ rằng, làm việc cả ngày, thời giờ đâu, tinh thần đâu mà đọc truyện với xem phim với con. Xin thưa rằng, cuộc sống này như một tủ đồ lộn xộn, quan trọng là bạn thu xếp việc nào ưu tiên nên làm trước và việc nào không quan trọng sẽ làm sau.
Cha mẹ ai cũng than bận rộn nhưng vẫn còn khối thời gian để lướt Facebook, phẫn nộ với chuyện này, bất bình với chuyện kia ngoài xã hội, vẫn có thời gian để bàn tán về việc ai vừa chửi ai, ai nhục mạ ai, mỗi tuần dăm ba cái tiệc tùng giỗ chạp say túy lúy, cà phê hội đàm chuyện Đông Tây thế sự... Có khi nào vì quá bận rộn bởi những chuyện bên ngoài như vậy, mà chúng ta vô tình bỏ quên một lời hứa nào đó với con hay không?
Xuân Bách
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.