Chia sẻ về phương pháp dạy con, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra sai lầm của không ít bậc phụ huynh khi luôn ép con mình phải học giỏi:
Một đứa trẻ không có tự do, luôn phải làm vừa lòng người khác thì làm sao mạnh mẽ được? Khi bị ép buộc quá sức thì chúng phải dối trá để sinh tồn, đó là bản năng. Thực sự, có nhiều đứa trẻ bị coi là cá biệt, chậm kém phát triển nhưng đến cuối cấp hai lại có những đột phá, khi đứa trẻ tự nhìn ra tương lai và quyết định thay đổi. Nên bây giờ, cha mẹ chỉ cần con khỏe mạnh và biết đồng cảm, thương yêu người thân, sẵn sàng giúp đỡ bố mẹ, tự lực đối với các việc cá nhân. Những thứ này sẽ là tiền đề để con bạn tự tìm tương lai của chúng sau này. Cha mẹ học vị cao không có nghĩa là con cái cũng phải học giỏi và ngược lại. Luôn luôn khuyến khích trẻ mới là điều quan trọng nhất.
Bạn của tôi nhiều đứa học rất giỏi, thời đi học điểm số rất cao. Nhưng tới lúc ra trường, mỗi đứa một số phận. Tôi thấy mấy bạn thành công lại là mấy đứa lanh lẹ, biết nắm bắt cơ hội, ngoại ngữ cũng là một trong những ưu thế, chứ chưa hẳn là những ai có điểm số cao.
Đứa trẻ nào thích học, học được thì cha mẹ nên đầu tư tốt nhất có thể. Còn không, hãy dạy con cách làm người. Con không học được văn hóa bằng cấp thì cho đi học nghề mà chúng thích, đừng ép quá gây áp lực, khiến con chống đối, làm hỏng nhân cách. Chúng ta dạy là một chuyện, nhưng phải áp dụng từng đứa trẻ mà uốn nắn, chứ không thể áp dụng con này với con kia, hay lấy chuẩn của con hàng xóm để dạy con mình. Tôi có hai con, giờ các cháu đều lớn cả, có công việc (cả hai vào đại học, một lấy bằng khá, một thì không lấy được bằng vì không thích học).
Tôi thấy các bậc phụ huynh rất lạ, luôn yêu cầu con cái phải học giỏi, phải mạnh mẽ, phải có cái này cái kia. Họ làm đủ cách để con đạt được cái chuẩn của cha mẹ đặt ra. Và kết quả, đứa trẻ nói dối vì sợ kết quả tệ, sợ làm cha mẹ thất vọng. Đứa trẻ yếu đuối bởi vì sau lưng chúng không phải một chỗ dựa, không ai động viên, không cho chúng được thất bại, được sợ hãi. Đứa trẻ không tập trung, không có kết quả tốt có phải do cha mẹ chưa biết khen ngợi, chưa trân trọng nỗ lực của con? Tuổi thơ của những đứa trẻ rất quan trọng, chỉ một câu so sánh, không hài lòng của cha mẹ cũng sẽ để lại những sự ám ảnh cả đời. Đừng nói trẻ con không biết gì, chúng hiểu hết, biết hết, chỉ là chưa có chính kiến và kinh nghiệm để xác định đúng - sai.
>> Tự hào con 16 tuổi không biết làm việc nhà nhưng học giỏi
Con bạn sinh ra không phải cái máy, đừng bắt chúng chỉ học và học. Ngày trước, khi con còn bé, tôi đá bóng, thả diều, bơi sông cũng con. Luôn đặt trong vị thế một người bạn bằng tuổi với con để cảm nhận, chấp nhận cả những hành dộng ngốc nghếch của con. Vậy nên con tôi dù chuyện xấu hay tốt cũng đều chia sẻ. Khi con chia sẻ chuyện bị điểm thấp, tôi nói "vậy là được rồi, trước kia mẹ học còn tệ hơn". Khi con đi học quên vở, tôi lại bảo"mẹ còn quên cả cặp sách". Ở đây, quan trọng là cha mẹ phải nghiêm túc chứ không phải nghiêm khắc. Bạn dạy con kiểu nghiêm khắc, càng ngày con sẽ càng ít tâm sự với cha mẹ, sẽ nói dối bởi vì sợ bị phê bình. Dạy con rất cần phải kiên trì.
Trại Nhỏ
Khi cha mẹ chưa giỏi, chưa tài thì sao có thể dạy con giỏi được? Nhiều người lo âu cho con, thực ra bản thân không giỏi nhưng lại muốn con giỏi bằng bạn bè. Bạn chưa đủ giỏi thì lấy gì để huấn luyện con? Hãy bắt đầu bằng việc đồng hành và hiểu con hơn, khích lệ và cổ vũ những việc con làm tốt. Bạn hãy cùng cố gắng học hỏi với con, điều đó sẽ giúp bạn hiểu con đang cần gì? Bạn hãy tự thúc ép mình nên giỏi hơn thì mới có cái để trao lại cho con. Người ta không thể cho con cái mà họ không có.
Con nói dối vì người khác đặt kỳ vọng quá cao, để tránh bị mắng và bị phạt khi trót gây lỗi. Nếu bạn luôn trách mắng con khi con phạm lỗi thì con sẽ càng nói dối nhiều hơn. Nếu con thấy an toàn khi nói thật thì con sẽ nói thật. Ý kiến riêng của tôi là cha mẹ cần học cách chấp nhận con như vốn có và bớt đòi hỏi con được như bạn bè, như vậy con sẽ cảm thấy yên tâm, ít nói dối hơn, và cũng sẽ hạnh phúc hơn. Việc học chưa hiệu quả có thể là do con chưa tìm được người phù hợp, có thể thấu hiểu và biết cách động viên. Khi con được động viên đúng, ý thức sẽ cao hơn nhiều và chắc chắn sẽ tiến bộ. Bạn cũng cần xác định con học không quá kém là được, không nên mong con thật giỏi vì mỗi đứa trẻ có một khả năng. Hãy sống cùng nhau hạnh phúc.
Mỗi đứa trẻ có điểm mạnh, điểm yếu, tính cách khác nhau. Là cha mẹ, hãy hạ kỳ vọng vào con xuống. Hãy nhìn vào điểm mạnh của con: con thích học thì động viên, khuyến khích khi chúng làm tốt; không la mắng, chỉ cần con của hôm nay tiến bộ hơn con của hôm qua một chút là tốt rồi; đừng quan trọng điểm số khi biết con vốn cẩu thả, không cần phải đạt điểm 9-10. Điều quan trọng là rèn con sự cẩn thận, chỉn chu trong công việc, chọn một, hai môn con thích để dành thời gian học tốt là được. Bớt kiểm soát, áp đặt và khắt khe khi con phạm lỗi, lắng nghe con nói nhiều hơn, tìm một hoạt động gì đó để dành thời gian vui chơi với con. Đừng đòi hỏi con phải mạnh mẽ, chỉ cần con vui vẻ, tự tin. Để trẻ vui vẻ, tự tin, biết mình được yêu thương, đươc ba mẹ tin tưởng, bạn hãy cười với con và nói yêu thương, những điều tích cực với chúng mỗi ngày.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.