Đọc bài viết "Tuổi thơ ám ảnh vì phải học âm nhạc", tôi rất đồng cảm với tác giả. Thực tế, tuổi thơ nhiều thế hệ ở Việt Nam luôn bị ám ảnh về một môn học nào đó. Lẽ thường, các giáo viên sẽ không chấp nhận một học sinh có thể "dốt" môn học mình dạy. Họ sẽ liên tục gọi học sinh đó lên bảng nhằm rèn sự ám ảnh tột độ, buộc em đó phải căng mình cải thiện thành tích.
Bản thân tôi cũng có khiếm khuyết. Tôi vốn bị mắc chứng mù màu và môn học tôi ghét nhất những năm phổ thông chính là các môn học liên quan đến phân biệt màu sắc như mỹ thuật. Từ nhỏ, tôi đã luôn cảm thấy mình thật kém cỏi khi không thể phân biệt nổi các dải màu na ná nhau. Thời đó, tôi đã rất đau khổ khi phải vật lộn giữa sự chê bai, trách móc của người xung quanh, kể cả giáo viên của mình.
Mãi sau này, tôi mới biết đến chứng bệnh mù màu này cũng rất phổ biến trên thế giới, chứ không phải cá biệt. Bằng chứng rõ ràng nhất là hiện tại, các thiết lập màu sắc trên máy tính đều có ô lựa chọn dành cho người mù màu.
Ở Việt Nam, nhiều người vẫn hay có thói quen đánh giá học sinh theo một mức điểm sàn, trung bình 5 điểm. Tuy nhiên, con người không phải ai cũng giống nhau, mỗi người sẽ có một thế mạnh và khuyết điểm riêng. Ví dụ như để hát tốt, đòi hỏi bạn phải có chất giọng và khả năng cảm thụ âm nhạc... Những thứ này liên quan đến cấu tạo cơ thể bẩm sinh, không thể thay đổi được. Vậy nên mới có người hát hay, người hát dở, không phải cứ tập nhiều là hát hay như nhau. Chúng ta không thể đòi hỏi mọi học sinh phải hát hay, điều đó chẳng khác nào yêu cầu người điếc phải nghe, hay người mù phải thấy được...
>> 'Lãng phí tuổi thơ vì phải luyện chữ đẹp'
Việc bắt bắt một người rèn khuyết điểm của mình để lên được mức trung bình, không khác gì dạy heo mẹ leo cây. Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là để phát triển thế mạnh của mỗi người. Trong khi đó, chúng ta lại luôn dạy học theo kiểu phơi bày, chỉ trích điểm yếu... khiến học sinh bị ám ảnh làm lu mờ, quên mất rằng mình giỏi hơn ở những mặt khác. Chính vì thế, chúng ta tạo ra những thế hệ học sinh giỏi toàn diện, nhưng lại chẳng có mấy thiên tài, nhân tài thực sự.
Nói cách khác, học sinh Việt cái gì cũng biết, nhưng chẳng cái gì hiểu biết thật chuyên sâu. Thực tế đã chứng mình, rất nhiều danh nhân, thiên tài thế giới bị đánh giá học kém, chậm phát triển cũng chỉ vì kiểu dạy học đem điểm yếu của người học ra đánh giá cho tổng thể chung. Đó là một sai lầm rất lớn.
Theo tôi, chúng ta cần thay đổi cái nhìn lệch lạc về giáo dục: Bậc tiểu học là tuổi ăn chơi, nên hãy để các em học sinh tìm hiểu thế giới xung quanh hơn là học những kiến thức hàn lâm hay định hướng nghề nghiệp. Học sinh tiểu học và trung học chỉ cần học kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, khám phá cuộc sống xung quanh, tìm hiểu sơ lược về nghệ thuật, thể thao, cách ứng xử...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giáo dục trẻ biết sáng tạo và phải chấp nhận điểm thấp. Không thể cứ gò ép học sinh vào những bài văn mẫu, theo kiểu phải tả "Bà em tóc bạc, da đồi mồi, hiền lành..." mới được điểm cao, còn khác đi sẽ bị điểm thấp, phê bình hoặc có giáo viên còn đọc công khai cho cả lớp nghe rồi cười cợt, chế nhạo. Sáng tạo luôn đi cùng với thất bại, chứ thành công hết thì trên đời này làm gì còn danh nhân, vĩ nhân?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.