Đối với gia đình tôi, bé học lớp 1 là một việc bỡ ngỡ với cả mẹ và con. Chuyển từ môi trường mẫu giáo vừa học vừa chơi, được các cô chăm bẵm, mẹ được theo dõi toàn bộ quá trình con ở lớp qua camera, qua một môi trường hoàn toàn mới mẻ là một bước thay đổi lớn.
Vài lần đầu nhắn tin, trao đổi qua điện thoại với cô chủ nhiệm lớp 1, tôi cũng hơi bị choáng. Cảm giác hụt hẫng rõ ràng vì phong cách của cô khác hoàn toàn các giáo viên ở lớp Lá. Con tôi bước vào lớp 1 trong tình hình cả thế giới đang rối ren vì dịch bệnh Covid-19. Học sinh và cô giáo gặp nhau hàng ngày qua màn hình máy tính. Nhìn con ngồi trước bên chiếc bàn ọp ẹp, liên tục than mỏi mắt, rồi lại ôm máy tính bảng qua ghế sofa nằm học mà tôi vừa buồn cười, vừa thương.
Con chính thức bước vào giai đoạn rèn viết chữ, rèn đọc. Đến khi được đi học trực tiếp, tôi lại tiếp tục nỗi lo thứ hai. Vào học khi qua Tết, thời điểm này cô đã cho các em viết sang chữ nhỏ. Nhưng trường lại quyết định là thi học kỳ I sẽ viết chữ lớn. Thế là cả cô và trò cùng nhau vật vã hai tuần ôn lại các viết chữ lớn. Sau khi thi xong, các con lại quay lại viết chữ nhỏ. Vòng quay "lớn - nhỏ - lớn - nhỏ" cứ như vậy khiến đám trẻ càng thêm vất vả chạy theo chương trình.
Lúc đầu, tôi cứ nghĩ học sinh lớp 1 chỉ cần học ghép vần. Nhiều người còn nói với tôi trước đó là "không nên cho con học chữ trước". Nhưng thực tế không phải như vậy. Có thể, với những bé nhanh nhạy, độ tập trung tốt, thì vẫn có thể theo kịp chương trình. Nhưng riêng con tôi, dù đã có thể đánh vần trước khi vào lớp 1, nhưng khi vào chương trình thực sự, con vẫn bị quá tải.
Mỗi ngày, con học hai, ba vần mới, qua học kỳ II lại học vần ghép rất phức tạp. Bài đọc thì dài cả trang, đọc phải hiểu và trả lời câu hỏi liên quan, tìm từ ngoài bài có vần theo yêu cầu, đặt câu với từ vừa tìm được, tập chép đoạn văn vào vở... Tôi thấy, dù chương trình được xây dựng theo hướng đổi mới nhiều so với trước, lồng ghép dạy kỹ năng, kiến thức khoa học vào cho các bé, tập viết câu để từ từ sẽ xây dựng thành đoạn văn ở lớp lớn hơn. Nhưng vấn đề là với lượng yêu cầu như trên, việc mỗi ngày dạy một bài là quá vất vả, gấp rút cho cả giáo viên và học sinh.
Các bé lớp 1 còn nhỏ nên khả năng tập trung chưa cao, cô phải mất công sức để ổn định lớp, cộng với chương trình dài và nặng như vậy, không khó hiểu khi giáo viên dễ mất bình tĩnh, khó mà đủ thời gian chờ một em học sinh hơi chậm ngẫm nghĩ ra vấn đề.
>> 'Lãng phí tuổi thơ vì phải luyện chữ đẹp'
Bên cạnh đó, một điều làm tôi thấy khó hiểu nhất, là việc rèn cho các bé viết chữ hoa - kiểu chữ uốn lượn, bay bổng. Thú thật, tôi là phụ huynh còn cảm thấy khó viết huống hồ là trẻ lớp 1.
Và tôi cũng không hiểu vì sao phải rèn đại trà kiểu chữ khó như vậy cho học sinh? Chúng ta có thể khuyến khích một số em có năng khiếu và yêu thích luyện chữ đẹp rèn kiểu chữ này thay vì tất cả. Trong văn bản bình thường, tôi nghĩ cũng không nên viết kiểu chữ hoa đó, có thể viết một chữ đầu tiên ở đầu đoạn văn để nhìn cho đẹp, chứ cả đoạn dài mà viết kiểu chữ đó nhìn rất rối mắt. Với những bé viết chữ đẹp thì không sao, nhưng với con tôi, bé viết chữ thường đã chưa đẹp, giờ còn phải học kiểu chữ hoa đó, nhiều khi chính tôi cũng không hiểu con viết gì.
Bên trên mới là đôi điều chia sẻ của tôi về môn Tiếng Việt. Còn đối với môn Toán, theo tôi, kiến thức là không khó đối với các con, nhưng vấn đề lại quay về chỗ "đọc - hiểu". Bé đọc chưa rành nên khi tự đọc yêu cầu đề bài toán sẽ cảm thấy rất vất vả. May mắn là con được đi học trực tiếp, có giờ vui đùa với bạn nên tôi thấy bé vẫn hào hứng đi học chứ chưa đến mức sợ hãi.
Hiện nay, cả trường đang lấy ý kiến để các con học bán trú. Hy vọng lúc đó, các con sẽ có thể giải quyết được tất cả bài tập trên lớp, và về nhà còn có thời gian đọc sách, vui chơi, vận động, hoặc học các môn năng khiếu...
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.