Tôi sinh năm 1991, đã từng trải qua giai đoạn tuổi 14,15,16 đầy áp lực. Những ngày tháng đó, lúc nào tôi cũng phải nghe những câu so sánh "con nhà người ta học giỏi, con nhà này cho ăn cho nhiều mà học dốt". Đến hiện tại, tôi vẫn bị cha mẹ mắng chửi những câu tương tự như thế vì không thành đạt bằng "con nhà người ta". Thực ra, tôi cũng không biết cha mẹ mình có thấy vui khi chửi bới con như vậy không?
Ngày trước, tôi còn hay cãi lại, và thường xuyên nhận lại những câu như "trứng mà đòi khôn hơn vịt" bởi ba mẹ lúc nào cũng coi rằng mình đúng, cho dù có sai cũng phải nghe. Nhưng sau này tôi chỉ im lặng, không thèm nghe và không thèm nghĩ ngợi nhiều. Bản thân đã quen với việc bị nói nặng lời, nhưng tôi hiểu ba mẹ có công sinh thành, nên tôi vẫn yêu thương và chăm sóc vô điều kiện.
Thật sự, tuổi thơ của trẻ em chỉ nên đo lường theo chỉ số hạnh phúc, chỉ số sáng tạo, kỹ năng sống, chứ không phải đo theo cái loại học lực giỏi, xuất sắc hay thứ hạng điểm số. Nhưng danh hiệu xếp loại của nhiều trường phổ thông bây giờ, nói vui chỉ cần nhắm mắt học cũng được loại giỏi.
Hiện, tôi đã có một con bốn tuổi. Ngày qua ngày, tôi chỉ dõi theo xem con có hạnh phúc không, có vui vẻ không, con học được cái gì, con thích cái gì? Tôi khuyến khích bé học và sáng tạo theo sở thích, không gò ép, kèm theo định hướng học các chương trình tiếng Anh và coi các kênh giáo dục nước ngoài. Nhờ đó, đến giờ, vốn cụm từ tiếng Anh của con cũng thuộc dạng khá, giao tiếp cũng ở mức ổn. Cái hay của các chương trình đó là dạy cả chữ cái cho con và đồng thời dạy luôn mặt số, các phép Toán cộng, trừ, nhân, chia.
>> 'Học Văn lãng phí nếu chỉ để đi thi'
Khóa của tôi hồi trước đã học cải cách phân ban. Tôi thấy cách phân ban như vậy đã rất hiệu quả. Tôi có thể chọn ban Tự nhiên theo đúng sở trường, sở thích ngay từ đầu. Trong quá trình học, tôi được dạy nâng cao các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, còn những môn khác chỉ cần học những kiến thức cơ bản.
Ngày nay, nhiều người có ý tưởng về việc đưa môn hướng nghiệp vào giảng dạy bắt buộc trong trường phổ thông, nhưng tôi cho rằng rất khó hiện thực hóa điều này. Nếu có triển khai, tôi cho rằng học sinh cũng sẽ chỉ học cho có hình thức, vì môn này đòi hỏi phải trả lời rất nhiều câu hỏi phức tạp mà ngay đến cả giáo viên cũng chưa chắc giải quyết được. Ví dụ: thích nghề nào, trường nào dạy nghề đó, ra trường sẽ làm ở đâu...? Và đó mới chỉ là lý thuyết suông.
Thực tế, các em cần hiểu công việc nào phù hợp với tính cách của mình? Xã hội có cần hay không? Và quan trọng nhất là nó có đủ để các em kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình không? Những thứ này nếu chỉ ngồi trên lớp và giảng lý thuyết thì chắc chắn sẽ chỉ làm mất thời gian thêm mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.